2. Ngục tù đế quốc
Tài liệu lịch sử ghi: ngày 01/02/1862 (trước khi Triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất vào ngày 05/6/1862, nhượng đảo Côn Lôn cho Hoàng đế Pháp) toàn quyền Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo.
Từ năm đó đến 01/5/1975 (113 năm) trong các nhà tù tại đảo này đã có trên 10.000 người Việt Nam yêu nước đã chết do các cai tù của thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tra tấn, hành hạ, khổ sai, bắn, giết. Nếu ai một lần đến đây, dù đã đọc sách về địa ngục trần gian này nhưng cũng không thể đủ can đảm xem hết từng xà lim, chuồng cọp, trại khổ sai với các loại hình tra tấn, nhục hình mà người bình thường không thể nghĩ ra được. Tôi đã thăm nhà tù Sơn La, nhà tù Hỏa Lò, khám lớn Chí Hòa….và cả nhà tù Johanesburg (Nam Phi, nơi từng gian lãnh tụ Nelson Mandela) nhưng chẳng ở đâu con người bị đối xử tàn ác như ở Phú Quốc. Vì không muốn các bạn “sốc” nên tôi không đưa hình bên trong các xà lim mà chỉ chọn vài tấm ảnh “ít bạo lực nhất” để mọi người hình dung một số trong nhiều nhà tù nằm rải rác ở nhiều khu vực trên đảo. Mong sao các vị lãnh đạo TW, bộ, ngành nào đang mải mê tìm kiếm tài lộc, thuyết giáo sáo rỗng và vô cảm cho đến các bạn trẻ nào đang say sưa với xe xịn, hàng hiệu… hãy 1 lần đến đây để hiểu các bậc tiền nhân đã vì nước quên thân như thế nào. Các vị này là các chí sỹ không cộng sản như Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng…các vị cộng sản như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện…và hàng vạn người vô danh khác… Không rõ khi đứng trước các xà lim này các vị lãnh đạo, các bạn, các cháu có tự vấn: sống và làm việc sao cho xứng với cha ông, với nhân dân không?
11. Cổng”Trung tâm cải huấn - Trại Phú Hải” (nhà tù đầu tiên của Pháp); 12. Sân “Trung tâm cải huấn”: bên ngoài rất thanh bình với 1 nhà nguyện nhỏ, 1 bên là 2 nhà lớn, mái ngói cao, rộng sà xuống gần mặt đất có vẻ hiền hòa nhưng bên trong 2 nhà này là các nhà giam cực kỳ tàn bạo (ảnh phải).
13. Khu “chuồng cọp” kiểu Pháp tại trại Phú Tường” (tù nhân bị nhốt 5-10 người/chuồng ở dưới, cai ngục đổ vôi bột từ trên xuống: bạn có thể tưởng tượng điềugì sẽ xẩy ra với người tù?); 14. Khu “chuồng cọp” kiểu Mỹ tại trại Phú Bình” (ảnh phải): tù nhân bị giam, cùm trong các xà lim rất hẹp (tôi đếm đến trên 40 xà lim kiểu này trong 1 nhà giam).
3. Ngôi mộ được thăm nhiều nhất Việt Nam
Ngày thứ 2 ở đảo tôi đến thăm Nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Khác với Nghĩa trang Hàng Keo nằm ven biển là nơi chôn, vùi trên 10.000 tù nhân thời Pháp phần lớn là vô danh, chưa được tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương cách thị trấn độ 3 km về hướng Tây Bắc là nghĩa trang không quá lớn nhưng đẹp và tôn nghiêm nằm trong khu rừng thưa đã được xây dựng nâng cấp khá hiện đại (ảnh 15).
15: Cổng mới Nghĩa trang Hàng Dương; 16: Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu (phía xa)
Nghĩa trang Hàng Dương có 1.921 mộ có đến 1.202 ngôi mộ vô danh, chỉ có ngôi sao vàng trên tấm bia nhỏ, không 1 dòng ghi tên tuổi. Dù vậy vào ban đêm mỗi ngôi mộ đều có 1 ngọn nến thắp sáng. Đây là điểm khác biệt với nhiều nghĩa trang khác. Trong số 1.921 ngôi mộ, mộ chị Võ Thị Sáu là được xây bằng đá granito, lớn và nổi tiếng nhất dù chị chỉ là cô gái liên lạc, quê ở huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa. Chị đã ném lựu đạn diệt cai tổng và bị đưa ra Côn Đảo, bị án tử hình vào năm 1952 ở tuổi 19.
Trên đất nước ta có hàng vạn mộ của các anh hùng, chiến sỹ, hàng ngàn mộ danh nhân, lãnh đạo cao cấp, hàng chục khu lăng, đền thờ các vua chúa nhưng mộ Võ Thị Sáu dù chỉ có diện tích khoảng 3 x 3 m (ảnh 16), nằm trong khu mộ ở đảo xa cách đất liền 10 giờ tàu thủy hoặc 50 phút máy bay lại được khách thập phương viếng thăm nhiều nhất, tính theo số ngày trong năm. Nếu các đền vua chúa, mộ các danh nhân, anh hùng chỉ được viếng vào một số ngày trong năm thì mộ chị Sáu (và hiện nay là mộ Đại tửớng Võ Nguyên Giáp) ngày nào cũng có hàng trăm người đến thắp nhang, dâng lễ. Họ đến để “nhắc đến tên người anh hùng đã chết cho đời sau, người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã hy sinh cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, thà chết vẫn không lùi bước…” (lời bài hát “Mùa hoa Lêkima nở” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn) và có thể còn cầu mong nhiều điều khác. Lễ viếng lại có phần thiêng liêng, đầy vẻ tâm linh: mọi người thường đến với chị Sáu - cô Sáu vào giữa đêm: từ 23 giờ đến 01 giờ sáng (ảnh 17). Tôi không lý giải được vì sao mộ chị Sáu lại được nhiều người thăm viếng và tại sao lại giữa đêm?
17. Mộ chị Sáu vào giữa đêm (ảnh trái); 18. “Tôi đứng trước nấm mộ chôn sâu: người nữ anh hùng” (lời bài hát của Nguyễn Đức Toàn)
(Còn tiếp)