Trước mắt, Bộ Tài nguyên & Môi trường thành lập 3 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn
xả nước thải từ 500m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long. Đây là hành động cứng rắn khi “tối hậu thư” cho biết, kết quả thanh tra phải được báo cáo về Bộ Tài nguyên & Môi trường chậm nhất là 15 ngày kể từ khi kết thúc và đến cuối tháng 10 tới, cơ quan chức năng sẽ hoàn thành tổng hợp kết luận thanh tra, tổ chức họp báo công bố kết quả.
Việt Nam phát động tuần lễ bảo tồn voi
Ngày 03/08, các cán bộ và các nhà bảo tồn
động vật hoang dã (ĐVHD) đã khởi động các hoạt động của Tuần lễ bảo tồn Voi được tổ chức tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam nhằm khuyến khích, thúc đẩy và nâng cao nhận thức cho hoạt động bảo tồn loài voi và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, được bảo vệ tại Việt Nam. Tuần lễ bảo tồn Voi kéo dài đến ngày 06/08/2016 và được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” do Chính phủ Việt Nam đầu tư thực hiện. Đây là một nỗ lực chung của Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), chính quyền tỉnh Quảng Nam, các tổ chức huyện Nông Sơn và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Tuần lễ sẽ bao gồm nhiều hoạt động lý thú, điển hình trong đó phải kể tới cuộc thi chạy marathon cự ly ngắn (5 km) – “Chạy vì loài Voi Việt Nam” – nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bảo tồn voi và thu hút cộng đồng địa phương hỗ trợ hình thành các khu vực bảo vệ voi tại tỉnh Quảng Nam. Ngoài cuộc thi chạy marathon “Chạy vì loài Voi Việt Nam”, cũng trong tuần lễ này, một cuộc họp liên ngành giữa TCLN, chính quyền địa phương và các công ty du lịch cũng được tổ chức với mục đích xác định những việc cần làm để phát triển du lịch sinh thái như một phương thức “chung sống hòa bình với loài Voi, phòng chống xung đột voi với người”. Cuối tuần lễ là chương trình đối thoại trực tiếp giữa TCLN, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam để thảo luận về các giải pháp
bảo tồn loài voi Việt Nam.
Đà Nẵng xây dựng thí điểm dự án đốt rác phát điện
Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có buổi làm việc với ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) liên quan đến dự án thí điểm xây dựng nhà máy đốt rác phát điện do Tập đoàn JFE đề xuất triển khai thực hiện tại Đà Nẵng. Được biết trước đây (năm 2014), JFE Nhật Bản chính là đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn do JICA tài trợ. Trong Nghiên cứu khả thi này, công nghệ được JFE đề xuất cho dự án là công nghệ
đốt rác và phát điện với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày, chi phí đầu tư cơ bản và vận hành nhà máy trong thời hạn 20 năm là 122 triệu USD. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức phí xử lý 25 USD/tấn được đề xuất là khá cao, và thành phố gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Do vậy, trong buổi làm việc này, phía JFE đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung JCM của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nhật Bản để triển khai thí điểm dự án nêu trên với quy mô nhỏ hơn và công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày nhằm đảm bảo tính khả thi. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 20 triệu USD (hơn 440 tỷ đồng), trong đó 50% là 10 triệu USD sẽ xin Bộ TM&MT Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại thông qua cơ chế tín chỉ chung (JCM) để mua sắm máy móc thiết bị ban đầu, 10 triệu USD còn lại là kinh phí đối ứng của Đà Nẵng, có thể là thành phố trực tiếp vay vốn ODA hoặc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (URENCO) – đơn vị trực tiếp vận hành nhà máy – vay và sau này thành phố sẽ trả dần thông qua khoản thu phí xử lý rác thải của người dân. Nếu được thông qua, dự kiến Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ phê duyệt cấp vốn cho dự án vào tháng 3/2017.
Thi viết Rừng là cuộc sống của tôi
Chiều 2/8, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” lần thứ hai. Theo ban tổ chức cuộc thi, nội dung bài dự thi là những tác phẩm phản ánh chân thực về sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ứng phó với
biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt là những phản ánh về giá trị về kinh tế và tinh thần mà rừng mang lại cho đời sống con người và những nỗ lực bảo vệ rừng của toàn xã hội, những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng – theo VietnamPlus.
Về yêu cầu, bài dự thi sử dụng thể loại báo chí (báo viết) chưa đăng tải trên sách, báo, chưa được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong nước và nước ngoài. Thí sinh tham gia cuộc thi là cá nhân, một thí sinh có thể gửi nhiều bài dự thi. Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 1/11/2016, các tác phẩm dự thi gửi trực tiếp bằng văn bản đến địa chỉ: Báo Nông nghiệp Việt Nam, 17A, Tràng Thi, Hà Nội hoặc Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, nhà A3, số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, hoặc gửi qua email: runglacuocsongcuatoi@gmail.com. Ban tổ chức yêu cầu ngoài phong bì, email các tác phẩm dự thi cần ghi rõ: Bài dự thi “Rừng là cuộc sống của tôi” năm 2016.
Lập tổ công tác thực hiện thỏa thuận Paris về khí hậu
Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu đến năm 2030, nhằm cắt giảm lượng phát thải khí carbon tại Việt Nam. Tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu đến năm 2030 gồm 24 thành viên, do ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng – theo VietnamPlus.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu đến năm 2030 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, ngày 12/12/2015, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã được thông qua, và đi đến một Thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng
phát thải khí carbon. Mục tiêu của Thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
THẾ GIỚI
Voi, hổ, sư tử có thể tuyệt chủng vào năm 2100
Một ngày nào đấy, có lẽ con cháu của bạn có thể mở sách khoa học và đọc được rằng voi, hổ, sư tử là những con vật hùng dũng, đã tuyệt chủng, từng tồn tại trên Trái Đất giống như voi Ma mút hay loài Khủng long Triceratops. Theo báo cáo mới đây của các nhà bảo tồn sinh vật học trên tờ BioScience ngày 27/7, nhiều con thú lớn trên thế giới có thể bị tuyệt chủng vào năm 2100 nếu các biện pháp bảo tồn không được thực hiện một cách quyết liệt. Để ngăn chặn điều này, các chính phủ và các tổ chức bảo tồn cần có ngay những hành động phù hợp.
Cuộc sống của nhiều loài động vật trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, điều này không còn gì mới mẻ với nhiều người. Việc săn trộm và sự can thiệp không ngừng của con người vào môi trường tự nhiên đã dồn các loài vật như tê giác, voi, các loài động vật lớn thuộc họ mèo vào vùng lãnh thổ ngày càng nhỏ; và buộc các loài động vật hoang dã xung đột với chính dân số con người. Liên minh Quốc tế về Bảo tồn tự nhiên đã dự báo, khoảng 59% các loài động vật ăn thịt lớn nhất trên thế giới (như hổ Bengal) và 60% các loài động vật ăn cỏ lớn nhất (như Tê giác trắng hay loài Gorilla) có thể biến mất khỏi Trái Đất khi bước sang thế kỷ tới - theo VOV News.
Vùng thảm họa Chernobyl sẽ thành trang trại năng lượng mặt trời
Chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch tìm kiếm tài trợ cho dự án chuyển đổi đất không sử dụng được ở khu vực phóng xạ nguy hiểm thành một trang trại năng lượng mặt trời có sản lượng 1400 MW mỗi năm hoặc bằng 1/3 so với sản lượng của các nhà máy hạt nhân trước thảm họa nổi tiếng. Nếu dự án này được đưa vào thực hiện, Ukraine sẽ có trang trại
năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Được biết, trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất hiện nay là Longyangxia Dam ở phía Tây Trung Quốc với diện tích 23 km vuông và có sản lượng 850 MW mỗi năm. Trong khi đó, đứng thứ 2 là trang trại Ivanpah Solar Power ở California (Mĩ) với diện tích 14 km vuông và sản lượng chỉ đạt 392 MW mỗi năm. Tin mừng là đã có một ngân hàng lớn xem xét dự án này. Trả lời phỏng vấn của Guardian, đại diện Ngân hàng Tái thiết & Phát triển châu Âu, cho biết: "Chúng tôi có thể xem xét tham gia dự án, miễn là việc đầu tư có khả thi và các
vấn đề về môi trường hay phóng xạ được giải quyết với sự hài lòng cao".
Tại sao những con voi mamut cuối cùng tuyệt chủng?
Theo các nhà khoa học, đã có thời dải đất nhỏ đó kết nối lục địa Á - Âu và Bắc Mỹ, nhưng nước biển dâng lên đã ngăn cách vùng đất đó với 2 lục địa và trở thành hòn đảo nằm cách xa bờ nhất trên hành tinh chúng ta. Bất chấp những con voi mamut sống trên lục địa đã chết từ khoảng 13,2 - 14 nghìn năm trước, những người bà con của chúng trên đảo St.Paul vẫn cầm cự được lâu hơn một chút. Chúng không có đất để sinh tồn và hiện chúng ta vẫn chưa biết được tại sao loài vật có vú không lồ đó sống sót được trên diện tích 110km vuông của đảo, chỉ tương đương với diện tích Paris – theo Motthegioi.
