(VACNE)-Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn - NNPTNT) tổ chức hội thảo xem xét và đánh giá báo cáo của UBND Tỉnh Cao Bằng về đề nghị chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Phia Oắc-Phia Đén thành VQG, trên cơ sở đó trình Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển hạng KBTTN Phia Oắc - Phia Đén thành vườn quốc gia.
Tới dự hội thảo có đại diện của Văn phòng Chính phủ và các vụ thuộc Tổng Cục lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thông (Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Vụ khoa học&Hợp tác Quốc tế, Vụ Phát triển Rừng) cùng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên&Môi trường, các sở ban ngành của UBND tỉnh Cao Bằng và UBND huyện Nguyên Bình, cùng các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực.
Báo cáo đề nghi chuyển hạng của UBND Tỉnh Cao Bằng được xây dựng dựa trên các tiêu chí của Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng và các kết quả của việc điều tra khảo sát và đánh giá tài nguyên và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vùng Phia Oắc - Phia Đén.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, báo cáo đề nghị chuyển hạng của UBND Tỉnh Cao Bằng cùng với thực tế tiếp cận, so sánh, khẳng định Phia Oắc-Phia Đén hội đủ các điều kiện tự nhiên đặc thù có thể trở thành VQG.
Với địa chất khối granít chuẩn đông dương, khí hậu vùng á nhiệt đới trong vùng nhiệt đới và các hệ sinh thái tự nhiên hiện ít bị tác động còn tồn tại, hệ động thực vật chứa đựng các loài đặc hữu, quý hiếm là vô cùng phong phú.
Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc-Phia Đén hội đủ các điều kiện thành VQG, không chỉ cho công tác bảo tồn, Phia Oắc-Phia Đén phải phục vụ nhân dân bởi thắng cảnh đẹp và khí hậu trong lành.
Toàn vùng Phia Oắc - Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên 24,631ha, trong đó rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén rộng hơn 10.261ha; độ cao từ 1500m - 1931m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm là 18 độ C.
Kết quả đánh giá sau các lần khảo sát của các nhà khoa học cho thấy Phia Oắc - Phia Đén rộng hơn 10.000 ha; độ cao từ 1500m - 1931m so với mặt biển nằm trên địa phận hành chính của các xã Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành, và Thị trấn Tinh Túc thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Kết quả điều tra gần đây đã thống kê Phia Oắc – Phia Đén có 1117 loài trong đó có 229 loài động vật có sương sống, 17 loài lưỡng cư và 28 loài bò sát, hàng ngàn loài động vật không sương sống, côn trùng, động vật nhuyễn thể, và động vật đất. Trong số này, các nhà khoa học đã xác định 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, bao gồm 24 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó loài hươu xạ ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp, 15 loài nguy cấp, và sáu loài bị đe dọa. Trong số đó có một số loài thuộc diện quý hiếm như sơn dương, cu li lớn, cu ly nhỏ, vượn đen đông bắc, khỉ cộc, gấu ngựa, cầy sao, cầy hương, mèo rừng, sóc bay đuôi trắng, sóc bay sao, gà lôi trắng, gà so ngực gụ, rắn hổ mang, rắn sọc dưa, trăn đất, rùa núi vàng, rùa hộp ba vạch, kỳ đà nước, cóc Quảng Tây, tắc kè, ếch cây sần...
Ông Long Văn Bằng, Giám đốc Rừng Đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, đánh giá đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng VQG Phia Oắc – Phia Đén” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam xây dựng là rất khả thi.
Đinh Văn Hùng (Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ)