quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 25/06/2016 | 09:33:00 AM

Nhân rộng camera chống ngập; Đóng cửa rừng tự nhiên; Các thành phố trên thế giới thành lập liên minh chống biến đổi khí hậu; Dubai xây dựng nhà máy năng lượng từ chất thải rắn; Gạch sinh học sẽ có mặt trên thị trường vào năm sau; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Nhân rộng camera chống ngập


Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa vừa chấp thuận chủ trương cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP chủ trì nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác chống ngập nước. Đây là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả tự động hóa trong công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP đã lắp đặt hơn 20 camera quan sát nước ngập tại nhiều khu vực trên địa bàn TP – theo Tuổi Trẻ.


Thông tin, hình ảnh từ camera được cho là giúp công tác ghi nhận thực tế chính xác, xác định nguyên nhân gây ngập cụ thể để từ đó điều động lực lượng ứng cứu ngập nước cũng như đề xuất giải pháp chống ngập căn cơ, lâu dài và hình ảnh còn được sử dụng cho mục đích quan sát giao thông. Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết hiện đang rà soát, xây dựng đề án lắp camera để báo cáo UBND TP trước khi thực hiện.

Hỗ trợ 11 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 231,5 tỷ đồng cho 11 địa phương và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016. Hỗ trợ tỉnh Sơn La 15,5 tỷ đồng, Lai Châu 9,9 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 12,5 tỷ đồng, Phú Yên 11,4 tỷ đồng, Kon Tum 19,8 tỷ đồng, Lâm Đồng 35 tỷ đồng, Bình Phước 25 tỷ đồng, Long An 25 tỷ đồng, Sóc Trăng 24,5 tỷ đồng, Kiên Giang 25 tỷ đồng, Cà Mau 25 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa 2,9 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác cùng với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ nêu trên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn – theo Báo Thanh Tra.

Tẩy sạch ô nhiễm ở vùng cá chết

Trong 6 tháng qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định đã tập trung xử lý sự cố ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung và tích cực kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các điểm nóng môi trường, trong đó có sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đã được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên & Môi trường trong 6 tháng cuối năm 2016 là triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm, suy thoái nặng, trong đó có sự cố môi trường trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung.

Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết các vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đáng chú ý nhất là việc triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm, suy thoái nặng, trong đó có sự cố môi trường trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng giai đoạn 2016-2020 – theo Dân Trí.

Đóng cửa rừng tự nhiên

Sau khi chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng như rừng còn vô chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, phát triển và quản lý rừng; tiêu cực tham nhũng trong một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng; tình trạng di dân tự do đến phá rừng, lấy đất trồng cây công nghiệp, Thủ tướng kết luận Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp – theo VietnamPlus.

Chỉ có thực thi nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, cấm các cơ sơ chế biến gỗ rừng hoạt động và có chế tài xử phạt đủ mạnh thì mới triệt tận gốc được “cái nhu cầu” phá rừng không chỉ của “lâm tặc” mà còn của không ít chủ rừng, chủ doanh nghiệp. Việc bảo vệ những vùng rừng tự nhiên, phục hồi, trồng mới rừng là công việc phục hồi không gian sống của Tây Nguyên. Đó là việc làm cấp bách đòi hỏi những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng phải thật sự tâm huyết với Tây Nguyên. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, sáng 20/6 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Gia tăng nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tối 22/6 cho biết, trong vài năm trở lại đây, hoạt động buôn bán động vật hoang dã quý, hiếm trên Internet đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trên các trang mạng xã hội, các website, các diễn đàn, nhiều loài động vật hoang dã từ sóc, nhím, trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu, chuột đến những loài nguy cấp, quý, hiếm như hổ, culi, rái cá được rao bán ngày càng thường xuyên và công khai, thậm chí kèm theo đầy đủ thông tin của người bán – theo VietnamPlus.

Trước thực trạng đáng báo động trên, từ năm 2008, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng tố giác tội phạm buôn bán động vật hoang dã thông qua đường dây nóng miễn phí 1800-1522 và qua các chiến dịch loại bỏ vi phạm về động vật hoang dã trên Internet. Nhờ đó, tính đến tháng 6/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý thành công 1.130 trên tổng số 1.551 vụ vi phạm về động vật hoang dã trên mạng Internet, gỡ bỏ nhiều đường link vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu nhiều cá thể động vật hoang dã còn sống.

THẾ GIỚI

Các thành phố trên thế giới thành lập liên minh chống biến đổi khí hậu


Ngày 22/6, các thành phố tại 6 châu lục đã cùng nhau thành lập liên minh lớn nhất thế giới về chống biến đổi khí hậu. Hơn 7.100 thành phố tại 119 nước đã thành lập “Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu vì Khí hậu và Năng lượng” - mạng lưới nhằm giúp trao đổi thông tin về các mục tiêu nhưng phát triển năng lượng sạch – theo VOV.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các thành phố chịu trách nhiệm về 75% khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính và tiêu thụ 70% năng lượng trên toàn cầu. Liên minh mới sẽ hỗ trợ 195 nước thực hiện cam kết đưa ra ở Paris vào năm 2015 về kiềm chế trái đất nóng lên. Thỏa thuận Paris về giảm khí thải sẽ trở thành văn kiện mang tính ràng buộc đối với các chính phủ nếu ít nhất 55 nước (đóng góp 55% lượng khí thải toàn cầu) phê chuẩn thỏa thuận.

