Từ TP Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc, theo Quốc lộ 27 chạy xuôi về phía Nam khoảng chừng 55 km, chúng tôi đã đặt chân đến khu du lịch hồ Lăk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk), một vùng đất đầy huyền thoại, nên thơ và hùng vĩ. Tại đây, du khách có thể cưỡi voi dạo quanh buôn làng, thăm đồi Bảo Đại, ăn cơm lam, uống rượu cần, dự văn nghệ cồng chiêng và nghe chuyện cổ. Đặc biệt, khi đến thăm biệt điện Bảo Đại, nằm trên một ngọn đồi cao chót vót, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự hùng vĩ của núi non trùng điệp bao quanh một hồ nước rộng mêng mông, cùng với những cù lao chìm, nổi.
Từ hồ Lăk, ngược ra Quốc lộ 27 về TP Buôn Ma Thuột thẳng lên mạn Tây Bắc của tỉnh, chúng tôi tìm về Buôn Đôn, nằm ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), giáp biên giới Campuchia và Lào. Đây là một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk hiền hòa, nơi con trai, con gái, người già và trẻ nhỏ luôn say sưa với những vũ điệu dân gian trong các lễ hội, cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng gắn với huyền thoại về người anh hùng săn voi, lập làng Khunjunop. Buôn Đôn ngày nay đã trở thành nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó có các dân tộc Lào, Khơme, Êđê, M’Nông, Gia Rai, Kinh... Ngoài việc đến với Buôn Đôn tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân tộc, thăm ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, thăm kiến trúc mộ Khunjunop, vườn quốc gia Yok Đôn và du lịch dã ngoại bằng voi, du khách cũng có thể dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Sêrêpôk hiền hòa.
Đắc Lắc có các thắng cảnh đẹp, các di tích, kiến trúc cổ nổi tiếng như thác DraySap, thác Gia Long, Trinh Nữ, thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, Ba tầng, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Dak Min và các khu rừng nguyên sinh ở vườn quốc gia Yok Đôn với sự hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên (có núi, rừng, có sông, hồ, thác nước hùng vĩ, hữu tình) cùng với những lễ hội, phong tục tập quán riêng giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Những năm gần đây, cùng với việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, mạng lưới giao thông, liên lạc, ngành Du lịch Đắc Lắc đã có những bước phát triển mới với 2 loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Các sản phẩm du lịch rất đa dạng, độc đáo và có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, riêng biệt tại các khu, điểm để thu hút du khách.
Với vị trí nằm ở vùng trung tâm Tây Nguyên, tiếp giáp nhiều trung tâm kinh tế lớn ở khu vực các tỉnh phía Nam, có các tuyến đường giao thông quan trọng đã, đang và sẽ được xây dựng như: đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á, Đắc Lắc sắp tới sẽ là một địa chỉ thu hút khách du lịch quốc tế. Với quy hoạch du lịch đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 50 khách sạn, với 1.500 phòng, đủ khả năng đón cùng lúc từ 2.500-3.000 lượt khách.
(Hà Nội mới)