Đồi cỏ Xa Reng ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa hấp dẫn khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: internet
Tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng ở huyện Hướng Hóa có quy mô 170 ha chia làm bốn phân khu. Mục tiêu nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh; kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm nhằm sớm hình thành không gian văn hóa - du lịch với các loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo; cùng với đó là bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, nhân văn bản địa. Phạm vi quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng gồm:
Khu vực động Brai ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập và khu vực thác Tà Puồng thuộc thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt. Động Brai và thác Tà Puồng là hai thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Trị được các chuyên gia đánh giá nằm trong nhóm thác lớn, có hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú. Hệ thống cảnh quan sinh thái tại hai khu vực hứa hẹn tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khiến các nhà làm tour, tuyến trong và ngoài nước quan tâm.
Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi thuộc bản Đá Ngồi, thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông và một phần đất rừng của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cũng vừa được tỉnh Quảng Trị phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu có quy mô 120 ha chia làm năm phân khu. Từ Km 45 của Quốc lộ 9 đi thêm khoảng hơn 10 km nữa về phía tây bắc du khách sẽ gặp thác Ba Vòi hùng vĩ với bạt ngàn cây cổ thụ.
Đây là địa điểm có nhiều triển vọng để phát triển thành khu du lịch đẹp, tầm cỡ khi được đầu tư đúng cách và bài bản. Thác Ba Vòi nằm phía dưới đỉnh núi Voi Mẹp (Tá Linh Sơn), đỉnh có độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Trị. Ba Vòi là thắng cảnh độc đáo ở đầu nguồn sông Hiếu được biết đến từ lâu nhưng chưa được đầu tư khai thác xứng tầm. Với cảnh tượng hùng vĩ, khí hậu trong lành, nằm giữa những cánh rừng gần như nguyên sinh, thác Ba Vòi và hệ sinh thái trong khu vực là nơi mà du khách mong muốn được đặt chân đến trải nghiệm.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu hai khu du lịch nêu trên là cơ sở để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác, phát huy thế mạnh của khu du lịch trong hệ thống liên kết du lịch phía tây của tỉnh với các tỉnh khác trong khu vực. Tuy nhiên ở phía tây Quảng Trị còn nhiều điểm đến nổi tiếng khác. Đó là đồi cỏ Xa Reng, có diện tích hơn 20 ha, nằm ở thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đẹp đến nao lòng. Khí hậu ở đây mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Đồi cỏ Xa Reng mỗi mùa đều có màu sắc và nét đẹp riêng nhưng đẹp nhất vào mùa xuân và mùa hạ, cỏ xanh tươi phủ kín ngọn đồi như tấm thảm khổng lồ. Cách khu vực này không xa về phía Đông Bắc là khu hang động Vân Tiên thuộc thôn Cát Trĩa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa được người dân phát hiện, có vẻ đẹp độc đáo. Dọc đường đi trong hang động như lên cõi tiên với những phiến thạch nhũ màu vàng mang hình người rất ấn tượng, pha lẫn kỳ bí.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Đoàn chuyên gia thám hiểm hang động tại Việt Nam thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vừa nhận lời mời của sở đến thám hiểm, khảo sát, đánh giá tổng thể hang động Vân Tiên để giúp tỉnh có kế hoạch đầu tư khai thác du lịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên của động Vân Tiên nhằm có phương án kêu gọi thu hút đầu tư vào khai thác du lịch nếu động này bảo đảm các điều kiện. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị chủ trì phối hợp các đơn vị khảo sát tiền trạm, xác định tuyến, định vị các cửa hang động, phạm vi để đề xuất khảo sát chi tiết hang động Vân Tiên. Chuyến tiền trạm khảo sát này được thực hiện cả với các hang động khác thuộc miền tây Quảng Trị nhằm chuẩn bị để tỉnh đón các chuyên gia đến thám hiểm vào tháng 8/2024.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển phục vụ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2030 để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Trên cơ sở các đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, các chính sách được ban hành cũng như các điểm mới vừa được phát hiện ở miền tây, tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tạo điều kiện tốt nhất, cùng với xã hội hóa du lịch phù hợp điều kiện tự nhiên, xã hội tại chỗ, sớm đưa các điểm du lịch nêu trên thành điểm đến hấp dẫn với du khách, thúc đẩy du lịch Quảng Trị phát triển hiệu quả, bền vững.
Bài và ảnh: Lâm Quang Huy