Núi lửa sẽ hủy diệt Nhật Bản sau 100 năm nữa

Nhật Bản có thể gần như bị phá hủy, kéo theo nguy cơ tàn phá cuộc sống của 95% dân số nước này, khi xảy ra một đợt phun trào núi lửa lớn trong khoảng 100 năm tới. “Không phải cường điệu khi nói rằng một đợt phun trào núi lửa khổng lồ có thể khiến Nhật Bản biến mất”, AFP dẫn lời một thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kobe cho hay. Trong thế kỷ tới, Nhật Bản có thể gần như bị phá hủy dưới tác động của núi lửa và khoảng 127 triệu dân sẽ gặp nguy hiểm – theo VnExpress.

Trong nghiên cứu, giáo sư Yoshiyuki Tatsumi và Keiko Suzuki phân tích quy mô và tần suất xuất hiện các vụ phun trào núi lửa trong hơn 120.000 năm qua. Họ dự đoán khả năng xảy ra phun trào lớn trong hơn 100 năm tới là khoảng 1%. Khi đó, cuộc sống của khoảng 120 triệu người sống ở Honshu, đảo chính của Nhật Bản, sẽ trở nên “vô vọng”. Các chuyên gia cảnh báo rằng con số này không nên được đánh giá thấp. Năm 1995, một trận động đất mạnh 7,2 độ Richter từng tàn phá thành phố cảng Kobe, khiến 6.400 người thiệt mạng và 4.400 người bị thương. Trước đó, nguy cơ cũng chỉ được dự đoán là 1%.

Gạch sinh học sẽ có mặt trên thị trường vào năm sau

BioMason, công ty sản xuất loại gạch sinh học từ cát và vi khuẩn đang gần đạt được mục đích thương mại khi đưa ra thị trường những viên gạch thân thiện với môi trường vào đầu năm tới. Khởi động từ năm 2012, tại Bắc Carolina, Mỹ, cuộc cách mạng về vật liệu xây dựng nhằm hướng tới giảm lượng phát thải carbon bằng cách sử dụng gạch từ cát và vi khuẩn thay cho gạch truyền thống, đã được hình thành và phát triển. Năm 2013, Công ty đã giành được giải thưởng trị giá 560.000 USD về sản xuất vật liệu xây dựng xanh. Kể từ đó, Công ty đã hoàn thiện hệ thống phát thải bằng 0, kỹ thuật xử lý chất thải được mở rộng. Công ty điều hành một nhà máy thí điểm tại Durham, nơi có khả năng sản xuất 1.500 viên gạch sinh học mỗi tuần.

Trong khi gạch truyền thống từ cát và các chất kết dính được nung trong 3-5 ngày và sản sinh ra khoảng 800 triệu tấn carbon mỗi năm, thì gạch sinh học của BioMason chỉ cần mất 2-3 ngày để phát triển và hoàn toàn không có khí thải. Hơn nữa, Dosier cho biết gạch BioMason còn có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm, là một nhân tố tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – theo Báo Xây Dựng.

Ấn Độ làm đường từ chất thải nhựa

Thay vì lãng phí tài nguyên cho việc tiêu huỷ chất thải, Ấn Độ đã sử dụng nhựa tái chế để trải đường thay thế cho PVC hay các vật liệu thông thường. Sáng kiến tái sử dụng các chất thải nhựa để làm đường, Ấn Độ đang tạo ra một cuộc cách mạng xanh sẽ được sử dụng rộng rãi trong tương lai nhằm giảm tình trạng lãng phí tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm đất và tiết kiệm chi phí làm đường cho đất nước. Chính quyền bang Maharashtra vừa quyết định sẽ sử dụng chất thải nhựa thay vì dụng nhựa PVC và nhựa đen để làm vật liệu rải đường. Biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí chất thải bằng nhựa, tăng cường khả năng chịu nước cho các con đường mà còn góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thêm vào đó, chi phí xây dựng đường xá cũng sẽ giảm do lượng tiêu thụ nhựa đường giảm nhờ sử dụng chất thải nhựa. Chia sẻ với tờ Thời báo Ấn Độ, một quan chức cấp cao PWD nói: “Chúng tôi sẽ sử dụng công thức này để làm 100km đường trong năm nay. Mục tiêu trong năm tới sẽ là 1000km.” Một lợi thế nữa từ việc sử dụng chất thải dẻo là mang lại sức bền cho các con đường. Theo ước tính, dùng nhựa sẽ có thể làm tăng “tuổi thọ” của các con đường hơn 3 năm so với bình thường – theo Cafebiz.

Dubai xây dựng nhà máy năng lượng từ chất thải rắn

Hội đồng Thành phố Dubai tuyên bố sẽ thành lập nhà máy năng lượng sử dụng nguyên liệu từ chất thải rắn lớn nhất Trung Đông vào cuối tháng 6 năm nay. Nhà máy nằm ở quận 2, Warsan có giá trị dự kiến là 544,5 triệu USD. Ông Hussain Nasser Lootah, Thị trưởng Thành phố Dubai cho biết, dự án này sẽ mất khoảng 3 năm. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II năm 2020. Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, sẽ có khoảng 2.000 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày được xử lý để sản xuất ra 60MW điện – theo Báo Xây Dựng.

Mục tiêu của dự án phù hợp với chương trình Nghị sự Quốc gia với mục tiêu giảm 75% lượng rác thải trên khắp các bãi rác trong Tiểu vương quốc từ nay cho đến năm 2021. Bên cạnh đó, dự án đặt mục tiêu giảm khí metan thoát ra từ các bãi chôn lấp nhằm bảo vệ môi trường. Phó Thị trưởng Essa Al Maidoor cho biết, dự án đốt rác thải là 1 trong bốn dự án sản xuất năng lượng xanh của thành phố. Ông cho biết thêm, Hội đồng Thành phố đang phối hợp với Cơ quan Năng lượng Quốc gia tiến hành sản xuất 7% tổng mức năng lượng của Dubai từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2020.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 2192

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE