Đường dây nóng 086.900.0660 sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ). Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm
môi trường sẽ được Tổng cục Môi trường tiếp nhận và chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…
Việt Nam vay ADB 170 triệu USD cho dự án ứng phó biến đổi khí hậu
Để giúp Việt Nam cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị và ứng phó
biến đổi khí hậu, ngày 2/11, Ban Giám đốc Điều hành ADB đã phê duyệt 170 triệu USD vốn vay để giúp Việt Nam cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu. Dự kiến sẽ có khoảng 116.000 hộ gia đình được hưởng lợi tại các thành phố Huế, Vĩnh Yên và Hà Giang. Dự án Phát triển đô thị Xanh loại hai (thành phố xanh) sẽ giúp các đô thị này trở nên đáng sống hơn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với Vĩnh Yên, dự án sẽ xây dựng một hệ thống xử lý nước thải mới, nâng cấp 66,1 km cống thoát nước, nạo vét Đầm Vạc và xây dựng 44,5 ha không gian xanh công cộng mới.
VietnamPlus cho biết bên cạnh các khoản vay, ADB cũng sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn là 14,1 triệu USD cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và đầu tư viện trợ không hoàn lại trị giá 6 triệu USD từ Quỹ môi trường toàn cầu và Quỹ tín thác ứng phó biến đổi khí hậu
đô thị. Hỗ trợ kỹ thuật sẽ lồng ghép cách tiếp cận phát triển đô thị xanh và thích ứng cho các cơ quan chính phủ thông qua tư vấn chính sách và xây dựng năng lực, cũng như nhân rộng cách tiếp cận này sang các thành phố khác ở Việt Nam.
TP.HCM thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước
Lần đầu tiên việc kiểm kê lượng phát thải
khí nhà kính được thực hiện tại TP.HCM, theo đó thành phố thải ra khí nhà kính nhiều nhất nước. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về giám sát phát thải khí nhà kính, lượng khí phát thải của TP.HCM đo được trong năm 2013 tương đương với lượng tổng phát thải của toàn nước New Zealand, gần bằng một nửa lượng phát thái của thành phố Tokyo (Nhật Bản) – theo Tuổi Trẻ.
Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính đo được ở TP.HCM khoảng 38,5 triệu tấn CO2. So với cả nước thì TP.HCM phát thải khí nhà kính nhiều nhất, chiếm khoảng 15% trong khi dân số thành phố chiếm 9% dân số Việt Nam. Trong khi đó, nếu so sánh 91 thành phố tham gia vào chương trình mạng lưới các thành phố đối phó với biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính trên bình quân đầu người của TP.HCM lại cùng mức với thành phố Seoul, London... mặc dù TP.HCM phát triển kinh tế ít hơn so với các thành phố này. Còn nếu tính theo GDP bình quân đầu người, lượng phát thải khí này thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, khoảng 4.157 tấn/người.
Nhiếp ảnh gia Việt thắng giải Ảnh môi trường quốc tế 2017
Tờ Guardian đưa tin bức ảnh “Đôi mắt đầy hi vọng của bé gái mưu sinh trên
bãi rác” của tác giả Nguyễn Linh Vinh Quốc, Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi ảnh quốc tế Nhiếp ảnh gia môi trường 2017 (EPOTY 2017). Tác phẩm gây xúc động The hopeful eyes of the girl making a living by rubbish (tạm dịch Đôi mắt đầy hi vọng của bé gái mưu sinh trên bãi rác) được chụp tại một bãi rác ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho thấy bé gái theo mẹ thu gom phế liệu để kiếm sống qua ngày.
Cơ quan CIWEM (Anh) - chuyên quản lý, phát triển nguồn tài nguyên nước và
môi trường bền vững - tổ chức cuộc thi "Nhiếp ảnh gia môi trường" hàng năm dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trên khắp thế giới tham dự. Theo ciwem.org, BTC cuộc thi EPOTY 2017 chấm giải ảnh dựa trên các tiêu chí mang tính đương đại, sáng tạo, bố cục đẹp, quan trọng là nội dung có sức ảnh hưởng nhằm truyền cảm hứng cho mọi người trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường.
