TT - Từ ngày 15 đến 18-5, đạo diễn Mỹ Erin Heidenreich (34 tuổi) cùng Elsa Payen (22 tuổi) và Quinn Mattingly (31 tuổi) - nhà chụp ảnh tự do người Pháp - bấm máy bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.
|
Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại gia đình bà Trần Thị Hoa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - Ảnh: Đoàn Cường
|
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Erin HeidenrEich - đạo diễn bộ phim chưa được đặt tên này. Bà cho biết:
- Bộ phim tài liệu dài 90 phút sẽ tái hiện sinh động những sinh hoạt thường ngày, hiện thực cuộc sống và những ước mơ của các nạn nhân chất độc da cam ở những địa phương có nhiều nạn nhân da cam của Việt Nam. Sau Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tiếp tục quay phim tại Quảng Nam, Đồng Nai, TP.HCM...
Sau đó, đoàn sẽ về Mỹ dàn dựng và tiếp tục quay lại Việt Nam vào cuối năm 2010 để hoàn thành bộ phim.
* Bà hẳn từng chứng kiến những nỗi đau da cam mà chiến tranh đã gây ra cho người dân Việt Nam qua báo chí, truyền hình. Nhưng tiếp xúc trực tiếp với họ, bà có cảm nghĩ gì?
- Trước khi làm phim tôi đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu, cũng như đọc nhiều tài liệu về những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Nhưng quả thật nói như người Việt Nam là “trăm nghe không bằng một thấy”, trực tiếp nhìn thấy nhiều trường hợp, nhiều người mẹ, người chị... tận tình chăm sóc những đứa con, đứa em đang bị chất độc da cam hành hạ mới thấy hết được tình thương yêu mà họ dành cho nhau.
Chúng tôi cảm thấy rất buồn và chỉ có thể làm hết sức mình dành cho bộ phim này với mong muốn làm được điều gì đó.
* Những ngày ghi hình nỗi đau da cam vừa qua, nhân vật nào đã để lại cho bà nhiều suy nghĩ nhất?
- Đó là trường hợp chị Hoa ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Chị vốn là thanh niên xung phong, còn chồng là bộ đội. Sau này sinh hai đứa con trai đều bị di chứng của chất độc da cam, rồi chồng bị tai nạn giao thông. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn kiên cường đùm bọc lấy tổ ấm của mình.
Sau khi ghi hình gia đình chị Hoa, tôi chỉ biết cầm lấy tay chị rồi nói: chị là người phụ nữ tuyệt vời, một trụ cột vững vàng của gia đình.
* Bộ phim sẽ được trình chiếu ở đâu và với mục đích gì, thưa bà?
- Sau khi hoàn thành, dự định đầu năm 2011 phim sẽ được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế, tiếp đến là công chiếu trên các kênh truyền hình ở Mỹ và phương Tây. Chúng tôi muốn mọi người hiểu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề lớn cần giải quyết ở Việt Nam mà của cả nhân loại. Vì thế cần có nhiều người biết đến thực tế của vấn đề này.
* Qua bộ phim, bà có nhắn nhủ điều gì trong cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?
- Chúng tôi không thể nói trước điều gì về việc có đóng góp được cho vụ kiện của các bạn hay không. Dù vậy, chúng tôi hi vọng bộ phim sẽ làm thức tỉnh lương tâm của người Mỹ, sự hiểu biết của họ, để càng nhiều người biết về hoàn cảnh, hiểu về cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam, từ đó thay đổi suy nghĩ.
Càng nhiều người hiểu, càng góp thêm tiếng nói cho vụ kiện hoặc ít ra cũng có thể làm gì đó giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
|
Ảnh: Đ.Cường |
Erin Heidenreich là người điều phối chương trình cho Liên hoan phim quốc tế Bali, là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Columbia, The New School và Đại học Vân Thành (Trung Quốc).
Là một trong những nhà sáng lập Cinetic Media - công ty cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược trong ngành giải trí và truyền thông năm 2001, Erin đã giúp đưa công ty trở thành nơi đại diện thương mại của hàng trăm bộ phim thành công và đoạt nhiều giải thưởng có giá trị, như phim đoạt giải Oscar Little Miss Sunshine và các phim từng được đề cử Oscar (Super size me, Capturing the friedmans, Spellbound, Jesus camp).
Năm 2010, bà là nhà sản xuất của bộ phim Made in India - một bộ phim tài liệu về những trải nghiệm của con người đằng sau hiện tượng đẻ thuê ở Ấn Độ, mà bà gọi là “outsourcing” (thuê nhân công bên ngoài).
H.NGUYÊN (Theo imdb.com)
|
ĐOÀN CƯỜNG thực hiện
(Tuổi Trẻ, 17/5/2010)