Có những dân tộc, hệt như một con người, biệt tài chỉ ở riêng một địa hạt nghệ thuật tạo hình. Trong các tuyệt tác sáng tạo vật chất của họ, ta nhận ra dấu ấn thiên tài của nhà quy hoạch, công trình sư, kiến tạo sư, điêu khắc gia, nghệ nhân và cả người thợ kim hoàn.
Những phẩm giá ấy hoàn toàn thuộc về dân tộc Khmer và nền văn minh Angkor, với đỉnh cao chói lòa là các thế kỷ XII và XIII.
![](http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/12037___news__untitled.bmp)
Từ thế kỷ IX người Khmer đã thiết lập vùng đô thị tập trung trên miền đất Angkor rộng 600Km2, với hơn một chục tòa thành, đồ sộ nhất là Angkor Thom, có số dân trong và ngoài thành lên tới một triệu người. Hạt nhân của mỗi đô thị là ngôi đền trung tâm, mặt bằng hình vuông, mô phỏng núi - thần Mêru. Từ đấy tỏa ra 4 phía các trục lộ chính, theo hướng Đông -Tây - Nam - Bắc.
Mặt bằng cả tòa thành bao giờ cũng là hình vuông. Bố cục hình vuông hướng tâm là nguyên tắc chung của quy hoạch đô thị lẫn tổ chức mặt bằng các ngôi đền Khmer. Angkor Thom (Đại đô) ở thế kỷ XIII có kích thước 3,0 x 3,0 Km, tường thành xây bằng đá cao 8,0m, hào rộng 100m. Các kiến trúc dân dụng gồm cả hoàng cung, đều làm bằng gỗ, đến nay không còn vết tích.
![](http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/12037___news__p185687-Angkor_Wat-Angkor_Thom.jpg)
Người Khmer là những công trình sư có một không hai về các công trình thủy lợi và giao thông. Ở vùng Angkor, họ đã tạo ra cả một hệ thống kênh đào và những hồ chứa nước khổng lồ, mệnh danh là Barêy. Thời nay, vào mùa khô, những bể chứa này vẫn đầy nước.
Vương quốc Khmer gồm nhiều tỉnh được nối kết bởi hệ thống đường xá hiện đại bậc nhất thế giới thời ấy. Từng có những quốc lộ dài 250km, lát hoàn toàn bằng đá xẻ. Cho đến nay vẫn tồn tại chiếc cầu gồm nhiều vòm cuốn bằng đá ong, xây cách nay 1200 năm, đủ rộng để hai xe con đi ngược chiều.
Người ta đã từng nói ở những diễn đàn bác học rằng việc gia công và vận chuyển hàng triệu khối sa thạch kích cỡ lớn, việc sắp đặt chúng trong thể xây hoặc hệ vòm cuốn với độ vững chãi hầu như không phải của con người, mà của những Ai đó.
Ngay việc tổ hợp mặt bằng và không gian những đền tháp có quy mô lớn nhất thế giới đương thời, thậm chí đương đại, cũng là một điều không thể lý giải nổi. Khởi đầu từ hình tượng núi - thần Mêru, bố cục mặt bằng mỗi ngôi đền là sự đan kết các hình vuông và hình chữ nhật hướng tâm, với vô vàn những hành lang, cổng, sân, tháp góc và tháp cổng trong sự chuyển hóa không gian liên hoàn. Người ta đã thử xác lập những quy luật, những cách thức nào đó trong sự bố cục mặt bằng và hình khối của các ngôi đền, thì nhận ra: Tất cả đều nằm trong những hệ tương hỗ nghiêm ngặt về phương diện hình học. Từ to đến nhỏ, không có gì là tình cờ. Không có gì làm mất sự đối xứng tuyệt đối. Chỉnh chu như thể vẽ từ trước trên giấy!
Bayon, Angkor Vat và hầu hết các ngôi đền của người Khmer là sự tổng hòa giữa kiến trúc và điêu khắc. Không thể nhận biết được, kiến trúc kết thúc ở đâu, điêu khắc bắt đầu từ đâu. Từ cái nhìn tổng thể kiến trúc chung, đã nhận ra một tác phẩm điêu khắc hiện hình. Từ các mảng trang trí nhỏ lại nhận ra, kiến trúc sẽ câm, nếu không có chúng.
![](http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/12037___news__the_bayon_angkor_wat.jpg)
Chỉ đá với đá thôi, không một vật liệu nào hơn, mà tác phẩm kiến trúc – điêu khắc lại đa dạng, lại sinh động đến thế! Kiến trúc biến thành điêu khắc, điêu khắc biến thành âm nhạc. Âm nhạc trong đá bắc cầu, nối dĩ vãng xa vời và huyền bí, với Ta.
Nhiều khi ta bị thôi miên bởi nụ cười mỉm mà tưởng như không cười của nàng Mona Lisa. Mấy chục cái miệng mỉm cười mà như không cười trên những khuôn mặt khổng lồ tạc trên các ngôi tháp góc, tháp cổng đền Bayon, làm lòng ta xao xuyến hơn.
Xao xuyến trước bàn tay Thợ người - Thợ trời, bởi luồng điện thôi miên phát ra từ ngàn xưa.
Người Khmer chẳng những tạo dựng đền tháp cho thần thánh và vua chúa. Họ đã tạo dựng những tượng đài vĩnh cửu hóa bản thân mình.
Ở Campuchia, dĩ vãng thời hoàng kim không chỉ là những cái bóng.
Dĩ vãng đọng trong đá.