Giới chức Mỹ thừa nhận thực trạng về biến đổi khí hậu
Tình trạng biến đổi khí hậu là có thật, do con người gây ra và đang tác động tới đời sống hàng ngày của người dân Mỹ. Đây là kết luận đưa ra trong một báo cáo khoa học của chính phủ liên bang, được Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 3/11.
Theo văn bản này, trong những thập kỷ gần đây, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã và đang tăng nhanh và mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong hơn 1.700 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng Trái Đất nóng lên kể từ giữa thế kỷ 20 là do các hoạt động của con người, đặc biệt là việc thải lượng khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Lượng CO2 đạt mức kỷ lục 800.000 năm
Lượng khí CO2 thải ra từ năm 2015 đến 2016 tăng mạnh, theo Báo cáo Khí Nhà kính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Mother Nature Network hôm 30/10 đưa tin. Nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm năm 2015. Những số liệu này được tính sau khi các bể khí như rừng hay biển đã hấp thụ bớt một lượng đáng kể khí CO2. Đây là mức CO2 cao nhất trong 800.000 năm qua – theo VnExpress.
Ngoài việc lượng CO2 thải ra liên tục tăng, hiện tượng El Niño năm 2016 cũng góp phần đáng kể khiến nồng độ CO2 trong khí quyển đạt ngưỡng cao kỷ lục. Hiện tượng thời tiết này gây ra những đợt hạn hán làm hạn chế khả năng hấp thụ CO2 của Trái Đất. Các báo cáo của WMO và Liên Hợp Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu sắp tới của Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 7/11 tại Bonn, Đức.
90% các rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào giữa thế kỷ
Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances của Mỹ số ra ngày 1/11, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích khả năng thích nghi với thay đổi môi trường của loài san hô Acropora hyacinthus sống ở vùng nước mát, có nhiều ở quần đảo Cook thuộc Thái Bình Dương. Kết quả cho thấy trong thế kỷ tới, các loài san hô này sẽ chết nếu lượng khí thải không được cắt giảm, hoặc cắt giảm rất ít, và nền nhiệt Trái đất tăng ít nhất 3,7 độ C.
Các rạn san hô giúp bảo vệ các bờ biển, thúc đẩy du lịch biển và mang về giá trị kinh tế toàn cầu ước tính 375 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các cơn bão biển và hiện tượng hóa trắng (chết) đang đe dọa số lượng san hô trên toàn thế giới. Giới khoa học cảnh báo 90% các rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào giữa thế kỷ này – theo VietnamPlus.
Ấn Độ chế tạo thiết bị chặn không khí bẩn vào phổi
Để đối phó với khói bụi ô nhiễm, các nhà khoa học Ấn Độ vừa tạo ra một loại khẩu trang có thể giúp ngăn chặn tất cả các chất ô nhiễm xâm nhập vào phổi. Thiết bị này có tên là Airlens, được phát triển bởi các nhà khoa học tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ (AIIMS) và các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT). Theo giới thiệu, Airlens dày 2 cm, chỉ dùng một lần. Nó sử dụng công nghệ phân tử hoạt tính để lọc không khí và có một hệ thống phản hồi thông qua ứng dụng di động để thông báo khối lượng không khí đã lọc.
Theo Chinhphu.vn, hiện giá bán của khẩu trang này vào khoảng 500 rupees (tương đương khoảng 175.000 đồng) và mới có loại cho trẻ em. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong tương lai sẽ sản xuất được loại khẩu trang dành cho người lớn. Theo một nghiên cứu gần đây, năm 2015, Ấn Độ là nước có nhiều ca tử vong nhất thế giới do nguyên nhan ô nhiễm không khí. Nghiên cứu này ước tính các chất ô nhiễm đã làm 2,5 triệu người tử vong tại Ấn Độ.