quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 11/06/2016 | 09:03:00 AM

Phát động Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 6; Xử phạt trên 16 tỉ đồng vi phạm về môi trường; Trao giải cuộc thi sáng kiến thông minh về nước 2016; Việt Nam gia nhập Tăng trưởng Xanh Toàn cầu; Tội phạm môi trường lấy đi của thế giới khoảng 258 tỷ USD; Adidas sản xuất giày từ rác thải đại dương; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Phát động Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 6


Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa phát động Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 6. Đây là sự kiện được diễn ra 3 năm/lần nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những tác phẩm điện ảnh, truyền hình góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Nội dung phim sẽ được thể hiện trên 5 thể loại gồm: Phim truyện ngắn, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình có đề tài về môi trường. Ban tổ chức sẽ trao 21 giải thưởng, trong đó có 1 giải “Việt Nam xanh” trị giá 30 triệu đồng. Ngoài ra, ở mỗi thể loại phim sẽ có 1 giải A trị giá 20 triệu đồng , 1 giải B trị giá 12 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, trị giá 6 triệu đồng/giải.


Công An Nhân Dân cho biết tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ: Trung tâm đào tạo và truyền thông môi trường, số 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên – Hà Nội). Thời gian nhận tác phẩm kéo dài đến hết ngày 5-11-2016. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12-2016.

Trao giải cuộc thi sáng kiến thông minh về nước 2016

Chiều 6/6, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức buổi lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước 2016. Báo Xây Dựng cho biết Giải Nhất cuộc thi năm nay thuộc về nhóm sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh gồm: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long với ý tưởng sử dụng ứng dụng từ điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước. Phần thưởng giành cho đội đạt giải Nhất là một chuyến đi Thụy Điển và tham quan Chương trình Tuần lễ Nước thế giới, được tổ chức hàng năm tại Thủ đô Stockholm, Thụy Điển, từ ngày 27/8 - 2/9/2016.

Cuộc thi sáng kiến thông minh về nước 2016, được triển khai từ đầu năm, thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ trên toàn quốc nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết những thách thức về nước mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt cũng như kể cả trong tương lai. Đây là một phần của chiến dịch FirstGeneration (Thế hệ đầu tiên) - một sáng kiến của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, nhằm tăng cường sự tham gia, cải thiện và mở rộng hỗ trợ phổ biến các mục tiêu phát triển bền vững mới của Liên Hợp quốc.

Xử phạt trên 16 tỉ đồng vi phạm về môi trường

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành 82 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 16,5 tỉ đồng. Trong lĩnh vực đất đai, Bộ đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường của một số tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Tuyên Quang, Cao Bằng – theo Công An Nhân Dân.

Lĩnh vực môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của một số tổ chức tại 7 tỉnh, thành phố; xử phạt vi phạm hơn 14 tỉ đồng. Trong lĩnh vực khoáng sản, đoàn thanh tra đã ban hành 5 quyết định xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã ban hành 2 quyết định xử phạt với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam

Ngày 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam tại Nam Định. Phát biểu tại lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Khi nguồn tài nguyên và không gian phát triển trên đất liền ngày càng hạn hẹp, việc hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là một xu thế lớn trên toàn cầu.

Thủ tướng đặt ra 7 yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Thủ tướng nhấn mạnh, người Việt phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông. Đây là tiền đề để xây dựng đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Việt Nam gia nhập Tăng trưởng Xanh Toàn cầu

Việt Nam chính thức trở thành thành viên cốt lõi thứ tám của Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (3GF Summit 2016) diễn ra ngày 6-7/6 tại Copenhagen (Đan Mạch). Việc Việt Nam tham gia 3GF với tư cách thành viên cốt lõi sẽ giúp củng cố hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và hiện thực hóa các lợi ích cũng như mục tiêu chung đã được nêu trong các thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước. Việt Nam sẽ được hỗ trợ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới xanh hóa và phát triển với chất lượng cao hơn – những gì mà chính phủ Việt Nam đã cam kết để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội tìm ra các sáng kiến hợp tác, ví dụ như hợp tác Race to the Top để tạo ra những chuỗi giá trị dệt may bền vững, và các sáng kiến khác thể hiện những cam kết của Việt Nam. Năm nay Hội nghị Thượng đỉnh 3GF được thiết lập để tiếp nối những kết quả đạt được từ Thỏa thuận Khí hậu Paris và Thỏa thuận về các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) đạt  được từ tháng 9 năm 2015 thay thế cho Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vừa hết hiệu lực sau 15 năm hoạt động. Với chủ đề chung Kêu gọi hành động – Tìm giải pháp quy mô và kịp thời, 3GF đem lại nền tảng cho việc tìm ra các giải pháp cũng như sự hợp tác công – tư nhằm giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Hội nghị tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như chuyển đổi xanh của hệ thống năng lượng, các đô thị với tư cách dẫn đường cho tăng trưởng xanh, và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

THẾ GIỚI

Bắc Cực có nguy cơ tan hết băng phủ ngay trong năm 2016


Giáo sư Peter Wadhams đến từ Đại học Tổng hợp Cambridge (Anh) cảnh báo nguy cơ lần đầu tiên trong vòng 100.000 năm trở lại đây, lớp băng bao phủ trên bề mặt của Bắc Cực có thể tan chảy hoàn toàn. Trả lời phỏng vấn báo The Independent (Độc lập), giáo sư Wadhams dự đoán lớp băng nói trên có thể “biến mất” ngay trong năm nay hoặc năm tới. Thời gian sớm nhất xảy ra viễn cảnh này có thể vào tháng 9/2016 và điều đó đồng nghĩa với việc diện tích không phủ băng tại khu vực này sẽ ở mức khoảng 1 triệu km2. Nếu 30 năm trước, diện tích lớp băng bao phủ Bắc Cực ở mức 12,7 triệu km2, thì đến đầu năm nay con số này đã giảm xuống còn 11,1 triệu km2.

Cho tới thời điểm hiện tại, băng bao phủ bề mặt Bắc Cực chỉ ở mức 3,4 triệu km2 - mức thấp kỷ lục từ trước tới nay. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu và thám hiểm tiến hành đo đạc độ lệch của cực từ Trái Đất và chuyển động vùng cực kể từ năm 1899. Theo dữ liệu thu thập được, suốt thế kỷ 20 chúng chỉ chuyển dịch không đáng kể về hướng Canada. Tuy nhiên, cho đến nay, cực từ Bắc và chuyển động trục đang tiến về phía Anh. Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng hiện tượng băng tan ở Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới với 81% diện tích bề mặt bị băng bao phủ cách đây hai năm, cũng đang làm thay đổi sự phân bố trọng lượng của hành tinh – theo VietnamPlus.

Tội phạm môi trường lấy đi của thế giới khoảng 258 tỷ USD

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5/6), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phối hợp thực hiện và công bố báo cáo mang tên “Sự gia tăng của tội phạm môi trường.” Buôn bán trái phép động, thực vật hiện có mạng lưới tội phạm lớn thứ tư của thế giới, chỉ xếp sau buôn lậu ma túy, buôn bán hàng giả và buôn bán người. Trong thời gian gần đây, lợi nhuận thu về và sự tinh vi của các hành vi phạm tội liên quan đến môi trường đã vượt xa buôn bán vũ khí hạng nhẹ - theo VietnamPlus.

Những chính sách quản lý lỏng lẻo cùng sự thờ ơ trong việc thực thi pháp luật hiện hành của các cơ quan chức năng đã khiến hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp các loại động, thực vật tăng vọt 26% trong thời gian qua. Theo báo cáo của UNEP và Interpol, giá trị thu về từ các hoạt động buôn bán trái phép vũ khí hạng nhẹ chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD so với con số 258 tỷ USD mà hoạt động buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật học mang lại.

Hầu hết nguyên nhân ô nhiễm không khí bắt nguồn từ canh tác nông nghiệp

Một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy hầu hết nguyên nhân ô nhiễm không khí ở phương Tây đều bắt nguồn từ canh tác nông nghiệp. “Đây thực sự là một phát hiện đầy bất ngờ. Nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí trên diện rộng. Tôi đã từng hy vọng ô nhiễm không khí là do sản xuất công nghiệp hoặc phát thải của ở các khu dân cư” – Ông Kostas Tsigaridis, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Chất thải chăn nuôi và phân bón có chứa Nitơ ở các trang trại là nguồn phát thải khí ammoniac. Tuy nhiên, để hình thành nên sol khí(*) nguy hại, phải có quá trình đốt cháy chất thải. Do vậy, nếu không thể giảm khí thải ammoniac nông nghiệp thì có thể hạn chế quá trình đốt cháy chất thải để cải thiện chất lượng không khí. Sự tồn tại của các sol khí trong không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Những sol khí vô cơ còn được gọi là PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet) là thành phần chính gây ô nhiễm không khí. Các hạt PM2.5 là nguyên nhân gây ung thư phổi và các bệnh dễ tử vong liên quan tới tim phổi.

Nhiệt độ điều hòa từ 19-25 độ C có thể tiết kiệm hàng triệu USD

Chính phủ và các doanh nghiệp có thể tiết kiệm hàng triệu USD và cắt giảm đáng kể chỉ số khí thải nhà kính ra môi trường bằng việc điều chỉnh máy điều hòa một cách đơn giản. Đó là nhận định của ông Tony Crabb, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Savills Úc. Ông cho biết vào năm 2008, Liên Hiệp Quốc tiến hành thí điểm công khai tại trụ sở văn phòng ở New York, áp dụng nhiệt độ trong khoảng từ 19 - 25 độ C. Một tháng sau, cơ quan này ước tính một khoản tiết kiệm lên đến 100.000 USD cho chi phí điện – theo  Tamnhin.

Trong bài thuyết trình gần đây dành cho khán giả của đơn vị thu nhập và phân phối thông tin trực tuyến TED (thường được biết đến qua kênh truyền thông ứng dụng TED TALK), ông Crabb cho rằng hệ thống máy điều hòa không khí không nên được thiết lập cố định tại nhiệt độ 22 độ (đây là mức nhiệt độ tối ưu nhất dựa theo một quy chuẩn độc lập được xác định không dựa theo nhiệt độ ngoài trời và độ thoải mái của nhân viên trong văn phòng). “Cơ thể chúng ta sưởi ấm hoặc làm mát trong môi trường nhà xây dựng trên nền nhiệt 22 độ C. Đây chính là mức nhiệt mà một người đàn ông 40 tuổi cảm thấy thoải mái, theo một nghiên cứu tại Mỹ vào những năm 1950. Tuy nhiên, trên thực tế, quan điểm này không hoàn toàn hợp lý, Chính phủ và doanh nghiệp vẫn tốn kém hàng triệu USD mỗi năm cũng như không có tác động tích cực tới môi trường", ông Crabb phát biểu.

Adidas sản xuất giày từ rác thải đại dương

Hãng trang phục thể thao nổi tiếng Adidas vừa giới thiệu một mẫu giày được làm bằng vật liệu tái chế từ rác thải đại dương. Năm ngoái, Adidas đã giới thiệu một mẫu giày thể thao thử nghiệm được tạo ra bằng phương pháp in 3D với chất liệu nhựa tái chế từ rác đại dương. Mẫu thiết kế này là kết quả của sự hợp tác giữa Adidas và Parley for the Oceans – một tổ chức được lập ra nhằm nâng cao nhận thức của con người về nạn tàn phá môi trường các đại dương. Tuy nhiên, phiên bản mới của đôi giày thể thao này sẽ không sử dụng phương pháp in 3D để sản xuất phần đế nữa (nguyên mẫu ban đầu được cho là quá cứng gây khó khăn cho quá trình chạy của người dùng).

Adidas muốn đôi giày mới này phải có chất lượng tương tự với những sản phẩm mà công ty đang bán ra thị trường.  Mũi giày được làm hoàn toàn bằng chất liệu tái chế từ rác đại dương, bao gồm hợp chất PET được sản xuất từ chai nhựa và nylon thu hồi từ các lưới đánh cá cũ. Trong một bài đăng, Kelli George Parley cho biết các lưới đánh cá cũ rất bẩn và hôi, chúng phải được rửa sạch tại một tiệm giặt địa phương trước khi được đưa vào tái chế thành sợi nylon sử dụng chế tạo đôi giày thể thao mới của Adidas – theo VnReview.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 2170

Các tin khác

8 quy chuẩn về môi trường dự kiến sẽ ban hành từ năm 2024

(04/05/2024 06:54:AM)

Phát triển xanh là mục tiêu cốt lõi của TP.HCM

(03/05/2024 07:34:AM)

Năm 2023: Cả nước có hơn 14,86 triệu ha rừng

(02/05/2024 06:46:AM)

Không khí lạnh tràn về chấm dứt nắng nóng, cảnh báo mưa dông, tố lốc kéo dài nhiều ngày ở miền Bắc

(29/04/2024 09:56:PM)

Miền Bắc bước vào đợt nắng nóng gay gắt

(26/04/2024 06:46:AM)

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE