Minh Ngọc
Đất diễn thu hẹp
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Viện Âm nhạc Việt Nam - người trực tiếp tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ ca trù trình UNESCO cảnh báo: "Nếu không nhanh chóng có những chính sách đối với ca trù và nghệ nhân ca trù thì chẳng bao lâu nữa ca trù chỉ còn lại thời vang bóng"... Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, ca trù đang đứng trước ba nguy cơ: Thứ nhất là số lượng nghệ nhân không còn nhiều (cả nước chỉ còn 21 nghệ nhân, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy), vốn di sản về ca trù cũng theo đó mà rơi rụng; thứ hai là cộng đồng ngày càng ít có cơ hội được tiếp cận với môn nghệ thuật này và thứ ba là không gian biểu diễn của ca trù đang mất dần đi...
Theo thống kê, trước khi ca trù được công nhận là di sản, có 22 CLB ca trù hoạt động: CLB Ca trù Thái Hà với địa điểm diễn ở Thụy Khuê, Văn Miếu; CLB Ca trù Hà Nội diễn ở Bích Câu; CLB Thăng Long ở đình Giảng Võ; CLB Ca trù UNESCO ở Bảo tàng Dân tộc học; Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long diễn tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam... Rồi một lớp ca trù do ca nương Phạm Thị Huệ khởi xướng với sự truyền dạy của kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được Quỹ Ford tài trợ. Thế nhưng sau gần hai năm ca trù được ghi danh, hầu hết các CLB biểu diễn cầm chừng; lớp học ca trù của Quỹ Ford kết thúc dự án; Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long gần như giải thể với lý do vắng khách... Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi của CLB Ca trù Thái Hà cho biết thêm: "Khi ca trù được công nhận là di sản thì cũng là lúc tần suất diễn của CLB ca trù gia đình tôi giảm đi…".
Truyền dạy khó khăn
Chung số phận với các CLB ca trù biểu diễn chuyên nghiệp, một số CLB ca trù truyền thống trên đất Thăng Long cũng sống lay lắt sau khi được UNESCO vinh danh mà nguyên nhân chính là do thiếu nghệ nhân truyền dạy và hạn hẹp về kinh phí hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân (Phú Xuyên) cho biết: CLB chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về kinh phí cũng như chuyên môn từ phía Nhà nước. Hiện CLB duy trì hoạt động vào tối thứ năm, thứ sáu và thứ bảy hằng tuần đều do những người dân Chanh Thôn yêu môn nghệ thuật này tự nguyện tham gia, đóng góp. Mặc dù được truyền dạy miễn phí nhưng do chưa nhìn thấy tương lai tươi sáng khi bén duyên với ca trù nên thế hệ trẻ chưa thực sự hào hứng tham gia. "Thế hệ trẻ ở Chanh Thôn dù có yêu môn nghệ thuật truyền thống của quê hương đến mấy cũng chỉ tham gia học khi còn nhỏ, vào thời gian rảnh rỗi, thời gian còn lại các em ưu tiên cho công việc, cho học hành và những niềm đam mê khác nên CLB dù có người kế cận nhưng chưa xuất hiện tài năng để làm nên tên tuổi CLB Ca trù Chanh Thôn như các cụ Vũ Văn Khoái, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khiếu… của một thời" - chị Nguyễn Thị Ngoan khẳng định.
CLB Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng) đã ngừng sinh hoạt một thời gian chỉ vì Phó Chủ nhiệm CLB Nguyễn Thị Minh Tam… đang xây nhà. Sở dĩ có sự "bất thường" này là do bà Nguyễn Thị Minh Tam là người duy nhất ở Thượng Mỗ có khả năng truyền dạy ca trù, đồng thời nhà bà là địa điểm sinh hoạt của CLB. Không chỉ thiếu người truyền dạy, thiếu địa điểm sinh hoạt, CLB Ca trù Thượng Mỗ còn thiếu kinh phí, thiếu cả người đam mê. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ nhiệm CLB cho biết: Để duy trì sinh hoạt của CLB với 15-20 thành viên, bà Tam cùng những người yêu ca trù đã bỏ tiền túi nuôi CLB và vận động con em, họ hàng theo học… Đây cũng là tình trạng chung của nhiều CLB ca trù khác ở Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Có "lực" mới vực được "danh"
Trong khi nhiều CLB ca trù phải tự chống chọi với sự sinh tồn thì CLB Ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) lại "sống khỏe" nhờ được quan tâm thích đáng. Sự đầu tư cả về vật chất, tinh thần dành cho nghệ thuật truyền thống ở Đông Anh có lẽ là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Kim Ngân chia sẻ: Ngoài thiết bị, đạo cụ, trang phục, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm huyện cấp kinh phí khoảng 40-50 triệu đồng để CLB Ca trù Lỗ Khê duy trì hoạt động, mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, huyện còn coi ca trù Lỗ Khê là món "đặc sản" và đưa Lỗ Khê trở thành một trong những điểm du lịch trên địa bàn. Hiện tại CLB Ca trù Lỗ Khê duy trì song song 3 lớp truyền dạy (lớp mới, lớp nâng cao và lớp nhạc cụ) cho 80 học viên. Qua các lớp đào tạo này, CLB đã phát hiện và bồi dưỡng được nhiều tài năng nghệ thuật trẻ như: ca nương Phạm Thị Mận, Nguyễn Thị Thảo, Đinh Thị Quỳnh, kép đàn Nguyễn Văn Chiến…
Người giữ hồn cho ca trù chủ yếu là những nông dân chân đất, họ có tình yêu, có niềm đam mê nhưng rất ít có điều kiện để nuôi niềm đam mê ấy, vì vậy rất cần các cơ quan hữu quan có những hành động khẩn cấp bảo vệ cho ca trù, nhất là chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân.
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 2010-2015
Ngay sau khi ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Bộ VH,TT&DL đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 2010-2015 với các nội dung chính: Nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, chủ thể văn hóa; tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu, tìm kiếm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác nhằm bảo vệ và phát huy di sản; ban hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản ca trù; tăng cường nguồn đầu tư nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản…
|