quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Đại diện VACNE góp ý thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ Tư, 03/07/2024 | 10:45:00 AM

(VACNE) - Sáng ngày 2/7, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo góp ý thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu.

GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, ủy viên BCH VACNE tham dự Hội thảo và phát biểu tham luận. Xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu Một số ý kiến đóng góp vào các văn bản dự thảo của GS. Nguyễn Đức Ngữ.

- NGHỊ ĐỊNH Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn,

- THÔNG TƯ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậụ,

- THÔNG TƯ Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. Nhận xét chung: Các văn bản dự thảo, nói chung đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung quan trọng và chi tiết hơn so với các văn bản đã ban hành trước. Đó là những ưu điểm. Tuy nhiên tôi xin phép không kể ra những nội dung chi tiết được sửa đổi, bổ sung và những ưu điểm cụ thể trong các văn bản dự thảo. Tôi xin phép được nêu một số góp ý cụ thể như sau:

2. Những góp ý cụ thể:

1/ Về tên các văn bản dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung: Cả 2 thông tư đều ghi:

“Thông tư .... quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu”. Việc viết như vậy làm người đọc có thể hiểu là có một bộ Luật tên là Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế không có bộ luật nào có tên như vậy. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ được quy định trong một chương (VII) của Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại cho chuẩn xác, theo tôi cần đặt cụm từ “ứng phó với biến đổi khí hậu” lên trước, rồi đến “quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường”.

2/ Khái niệm “ứng phó với biến đổi khí hậu” bao gồm hai nội dung: thích ứng với biến đổi khí hậu (được Nghị quyết số 24 Hội nghị BCHTW lần thứ 7, khoá XI xác định là trọng tâm) và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, cũng như trong Thông tư đều không nói rõ khái niệm và nội hàm của giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Trong Nghị định số 06 có Điều 7: Mục tiêu, lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đề ra 4 phương thức (khoản 6). Tuy nhiên không có Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành khoản này nên không biết việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo có phải là một trong những biện pháp quan trọng góp phần giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính hay không?

Thông tư sửa đổi, bổ sung... cũng không bổ sung nội dung này mà chỉ đề cập đến kiểm kê phát thải khí nhà kính và thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, không đề cập đến thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó chưa bao quát được đầy đủ các nội dung như tên Thông tư.

3/ Về văn bản hợp nhất Thông tư...: Nội dung chủ yếu của văn bản này là đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thẩm định và tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, chưa bao quát được những nội dung theo tên gọi của Thông tư là “Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu”.

4/ Chương II- Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất, và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Chương này đưa vào Thông tư nhằm mục đích gì, khi chương này không có quan hệ gì với các chương sau của Thông tư?. Mục đích chính của việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu... là để nghiên cứu xây dựng, lựa chọn và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và địa phương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong đới sống. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư không đề cập đến nội dung thích ứng (không bao quát được nội hàm ứng phó với biến đổi khí hậu theo tên của Thông tư). Hơn nữa, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn, khó khăn và rất phức tạp, cần nhiều bên tham gia nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, tính  thực tiễn, khả thi, linh hoạt  bền vững và hiệu quả của các giải pháp thích ứng, không thể chỉ đơn giản là đề xuất các giải pháp thích ứng trong báo cáo đánh giá tác động (điểm e. khoản 2, điều 8) Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cỏ thể bổ sung một chương về thích ứng với biến đổi khí hậu trong Thông tư.

5/ Về nội dung chương II, tuy đã cố gắng bổ sung nhiều khía cạnh của hoạt động đánh giá tác động nhưng vẫn mang nhiều tính thủ tục, còn về phương pháp đánh giá tác động còn chung chung. Các cơ sở rất khó thực hiện nếu không được tập huấn đầy đủ, bài bản. Đề nghị cần cụ thể hoá và chi tiết hoá hơn nữa, nhất là xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu định lượng về rủi ro, hiểm hoạ, tính dễ bị tổn thương, mức độ nhạy cảm v.v.

6/ Trong dự thảo Thông tư, khi nói về giảm phát thải khí nhà kính và thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính lại không đề cập đến vấn đề thẩm định báo cáo kết quả tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính (Điều 8 trong Nghị định), một nội dung quan trọng trong giảm phát thải. Vấn đề phát triển nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) rất quan trọng trong việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thông qua giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và mục tiệu NET 0, mà tại Quy hoạch điện 8 năm 2023 Chính phủ đã đề ra mục tiêu là “phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới đạt 47% với điều kiện cam kết theo JETP”.... “Định hướng đến năm 2050 năng lượng tái tạo đạt 67,5 - 71,5%.” cũng không được bổ sung trong dự thảo Thông tư.

7/ Về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư ghi: “Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hoàn thiện báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định” (khoản 4, điều 14). Ngoài ra Bộ không có nhiệm vụ gì nữa, nghĩa là Bộ không chịu trách nhiệm gì trước Nhà nước và nhân dân về các kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính? Trách nhiệm đều thuộc các Hội đồng thẩm định. Vậy các Hội đồng thẩm định có tư cách gì về mặt nhà nước và Hội đồng có tồn tại mãi không? Đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ đối với các kết quả kiểm kê khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực và cơ sở, nghĩa là Bộ phải xác nhận các kết quả kiểm kê khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Hội đồng thẩm định, theo tôi, chỉ có vai trò là tư vấn (trong dự thảo Thông tư không quy định).

 Vì vậy, trong Thông tư cần ghi rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi nhận được các kết quả kiểm kê khí nhà kính của các ngành, địa phương, (thông qua các Hội đồng thẩm định) có trách nhiệm xác nhận các kết quả kiểm kê khí nhà kính, đánh giá việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính so với với kế hoạch của nhà nước, mục tiêu và tiến độ giảm phát thải đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó có việc thực hiện mục tiêu NET Zero, các cam kết khác và các quyền lợi của Việt Nam theo các điều ước mà Việt Nam tham gia; phân tích những thành công và hạn chế, khó khăn; dự báo khả năng thực hiện các mục tiêu trong tương lai, trên cơ sở kết quả đã thực hiện và cập nhật tình hình mới nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu, sử dụng nhiên liệu hoá thạch, phát thải khí nhà kính...; kiến nghị với nhà nước về các điều chỉnh (nếu cần) kế hoạch và mục tiêu trong tương lai.

Trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước có các chính sách khuyến khích và cơ chế ràng buộc đối với hoạt động giảm phát thải khí nhà kính của các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát thải khí nhà kính./.

tm-img-alt

GS.TSKh Nguyễn Đức Ngữ

Lượt xem: 419

Các tin khác

Tác giả Võ Doãn Tuấn (Nghệ An) đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế logo “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)”

(07/09/2024 02:22:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 8/2024

(03/09/2024 01:42:PM)

Phát động cuộc thi “SÁNG TẠO XANH – SỐNG TRONG LÀNH: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời - Tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật”

(30/08/2024 11:06:PM)

Cần có những giải pháp cấp bách trong việc bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long với tình hình mới

(30/08/2024 12:04:PM)

GS TS NGND Trần Hiếu Nhuệ được vinh danh Tri thức Khoa học tiêu biểu

(28/08/2024 02:41:PM)

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực xử lý sự cố tràn dầu cho cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam

(22/08/2024 04:03:AM)

Tổ chức WWF đề xuất lộ trình giảm túi ni-lông trong siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng, Phú Yên

(15/08/2024 07:27:AM)

Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8): Hành trình của sự chia sẻ và tỉnh thức

(12/08/2024 09:53:AM)

Thống nhất triển khai Chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024” tại thành phố Hồ Chí Minh

(12/08/2024 09:22:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE