Cây dã hương được dân gian gọi với nhiều tên khác nhau: Mộc tinh, cụ dã, lão mộc, linh mộc…là biểu tượng của nhân văn, của trường tồn vĩnh cửu ở vùng đất Bắc Giang.Ngoài cây Dã hương Tiên Lục, trên đất Bắc Giang phải kể đến cây d đền Thanh Lâm, xã Thượng Lâm, huyện Lục Nam gắn với sự tích thờ hai bố con Trần Cảo - Trần Cung đầu thế kỷ XVI. Cây dã chùa Lèo, xã Phồn Xương, huyện Yên Thế gắn với lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế (cây này hiện nay có nguy cơ bị chết do thiếu đất). Cây dã đình Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên do thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám trồng vào cuối thế kỷ XIX. Cây dã ở đình Lịch Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam gắn với sự kiện lịch sử trận đánh “Kỳ tập” của bộ đội dùng đòn gánh đánh Tây ở bốt Cẩm Lý năm 1948. Và một số cây dã hương cổ thụ khác ở thị trấn Thắng, ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam…đều gắn với những sự kiện lịch sử của quê hương.Nhóm cây thị đại thụ, trước hết phải kể đến cây thị ngàn năm tuổi ở đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn có chu vi thân gần 13 m, gắn với di tích triều Lý (được ví như Hoàng thành Thăng Long nơi đất Bắc). Cây thị ở chùa Điêu Liễn ở xã Hồng Thái huyện Việt Yên cũng có niên đại cách ngày nay khoảng 5-6 thế kỷ. Cây thị ở đình chùa Bình Nội, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn gắn với sự kiện lịch sử chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII của Vi Hồng Thắng, cây thị cổ thụ ở chùa Đọ, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam cũng có tuổi khoảng 200- 300 năm. Những cây thị ở đình Bố Hạ, thị trấn Bố Hạ, đình Bo Chợ, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế đều gắn với công trình tín ngưỡng có tuổi từ 200- 300 năm.Nhóm cây sanh-si, trước hết phải kể đến cây sanh đền Bến Nhãn, thị trấn Bố Hạ, nơi thờ Trần Hưng Đạo đại vương, cây có nhiều rễ cổ kính tạo thành cây đại thụ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Nhóm cây đa-đề: nhóm cây này được trồng chủ yếu ở các công trình tôn giáo tín ngưỡng và đều có tuổi từ 100- 500 năm. Tiêu biểu là cây đa ở đền Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, đình Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên…Nhóm cây gạo, tập trung chủ yếu ở ven bờ sông Cầu thuộc địa phận huyện Hiệp Hoà và sông Thương ở địa phận ba huyện Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang.Nhóm cây thông cổ thụ, hiện nay còn chủ yếu ở hai xã Tiên Lục và Tân Thanh, huyện Lạng Giang, chùa Đức La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Đặc biệt là cây thông đại thụ ở xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động ẩn chứa nhiều giai thoại về tâm linh.Ngoài ra ở tỉnh Bắc Giang còn một nhóm cây cổ thụ quý hiếm khác như cây đại ở đình, chùa Bo Chợ có đến 600-700 năm tuổi. Rừng lim quý hiếm (có khoảng 50 cây) ở đình, chùa Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên. Cây lim thiêng ở xã Việt Tiến (huyện Việt Yên) ở xã Xuân Lương (huyện Yên Thế). Những cây ruối cổ thụ ở đình Xuân Lương. Đặc biệt ở khu di tích đền, chùa Từ Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn có một số cây quéo có tuổi 600-700 năm. Tất cả những cây cổ thụ ở tỉnh Bắc Giang đều mang những dấu ấn lịch sử của nhân dân các dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.Mặc dù là chứng tích lịch sử của quê hương, là mộc tinh quý hiếm, nhưng các cây cổ thụ ít nhiều đã và đang bị xâm hại, bức tử và cũng là do có tuổi thọ cao mà cây tự chết (cây si quý hiếm ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, cây quéo ở đình Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, cây quéo ở đền Chu Nguyên, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, ở đền, chùa Từ Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn…đã bị chết). Hàng cây xà cừ quý hiếm, đặc trưng, biểu tượng có tuổi khoảng 50-60 năm ở thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên), ở xã Tân Mỹ (huyện Yên Dũng) do nhiều nguyên nhân và mục đích khác mà nhiều cây cổ thụ đã bị xâm hại, triệt phá không thương tiếc của con người.Hiện nay, nhiều địa phương đã rất quan tâm tới việc chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ quý hiếm. Điển hình là huyện Lạng Giang, đã chi gần 1 tỷ đồng để bảo vệ cây dã hương xã Tiên Lục, như: diệt sâu, chống mối, chống đỡ cành…Những nhóm cây cổ thụ quý hiểm ở Bắc Giang rất đa dạng về chủng loại, cần phải được tiến hành điều tra, nghiên cứu, bảo tồn, tuyên truyền bằng các phương tiện hình ảnh và các báo, tạp chí…trên cơ sở đó, sẽ phân loại và đưa vào danh mục cây di sản của tỉnh, của quốc gia để có chế độ bảo vệ, chăm sóc và nghiên cứu, nhằm giữ gìn môi trường sinh thái đa dạng sinh học trên quê hương Bắc Giang. Đó là trách nhiệm của mọi thế hệ hôm nay và mai sau.
(Báo Bắc Giang, 5/10/2010)