quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Đầu Xuân thăm quần thể lộc vừng - Cây di sản

Thứ Tư, 20/02/2013 | 04:47:00 PM

(VACNE) - Nhà văn - nhà báo Nguyễn Bắc Sơn, Phó Chủ tịch Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (Hội viên Hội Bảo vệ TN & MT VN) vừa gửi cho BBT bài viết về chuyến đi vinh danh Cây Di sản VN ở Phú Thọ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 
            Nguyễn Bắc Sơn
































Nhà văn Nguyễn Bắs Sơn (thứ 2 bên trái) phỏng vấn các cụ cao tuổi địa phương về lịch sử
Gò thờ và quần thể cây lộc vừng (Ẩnh: VACNE)
Mười bảy năm trước, trên báo Lao động tôi đã viết một bài ký về Khóm Lộc vừng chín gốc bên Hồ Gươm. Từ đấy dân chơi cây cảnh càng khoái thú chơi loại cây này. Những dây hoa chi chit, dài thượt, như những dải lụa đào buông thõng, đong đưa trong cái se lạnh đầu mùa thật quyến rũ. Đầu xuân lộc nõn hồng gạch non, sang hè xanh ngăn ngắt, chớm thu, vẫn xanh làm nền cho mầu đỏ ối gợi những dây pháo tết. Rắc đỏ mặt đất như phủ kín tấm vải điều trên mặt đất, mặt nước. Rồi lá xanh chợt đổ vàng thau, rồi đỏ ối màu đồng đỏ. Quả chắc lại, hệt như quả vừng, chín già rụng xuống cùng với những chiếc lá đỏ… Người ta thích cái dáng sần sùi, cổ thụ. Thích cái màu đỏ may mắn, thích cả chữ lộc trời cho, thích chữ vừng nhiều không đếm xuể. Chơi lộc vừng được cả tên, cả dáng vẻ màu sắc. Có nơi gọi là cây mưng, có nơi gọi là cây Vình. Loại lộc vừng trong miền Nam lá to gấp mấy ngoài bắc, hoa trắng và dây hoa cũng ngắn hơn hoa lộc vừng ngoài Bắc nhiều.
Bây giờ, lộc vừng cổ thụ trong rừng được đánh về trở trên các xe siêu trường, trồng nhiều bên các biệt thự, như cầu mong, như khoe sự giàu có của chủ nhân.
Mấy ngày nghỉ tết, anh Quý Tuệ phụ trách trang Web của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) rủ đi tham gia với Hội đồng Cây di sản Việt Nam gắn biển cho quần thể lộc vừng ở Phú Thọ, tôi mừng quá nhận lời ngay.
Trên một diện tích 3400m2 nổi thành một cái gò thấp giữa cánh đồng chiêm (bà con gọi là gò Vình) là một vạt rừng Lộc Vừng chi chít đến 85 cây vạm vỡ, lực lưỡng hơn cả những cây trong khóm lộc vừng 9 (giờ còn 8 gốc) bên Hồ Gươm. Với đủ các dáng vẻ đúng như sự đa dạng sinh học. Một bô lão vanh vách kể cho tôi nghe, có bao nhiêu cây vươn thẳng lên trời, bao nhiêu cây hướng lên phía bắc, hướng đông, hướng tây, hướng đông bắc, đông nam, tây nam,… nghĩa là các cụ thân thiết với chúng như biết rõ tính nết từng đứa con của mình.
Thế nó có từ bao giờ? Làm sao mà biết được? chỉ biết nó có cùng với ngôi mộ của Công Chúa Ngọc Hoa con gái vua Hùng có đâu từ năm 1111 giờ vẫn còn kia, chữ nghĩa vẫn còn kia… Thế sao bà con vẫn giữ được nguyên vẹn thế này trước nạn trộm cắp cây quý bán cho các đại gia ở thành phố? Chắc không phải chỉ vì khó khai thác vận chuyển giữa cánh đồng, phải qua đường làng quanh co, dân cư đông đúc, mùa mưa xung quanh gò lại ngập nước. Nhiều kẻ táo tợn đã đào trộm, cưa cắt mang đi, nhưng tất cả những kẻ ấy cuối cùng kiểu gì cũng đều bất đắc kỳ tử. Một cụ dẫn tôi tới đống gỗ ngổn ngang, đấy là kẻ trộm đã lấy mang đi, lo sợ quả báo, hay thánh thần trừng phạt nên lại mang trả lại. Sự linh thiêng, huyền bí của gò thờ này cũng giống như những khu rừng thiêng của đồng bào miền núi được đời sống tâm linh của cộng đồng bảo vệ. Các cụ bảo, đến mùa ra hoa, các ông về đây mà ngắm, trông cứ như mâm xôi gấc khổng lồ, thật là báu vật trời ban làng Văn Khúc, Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ chỉ cách Hà Nội hơn 80km .
Hôm nay, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam thuộc VACNE cùng với chính quyền tỉnh, huyện, xã tổ chức gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho vạt rừng Lộc Vừng. Bà con kéo đến đông quá, không dấu được niềm tự hào trên các gương mặt già trẻ trai gái và rất đông trẻ em. Có lẽ lần đầu tiên xã có một sự kiện đông vui thế này. Xe con nối đuôi nhau nổi bật trên nền đất đỏ trung du mới mở rộng, đang trải đá.
 
 





Quần thể cây lộc vừng khi chưa rụng lá,  tháng 11/2012  (Ảnh: VACNE)

Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 6h, đến Trường THCS Văn Khúc đúng lúc bắt đầu khai mạc buổi lễ “Ra quân phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Quý Tỵ 2013, và công nhận Cây Di sản Việt Nam”.
Không phải vô cớ mà ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia này được dùng là nơi tổ chức mít tinh. Ngay trong sân trường cũng có một cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Tôi mới chỉ nghe đến tên nó trong câu thơ Tố Hữu “Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, giờ mới tận mắt trông thấy. Bề thế, đường bệ, chu vi tới 7,8m, ngạo nghễ ngang trời. Bộ rễ bò ngổn ngang, nghềnh ngàng trên mặt đất như một đàn cá sấu no ăn đang sưởi nắng. Hẳn mấy trăm năm trước vùng này còn là rừng rậm. Ngôi đền thờ xây dựng năm 1792 chỉ cách khuôn viên trường này mấy chục mét. Cây Sui này là cây to nhất, và bây giờ, là cây độc nhất còn lại. Nó vốn mọc hoang dã trong những khu rừng tạp giao, nhựa cây rất độc, không một loại sâu nào dám bén mảng tới. Người ta dùng nhựa nó tẩm vào đầu mũi tên, bắn hổ, hổ chết đứ đừ. Vỏ cây rất dầy, trong chứa nhiều lớp mạng sợi. Xưa đồng bào miền núi, tách lấy vỏ, đập nát, ngâm nước cho lớp thịt rữa ra hết, phơi khô dùng làm chăn tha hồ ngon giấc. Cô Phùng Thị Hậu, sinh năm 1960, làm Hiệu trưởng trường suốt hai nhiệm kỳ này còn kể về cặp rắn xuất hiện, vẫn còn sống trên cây này như một điềm linh thiêng kỳ bí. Khách lạ có thể tin hay không tin, nhưng rõ ràng cây cổ thụ rợp một khoảng sân trường, xung quanh có mấy chục chiếc ghế đá granit phụ huynh tặng thầy trò là hiếm có khó tìm trên đất này.
Phút long trọng nhất là lúc các vị lãnh đạo tỉnh, huyện và các vị lãnh đạo Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cùng nhấc tấm vải điều, để lộ ra tấm bia Cây Di sản Việt Nam. Mấy chục máy quay phim, máy ảnh chụp lia lịa. Tiếc là chúng tôi không có điều kiện tham gia tết trồng cây trên khoảng đất trống phía sân trường.
Cây có tuổi thọ cao nhất trên thế giới tới 4471 năm. Ngay Việt Nam cây Dã Hương ở Lục Ngạn, Bắc Giang cũng là một trong hai cây Dã Hương cao tuổi nhất thế giới, được ghi vào từ điển Bách Khoa Pháp năm 1932. Năm 1946, khi sang thăm Pháp và làm cố vấn cho phái đoàn ta ở Hội nghị Phông ten blô, Bác Hồ có đọc thấy thông tin ấy, nên sau này, trong kháng chiến chống Pháp, nhân một chuyến công tác, Bác đã ghé thăm bằng được.
Mấy năm trước, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE có sáng kiến thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, rồi xây dựng, tổ chức đặt ra tiêu chí được các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Bắt đầu là 9 Cây Muỗm (còn gọi là quéo, miền nam gọi là Xoài, ở đền Voi Phục (Thụy Khuê – Hà Nội), rồi 18 cây Ruối đất Đường Lâm hai vua Sơn Tây. Giờ gắn biển được hơn 300 cây trong toàn quốc. Cây Di sản, nếu để mất thì tài thánh cũng không phục hồi được. Chỉ còn tìm được dấu tích nó trong kho địa danh các địa phương thôi. Gia Lâm (Hà Nội) chính là rừng Râu gia ngày xưa, một trong Hồ Tây bát cảnh có rừng bàng Yên Thế, cũng biến mất. Khoảng hai chục năm trước, một nông dân đào ao, vật đất lên trồng đào thấy dưới tầng sâu 3m toàn gốc bàng già. Chính là Khu đô thị Siputra bây giờ.
Cây Di sản Việt Nam là những di tích lịch sử xanh, niềm tự hào của cộng đồng dân cư từng vùng miền, cũng là của cả nước, sẽ hấp dẫn thêm khách du lịch, trong ngoài nước. Tôi đã được tặng một chiếc lá Bồ Đề nơi Phật thích Ca Mâu Ni từng ngồi tu trên đất Ấn Độ. Chiếc lá còn nguyên vẹn tất cả đường gân, mỏng như cánh chuồn, nhưng sự linh thiêng có sức nặng ngàn cân trĩu nặng trên tay làm tôi mãi bâng khuâng.
 
 
 
Cây sui - Cây di sản VN tại trường THCS xã Văn Khúc (Ảnh: VACNE)

Lượt xem: 3061

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE