quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Đà Nẵng xây dựng thí điểm dự án đốt rác phát điện

Thứ Sáu, 05/08/2016 | 04:40:00 PM

Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có buổi làm việc với ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) liên quan đến dự án thí điểm xây dựng nhà máy đốt rác phát điện do Tập đoàn JFE đề xuất triển khai thực hiện tại Đà Nẵng.

Được biết trước đây (năm 2014), JFE Nhật Bản chính là đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn do JICA tài trợ. Trong Nghiên cứu khả thi này, công nghệ được JFE đề xuất cho dự án là công nghệ đốt rác và phát điện với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày, chi phí đầu tư cơ bản và vận hành nhà máy trong thời hạn 20 năm là 122 triệu USD. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức phí xử lý 25 USD/tấn được đề xuất là khá cao, và thành phố gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án – theo Bộ Tài nguyên & Môi trường.


Do vậy, trong buổi làm việc này, phía JFE đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung JCM của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nhật Bản để triển khai thí điểm dự án nêu trên với quy mô nhỏ hơn và công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày nhằm đảm bảo tính khả thi. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 20 triệu USD (hơn 440 tỷ đồng), trong đó 50% là 10 triệu USD sẽ xin Bộ TM&MT Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại thông qua cơ chế tín chỉ chung (JCM) để mua sắm máy móc thiết bị ban đầu, 10 triệu USD còn lại là kinh phí đối ứng của Đà Nẵng, có thể là thành phố trực tiếp vay vốn ODA hoặc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (URENCO) – đơn vị trực tiếp vận hành nhà máy – vay và sau này thành phố sẽ trả dần thông qua khoản thu phí xử lý rác thải của người dân. Nếu được thông qua, dự kiến Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ phê duyệt cấp vốn cho dự án vào tháng 3/2017.

Lũ cuồn cuộn đổ về sông Hồng, ít nhất 10 người bị cuốn trôi

Do ảnh hưởng của hoàn lưu, sau là vùng xoáy thấp do bão số 2 suy yếu nên từ đêm ngày 4 rạng sáng 5/8, Lào Cai có mưa trên diện rộng, rải rác mưa vừa, nhiều nơi mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh. Mưa đều khắp và kéo dài khiến các sông suối tỉnh Lào Cai xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, thượng nguồn sông Hồng, sông Chảy (phía Trung Quốc) cũng có mưa lớn, khiến nước từ thượng lưu đổ về gây lũ cao trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai và sông Chảy tại huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Theo thông tin ban đầu của Thường trực Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đến 8 giờ ngày 5/8, tại huyện này đã có 9 người bị mất tích do lũ quét cuốn trôi; trong đó, xã Cốc San (mất tích 3 người), xã Tòng Sành (mất tích 3 người và xã Phìn Ngan (mất tích 3 người). Mưa lũ tại Sa Pa cũng đã làm 1 người mất tích. Hiện chưa xác định được danh tính những nạn nhân. Các lực lượng chức năng huyện Bát Xát đang phối hợp với gia đình các nạn nhân tăng cường tìm kiếm, đồng thời khuyến cáo nhân dân dọc hai bờ khe suối không ra suối vớt củi, sơ tán người và đồ đạc lên những điểm cao tránh lũ, sạt lở đất – theo VietnamPlus.

Việt Nam phát động tuần lễ bảo tồn voi

Ngày 03/08, các cán bộ và các nhà bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) đã khởi động các hoạt động của Tuần lễ bảo tồn Voi được tổ chức tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam nhằm khuyến khích, thúc đẩy và nâng cao nhận thức cho hoạt động bảo tồn loài voi và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, được bảo vệ tại Việt Nam. Tuần lễ bảo tồn Voi kéo dài đến ngày 06/08/2016 và được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” do Chính phủ Việt Nam đầu tư thực hiện. Đây là một nỗ lực chung của Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), chính quyền tỉnh Quảng Nam, các tổ chức huyện Nông Sơn và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Tuần lễ sẽ bao gồm nhiều hoạt động lý thú, điển hình trong đó phải kể tới cuộc thi chạy marathon cự ly ngắn (5 km) – “Chạy vì loài Voi Việt Nam” – nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bảo tồn voi và thu hút cộng đồng địa phương hỗ trợ hình thành các khu vực bảo vệ voi tại tỉnh Quảng Nam. Ngoài cuộc thi chạy marathon “Chạy vì loài Voi Việt Nam”, cũng trong tuần lễ này, một cuộc họp liên ngành giữa TCLN, chính quyền địa phương và các công ty du lịch cũng được tổ chức với mục đích xác định những việc cần làm để phát triển du lịch sinh thái như một phương thức “chung sống hòa bình với loài Voi, phòng chống xung đột voi với người”. Cuối tuần lễ là chương trình đối thoại trực tiếp giữa TCLN, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam để thảo luận về các giải pháp bảo tồn loài voi Việt Nam.

Voi, hổ, sư tử có thể tuyệt chủng vào năm 2100

Một ngày nào đấy, có lẽ con cháu của bạn có thể mở sách khoa học và đọc được rằng voi, hổ, sư tử là những con vật hùng dũng, đã tuyệt chủng, từng tồn tại trên Trái Đất giống như voi Ma mút hay loài Khủng long Triceratops. Theo báo cáo mới đây của các nhà bảo tồn sinh vật học trên tờ BioScience ngày 27/7, nhiều con thú lớn trên thế giới có thể bị tuyệt chủng vào năm 2100 nếu các biện pháp bảo tồn không được thực hiện một cách quyết liệt. Để ngăn chặn điều này, các chính phủ và các tổ chức bảo tồn cần có ngay những hành động phù hợp.

Cuộc sống của nhiều loài động vật trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, điều này không còn gì mới mẻ với nhiều người. Việc săn trộm và sự can thiệp không ngừng của con người vào môi trường tự nhiên đã dồn các loài vật như tê giác, voi, các loài động vật lớn thuộc họ mèo vào vùng lãnh thổ ngày càng nhỏ; và buộc các loài động vật hoang dã xung đột với chính dân số con người. Liên minh Quốc tế về Bảo tồn tự nhiên đã dự báo, khoảng 59% các loài động vật ăn thịt lớn nhất trên thế giới (như hổ Bengal) và 60% các loài động vật ăn cỏ lớn nhất (như Tê giác trắng hay loài Gorilla) có thể biến mất khỏi Trái Đất khi bước sang thế kỷ tới - theo VOV News.

Nhà hàng Brazil tái chế rác thải thành phân bón

Theo Hiệp hội Công ty Vệ sinh công cộng Brazil (ABRELPE), các thành phố Brazil vứt đi hơn 75 triệu tấn rác mỗi năm. Khoảng một nửa trong số đó là rác thải hữu cơ. Hiện không có chương trình nào cấp thành phố để tái chế hoặc biến rác hữu cơ thành phân bón và việc tái chế rác vẫn là một khái niệm xa lạ với hầu hết người Brazil. Theo ABRELPE, Brazil chỉ tái chế khoảng 3% rác thải. Để lấp khoảng trống này, Danelon đã quyết định thay các nhà hàng ở Sao Paulo làm công việc tái chế rác. Nhân viên trong tổ chức của cô tới tận các nhà hàng để thu gom rác thải thực phẩm, biến chúng thành phân bón trong vòng 3 đến 4 tháng. Sau đó, họ đưa số phân bón này trở lại các nhà hàng để họ bón cho các loại cây trong vườn của nhà hàng. Các loại cây trong khu vườn này cũng do chính tổ chức của Danelon trồng và chăm bón.

Các nhà hàng ở thành phố Sao Paulo, Brazil đang nỗ lực bảo vệ hành tinh bằng những hành động thiết thực: Tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón dành cho rau củ trồng tại những khu vườn trong thành phố. Fernanda Danelon, một nhà báo 43 tuổi, đã bỏ nghề cách đây hai năm để khởi động Viện Guandu - một tổ chức chuyên tái chế rác thải thực phẩm của các nhà hàng và giúp các nhà hàng làm một khu vườn để sử dụng các loại rác này làm phân trộn. Mỗi nhà hàng trung bình 50 bàn ăn trả 275 USD/tháng cho dịch vụ làm phân bón và làm vườn, tương đương chi phí thu gom rác của thành phố. Danelon còn cung cấp bộ dụng cụ hỗ trợ cho người muốn tự làm phân bón tại nhà. Ngày càng nhiều người liên hệ với Danelon để hỏi kinh nghiệm làm một khu vườn trên nóc tòa nhà - theo Báo Tin Tức.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 2762

Các tin khác

Thách thức trong bảo tồn hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

(04/02/2025 07:27:AM)

Khánh Hòa: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

(02/02/2025 08:22:AM)

Sắp vận hành thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam

(28/01/2025 10:00:AM)

Bảo mẫu của voi

(27/01/2025 10:24:AM)

Cao Bằng: Tập trung phát triển du lịch – dịch vụ bền vững

(23/01/2025 09:03:AM)

25% các loài động vật nước ngọt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

(20/01/2025 09:23:AM)

Ngắm chim, thú hoang dã trong khu bảo tồn rừng Mã Đà ở Đồng Nai

(19/01/2025 03:46:PM)

Bình Thuận: Mặt trận huyện Phú Quý vận động nhân dân, du khách tham gia bảo vệ môi trường biển

(17/01/2025 09:32:AM)

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE