Thiệt hại do thiên tai 8 tháng đầu năm; Việt Nam đứng thứ 31 về tổng lượng phát thải khí CO2; Hơn 3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm; 20 triệu người mất nhà do thiên tai năm 2014; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật diễn ra trong tuần.
VIỆT NAM
Thiệt hại do thiên tai 8 tháng đầu năm
Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho biết trong 8 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 116 người chết và mất tích; trên 14.000 ngôi nhà bị sụp đổ, cuốn trôi, hư hại; nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng…ước tính thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai hôm qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, từ nay đến hết năm 2015, khả năng có khoảng 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta – Báo Tiền Phong đưa tin.
Nhiệt độ từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 trên phạm vi cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C. Trong những tháng chính của mùa đông (tháng 12/2015 đến tháng 2/2016) nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài, nhưng có thể xuất hiện các đợt khoảng 4-7 ngày. Ngoài ra, do ảnh hưởng của El Nino (hiện tượng nước biển ấm lên), lượng mưa từ tháng 9/2015 - 2/2016 tại miền Trung có khả năng chỉ đạt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm ở cùng thời kỳ, một số nơi thấp hơn.
Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN
Tin từ Bộ tài nguyên & Môi trường cho biết, từ 26 đến 31/10, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN +3 và chuỗi các hội nghị liên quan tại Hà Nội. Hội nghị AMME 13 sẽ đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực kể từ hội nghị AMME 12; thảo luận về nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường trong thời gian tới, đặc biệt cho giai đoạn sau 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành; thảo luận và thông qua Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu (BĐKH) chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) và Thông cáo chung và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng.
Được tổ chức liền kề với Hội nghị AMME 13 là chuỗi các Hội nghị liên quan gồm: Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14, Hội nghị quan chức cao cấp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng; Hội nghị Ủy ban thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COM 11); Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COP 11), nhằm rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc 10 lĩnh vực hợp tác về môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3.
Việt Nam đứng thứ 31 về tổng lượng phát thải khí CO2
"Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu và là quốc gia có tổng lượng phát thải khí nhà kính (CO2) đứng thứ 31 trên thế giới. Cho đến nay, việc gia tăng lượng phát thải cùng với các diễn biến bất thường của khí hậu đã gây ra những thách thức lớn cho người nghèo, nhất là đại bộ phận dân cư, gồm 17 triệu dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long."
TTXVN dẫn lời ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đưa ra tại Chương trình cuối cùng để cứu khí hậu Trái Đất, đàm phán khí hậu tại COP 21 và tiếng nói từ Việt Nam, do Cơ quan Phát triển Pháp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và tổ chức Oxfam tổ chức chiều 17/9, tại Hà Nội. Với diễn biến gia tăng lượng phát thải và các diễn biến bất thường của khí hậu, đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng 2-4 độ C, nước biển dâng 100cm. Nguy cơ này có thể sẽ gây ngập 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long và ảnh hưởng trực tiếp đến 20 triệu dân của Việt Nam.
Xây nhà máy xử lý chất thải lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam
Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” có quy mô đầu tư trên 450 triệu USD, tương đương 9.656 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.760 ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, số vốn giai đoạn 1 là 150 triệu USD, tương đương 3.218 tỷ đồng. Vốn cho các giai đoạn tiếp theo là 300 triệu USD, tương đương 6.437 tỷ đồng, sẽ được phân kỳ phù hợp theo các hạng mục đầu tư. Dự án này sẽ tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP.HCM và tỉnh Long An. Sau đó, mở rộng xử lý cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thành lân cận có cự ly vận chuyển phù hợp – theo Vietnamnet.
Với công suất tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn chất thải/ngày, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần giải quyết tình hình ô nhiễm hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án “Khu Công nghệ môi trường xanh” nằm trong quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại 3 vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/10/2008.
Hà Nội bổ sung hơn 53 tỷ đồng đầu tư 3 dự án cấp nước sạch
Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt bổ sung và điều chỉnh kế hoạch vốn 2015 các dự án cấp nước của TP. Hà Nội thuộc hợp phần I cải thiện điều kiện cấp nước của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng, vay vốn WB.
Theo đó, Hà Nội phê duyệt bổ sung và điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2015 cho 3 dự án cấp nước thuộc hợp phần I là: Dự án cấp nước sạch liên xã Liên Phương, Vân Tảo, Hà Hồi, Hồng Vân, Thư Phú huyện Thường Tín 28,884 tỷ đồng; dự án cấp nước sạch liên xã Trung Hòa, Trường Yên huyện Chương Mỹ 21,9 tỷ đồng; dự án cấp nước sạch liên xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tam Đồng huyện Mê Linh 3 tỷ đồng.
THẾ GIỚI
Hơn 3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm
Theo báo cáo nghiên cứu công bố ngày 16/9 của tạp chí Nature, tình trạng ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 nếu không có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Báo cáo cho rằng các quốc gia châu Á sẽ có số nạn nhân nhiều nhất do thói quen sử dụng than đá trong sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn hoặc sưởi ấm, trong khi Mỹ và các nước châu Âu ít bị ảnh hưởng hơn – theo VietnamPlus.vn.
Khoảng 75% số nạn nhân tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch vì hít phải khí độc trong thời gian dài, số còn lại không thể qua khỏi do mắc ung thư phổi và các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, báo cáo trên cũng cảnh báo nếu các nước trên thế giới không đưa ra được các quy định nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề này thì số người tử vong do ô nhiễm không khí sẽ tăng lên 6,6 triệu người trong 35 năm tới.
Châu Á dẫn đầu về cải thiện năng lượng
Các quốc gia châu Á đang có những đóng góp quan trọng giúp thế giới đạt được mục tiêu năng lượng bền vững toàn cầu, theo báo cáo mới đây của của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo báo cáo, châu Á đóng góp khoảng 60% tiến bộ toàn cầu về tiếp cận năng lượng và các mục tiêu năng lượng sạch trong giai đoạn 2010-2012, vượt xa so với tỷ lệ dân số và tiêu thụ năng lượng của châu lục này trên tổng toàn cầu – theo Moitruongvadoisong.vn.
Châu Á đang mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện đại (với các nguồn như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt). Nếu như tiêu thụ năng lượng tái tạo hiện đại tăng 4% mỗi năm trên toàn cầu trong suốt giai đoạn 2010-2012, thì mức tăng trưởng đó còn gấp đôi ở châu Á (tức 8%). Số lượng người dân Châu Á có điện sử dụng cũng tăng thêm 0,9% hàng năm trong giai đoạn 2010-2012, vượt xa tỷ lệ toàn cầu là 0,6%. Đồng thời, trong khi dân số thế giới tiếp cận với nhiên liệu nấu ăn sạch trong giai đoạn này đang giảm thì ở châu Á lại có sự tăng nhẹ, mặc dù vẫn còn cách khá xa so với nhu cầu thực tế.
20 triệu người mất nhà do thiên tai năm 2014
Gần 20 triệu người trên thế giới buộc phải dời bỏ nhà cửa do bão lũ, động đất vào năm ngoái. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tác động của biến đổi khí hậu. Đó là thông tin được công bố trong báo cáo thường niên của Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội địa (IDMC)*.
Kể từ năm 2008 tới nay, trung bình mỗi năm có khoảng 26,4 triệu người phải sơ tán do thiên tai. Tương đương cứ mỗi giây sẽ có một người phải dời bỏ nhà cửa của mình. Mặc dù số lượng người phải di dời năm 2014 thấp hơn mức trung bình nhưng con số này có xu hướng tăng trong dài hạn. Châu Á là châu lục đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Gần 90% trong tổng số 19,3 triệu người phải sơ tán trong năm 2014 do thiên tai là người Châu Á. Trong đó, chủ yếu là do bão ở Trung Quốc, Philippines và lũ lụt ở Ấn Độ - theo Môi trường và Cuộc sống.
Khoảng 95% tê giác trên thế giới bị giết hại trong 40 năm qua
Ngày 17/9, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam." – theo TTXVN.
Nhận định về tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, các chuyên gia dự hội thảo cho rằng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã mang lại cho các đối tượng từ 70-213 tỷ USD/năm. Các động, thực vật hoang dã bị buôn bán, vận chuyển trái phép chủ yếu là những loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng, thủy sinh... Cụ thể, có khoảng 95% tê giác trên thế giới bị giết hại trong vòng 40 năm qua, 4.000 sừng tê giác bị xuất khẩu bất hợp pháp từ châu Phi trong bốn năm gần đây, 22.000 cá thể voi châu Phi bị giết để lấy ngà trong năm 2012.
Hà Lan chế tạo máy tạo sóng lớn nhất thế giới để chống lũ lụt
Các nhà khoa học Hà Lan đã nghiên cứu thành công máy tạo sóng thần lớn nhất hành tinh để chống lụt, hiện tượng mà người dân ở đây đối mặt trong vài nghìn năm qua. Theo báo Thể Thao Văn Hóa, tới nay, làn sóng nhân tạo cao nhất mà chiếc máy này tạo ra là hơn 5 mét, nhưng các kỹ sư hy vọng sẽ sớm tạo ra những cột sóng cao hơn tại trạm tạo sóng vừa được hoàn thành, trị giá 29,3 triệu USD. Phát biểu với phóng viên Rebecca Morelle của kênh BBC, tiến sĩ Bas Hofland cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đã tạo ra làn sóng cao trên 5m, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những đợt sóng cao hơn như thế nữa".
Delta Flume, tên của cỗ máy, tạo sóng bằng cách hút 9 triệu lít nước rồi bơm vào một bể chứa với tốc độ 1.000 lít mỗi giây. Sau đó nó đẩy nước vào một tường thép với chiều cao 10 m. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể tạo ra những con sóng có cường độ tương tự như lúc biển lặng, biển động, thậm chí như khi có sóng thần, theo Zing News. Sau đó, con sóng sẽ được truyền qua một bể hẹp dài 300 mét và tác động vào một loạt hệ thống chống lũ, như đê điều, các đụn cát, đập và một số rào cản khác, để kiểm tra các hệ thống này có thể chống chịu tốt tác động của lực nước lớn hay không.