Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, mùa hè năm nay chắc sẽ nóng lắm đây. Mới chớm hè sang thôi mà các hàng điện máy điện lạnh đã bắt đầu tăng giá. Không biết mặt hàng này tăng giá để đón những ngày nắng nóng sắp về hay là nó biết rằng tháng sau chuẩn bị lại tăng lương. Lương tăng đấy, vậy mà đâu đó người ta vẫn thở dài ngao ngán, có kẻ chẳng biết buồn hay vui. Khi lương và giá cả cùng nhau tịnh tiến song song trên một thế giới phẳng đã làm cuộc sống có nhiều thay đổi. Trong những thứ dễ thay đổi ấy, thì tình cảm lại là thứ dễ thay đổi nhất. Nghe xong lập luận đó của một vị giáo sư, gió nguýt một cái dài về phía bục giảng rồi lại quay đi che miệng khúc khích cười.
|
Một vệt nắng sớm mới nhen lên chiếu vào cây Phượng phía cuối đường làm cho lá của cây có màu vàng của Nắng. Màu vàng xen kẽ giữa màu xanh non làm cho những chiếc lá như bóng hơn, sức sống hơn. Nắng cứ thủ thỉ cùng cây những câu chuyện của riêng mình, những chuyện mà chỉ có Cây biết, Nắng biết mà thôi. Nắng dựa vào Cây, phả vào Cây hơi ấm. Nhờ cái hơi ấm nồng nồng của Nắng mà Cây như khát khao hơn sự sống, từng ngày vặn mình nhúc nhích để biếc xanh. Cây ơi! Tớ sắp phải về rồi. Nơi phía mặt trời sắp lặn có một dòng sông đang đợi tớ. Tớ phải được tắm nước dòng sông ấy hàng ngày để mỗi ngày sau tớ sẽ lại trong trẻo tinh khôi và nồng nàn hơn ngày trước. Nắng ơi! Đừng đi. Tớ không muốn cậu đi đâu. Tớ phải làm gì để giữ cậu lại bên tớ? Đừng buồn Cây à, tớ phải đi để xua bớt cái ngột ngạt của thành phố những ngày mất điện, cậu hiểu không? Hiểu, vì hiểu nên tớ sẽ xanh hơn, bật nhiều mầm hơn để làm dịu hơn cái ngột ngạt oi nồng ấy. Tớ mong cậu hãy ở bên tớ, ngày cũng như đêm, Nắng à ! Tớ sẽ mọc ra những cái tua vừa cong vừa dài, dài như vết sẹo trên trán Harry Potter để găm cậu lại. Lúc ấy cậu sẽ không đi đâu được nữa, cậu sẽ luôn ở bên tớ và cùng tớ đợi hè sang.
Câu chuyện của Nắng và Cây hôm ấy đã được cô bé bán chè xanh ngồi ngay dưới gốc cây nghe tất cả. Tối về nhà cô gõ hai từ “cây Phượng” vào google và search. Cũng từ hôm đó cô bé hiểu hơn về loài cây mà hàng ngày vẫn che nắng che mưa, che bụi bặm cho mình. Có biết bao nhiêu loài phượng làm cho cô bé thấy yêu hơn cái mùa hè vốn khắc nghiệt này. Có cả những loài Phượng Tím đẹp đến nao nao đã làm cho cô bé nhớ lại mùa hè trước. Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày thi đại học mà bố cô bé đổ bệnh. Một mình mẹ cô vất vả cực nhọc nuôi bố cô và hai chị em cô. Thương mẹ, cô bé chỉ biết âm thầm khóc. Những giọt nước mắt rơi vào trang sách làm cho vết mực loang ra. Trang sách vốn thơm và ngọt ngào là thế, giờ đây lại có cả vị mặn của giọt nước mắt. Mở sách ra lại gấp sách vào. Hình ảnh mẹ cô cứ nhạt nhòa sau từng ký tự. Cô bé muốn học thật nhanh, thi thật nhanh để có thời gian đi làm giúp mẹ. Nhưng kỳ lạ thay, cô bé cứ học thuộc bài sau thì lại quên bài trước. Chỉ còn bóng người mẹ liêu xiêu, loạng choạng vì cơm áo gạo tiền mỗi sớm mỗi chiều là làm cô bé nhớ mãi mà thôi. Cầm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, cô bé vui khôn tả mà mẹ cô khuỵu xuống. Nắng đổ liêu xiêu một dáng gầy. Một câu thơ không biết của ai đó: “Có những ngày chẳng biết cất vào đâu” lúc này với cô bé thực sự có ý nghĩa. Những lỗ hổng cứ nhạt nhòa trước mắt. Ngửa mặt nhìn trời cao, cô bé như muốn gào muốn hét, muốn thả những lỗ hổng đi xa để mong cho nó được lấp đầy.
Chuyện kể rằng có một loài chim, sau một ngày lang thang nó tha về một hạt cây rất lạ. Người nuôi chim đem hạt đi trồng và hạt đã mọc lên thành một cây Phượng có lá mầu trắng, hoa màu đen. Cây Phượng lạ này chỉ nở hoa một lần duy nhất vào chính ngày nói dối. Nó mọc giữa hai cây Phượng Hồng, mà sao nó vẫn thật lỗng lẫy, kiêu sa. Bất kỳ ai đi qua đường cũng phải dừng xe để chiêm ngưỡng cây phượng lạ. Thấy vậy, hai cây Phượng Hồng mọc ở hai bên sinh lòng ghen ghét, đố kỵ. Phượng Hồng vươn chiếc lá xanh của mình ngoắc vào mái tóc của Phượng Đen khiêu khích: Sao cậu lại nở hoa sớm vậy, còn bốn mươi ngày nữa mới là ngày cho loài của chúng ta tách nhụy khai hoa cơ mà. Mà sao lá của cậu màu trắng còn hoa thì lại màu đen thế, phải chăng cậu khác biệt để nổi tiếng? À, dễ hiểu thôi. Tớ được sinh ra là do hội tụ của nắng, gió với khí trời. Cơ thể của tớ là đại diện của hai màu tương phản khác biệt. Thế giới luôn tồn tại hai màu đen và trắng. Hai màu ấy luôn được phân định rạch ròi nhưng lại đan xen và nhiều lúc xâm thực lẫn nhau. Chúng cứ ẩn mình trong nhau như cái ác với cái thiện, như thật thà và dối trá, như tham vọng và khát vọng đó thôi. Khi khát vọng biến thành tham vọng, thì lúc ấy Phượng Đen chẳng thể đen, Phượng Hồng cũng sẽ chẳng thể hồng. Khi đó Rùa và Thỏ chẳng thể là đôi bạn và quả táo của mụ Phù Thủy năm nào sẽ lại có nửa đỏ nửa xanh. Vì đố kỵ, vì ích kỷ, vì lòng tham thì không phải đôi tay nào cũng trắng và không phải ai cũng giữ được cho mình tay trắng kể cả khi đã...trắng tay. Nghe Phượng Đen nói xong, Phượng Hồng cảm thấy xấu hổ đỏ bừng mặt, rực rỡ một góc trời. Tiếng gió lao xao nhưng chẳng thể che nổi một tiếng cười.
Nắng tháng Tư như đổ lửa xuống đường, bỏng rát bàn chân em mỗi buổi trưa tan học. Phía đồng xa, lúa trải thảm một màu vàng xanh đang chờ đến vụ. Chim Bố và Chim Con rủ nhau đi ăn trộm những hạt thóc chín sớm trên đồng. Từ trên cao, mấy lần Chim Con định sà xuống những góc ruộng có màu vàng sậm, nhưng Chim Con chợt nhìn thấy bóng một người đang cầm súng đứng ngay góc ruộng. Sợ quá, nó lại vụt bay lên. Bay được một quãng, nó vừa bay vừa nghĩ đến bài kiểm tra một tiết chiều hôm qua với điểm 9 đỏ chót. Bên cạnh điểm 9 còn có một lời phê thật khích lệ: “Em giỏi lắm, điểm 9 này xứng đáng là kết quả những nỗ lực của em trong thời gian vừa qua. Dũng cảm lên em. Nếu không đối diện thì làm sao có thể vượt qua được những khó khăn này”. Nghĩ đến đây, Chim Con vội quay đầu lại và nhẹ nhàng bay sà xuống phía người cầm súng đang đứng ở góc ruộng. Chim Con đến rất gần rồi mà người ấy vẫn không có động tĩnh gì. Thì ra đó chỉ là một người rơm được treo lên để dọa những ai yếu bóng vía. Cũng từ đó Chim Con đã hiểu được rằng: “Người mang vũ khí chưa chắc đã là người chiến đấu” và nó cũng nhận ra vì sao ô lời phê lại có diện tích lớn gấp hai lần ô cho điểm. Ngày hôm ấy vẫn mất điện, trời vẫn oi nồng và Nắng cứ đổ vàng au xuống đường những vệt dài như màu lửa. Chim Con nhìn Chim Bố như muốn hỏi vì sao, Chim Bố mỉm cười khẽ nói: Chỉ có Cây mới hiểu vì sao hôm ấy Nắng lại vàng đến thế. Có lẽ hôm ấy nắng nhiều là để đánh thức Phượng đơm bông...
(Tạp chí Nhà Văn TP HCM)