Theo tạp chí khoa học PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences), các nhà khoa học Mỹ đã làm sáng tỏ những câu hỏi khi nào và tại sao những con voi mamut thuộc quần thể cuối cùng sống tách biệt trên đảo giữa biển Bering bị tuyệt chủng. Theo bài báo khoa học trên, các nhà khoa học dưới sự hướng dẫn của giáo sư Graham Russell ở Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã kết luận rằng những đại diện của loài voi mamut có lông, sống trên đảo St.Paul gần Alaska, đã chết vì thiếu nước ngọt từ hơn 5.000 năm trước. Giáo sư Graham Russell giải thích rằng một con voi hiện nay cần từ 70 - 200 lít nước/ngày. Giả sử voi mamut cũng cần lượng nước tương tự thì nguồn nước tự nhiên sẽ cạn kiệt nhanh.
Teen Ý chế tạo máy biến chai nhựa thành ốp lưng điện thoại
Một nhóm tuổi teen ở Ý mới đây đưa ra ý tưởng khuyến khích con người chung tay tái chế những
rác thải nhựa. Thay vì ném chúng vào sọt rác, nhóm thanh niên này muốn mọi người bỏ những chai nhựa vào chiếc máy có tên MyProGeneration và bù lại họ sẽ nhận được những chiếc ốp lưng cho điện thoại cực kỳ độc đáo. Được biết, ý tưởng độc đáo này từng được nhóm đem đến cuộc thi Biz Factory vào năm 2015 và đã lọt vào vòng chung kết ở Milan. Nhóm các bạn trẻ này cho biết họ muốn khách hàng nói chung và nhất là những người trẻ nói riêng có trách nhiệm bảo vệ với môi trường nhiều hơn.
Cũng nhờ cuộc thi này, ý tưởng của họ đã lọt vào tầm nhắm của AXA Italia và công ty này quyết định đầu tư vốn cho nhóm phát triển để thương mại hóa sản phẩm này. Chiếc máy MyProGeneration còn gây ấn tượng bởi tính thông minh, đơn giản và tiện dụng. Đặc biệt máy sử dụng công nghệ in 3D để in các ốp lưng điện thoại từ các vỏ chai nhựa tái chế, người dùng có thể trực tiếp bỏ các loại rác thải nhựa này vào và tự trải nghiệm quá trình hình thành nên ốp lưng dành cho điện thoại của mình – theo Trí Thức Trẻ.
"Thành phố bọt biển" chống nóng và mưa bão
Những đợt nắng nóng và mưa bão ở Thủ đô của nước Đức đã trở nên phổ biến do tác động của biến đổi khí hậu. Ứng phó với thực trạng này, các chuyên gia đề ra giải pháp biến thành phố Berlin thành một “đô thị dạng miếng bọt biển”, với những mái nhà ngập tràn màu xanh lá cây và nhiều vùng đất ngập nước. Cây và mái hiên giúp cung cấp bóng mát; mái nhà phủ rêu và cỏ xanh mướt; nhà có sơn màu sáng để không hấp thụ nhiệt; mặt đường có khả năng chịu nhiệt đặc biệt để ngăn ngừa việc chảy nhựa vào những ngày nắng nóng; quy hoạch những vùng trũng trữ nước trong các trận mưa lớn… Đó là một số điểm nổi bật trong hàng chục giải pháp can thiệp nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu mà các chuyên gia mới đề xuất với thành phố Berlin, mục tiêu là biến đô thị này trở nên dễ sống hơn trong nhiều thập kỷ tới – theo An Ninh Thủ Đô.
Ý tưởng thiết kế đô thị này đã thu hút sự chú ý của Thượng nghị viện Berlin, cơ quan quản lý thành phố và được công bố cuối tháng 7/2016 với tên gọi “StEP Klima KONKRET”. Kể từ năm 2007, Berlin đã quan tâm đáng kể đến việc lập ra mô hình cảnh quan thành phố do tác động của biến đổi khí hậu và hiện giờ, những bước đi thực tế theo hướng thích ứng dài hạn đã hình thành. “Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “đô thị bọt biển” bởi quan trọng nhất là tránh bao phủ mặt đất bằng bê tông hay nhựa đường quá nhiều. Chúng tôi muốn bề mặt thấm được nước ở bất cứ nơi nào có thể. Ví dụ, mái nhà trồng rêu hoặc cỏ có thể hấp thụ nước khi mưa, sau đó nước dễ dàng bốc hơi đồng thời cũng tạo ra hiệu ứng làm mát.