Anh Lê Thành Long kể, trong một thời gian dài, ngoài giờ làm việc, hai anh chị đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi lang thang bãi biển thu gom rác mang về nhà và tỉ mỉ tái chế thành những vật dụng hữu ích nho nhỏ. Những vật dụng này được dành tặng người thân quen, từ đó truyền tải mong muốn của anh chị trong việc bảo vệ môi trường.
"Tiệm cà phê rác tái chế" là nơi check in mới của giới trẻ Đà thành
Từ thành phố Buôn Ma Thuột và quyết tâm về Đà Nẵng sinh sống vì yêu biển, gia đình anh ở cách biển Tân Trà khoảng 300m nên anh chị thường xuyên dạo biển. Tuy nhiên trong khi dạo chơi, tận mắt chứng kiến rác thải trôi dạt vào bờ sau mỗi trận mưa bão, làm cảnh quan môi trường mất đi sự sạch sẽ, đẹp mắt nên anh chị đã cùng nhau nhặt nhạnh rồi mang chúng về nhà, tái tạo thành những sản phẩm mới.
Điều đáng nói là cả hai vợ chồng anh chị đều rất tâm huyết với việc làm của mình. Hễ có thời gian rảnh, anh chị cùng các con lại rủ nhau đi thu gom rác thải. Mỗi lần đi, gia đình nhỏ của anh mang theo cả xe tải, chở về nhiều loa lưới, gỗ cây, chai lọ, phao… và đủ thứ lỉnh kỉnh khiến người nào không biết đều ngạc nhiên. Cùng chung chí hướng, ngôi nhà và những vật dụng từ rác trôi dạt dần được hình thành và được nhiều người biết đến, và trong mỗi câu chuyện với khách, anh chị đều “tranh thủ” khuyến khích, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.
Từng câu chuyện bảo vệ môi trường được lan tỏa một cách tự nhiên trong "tiệm cà phê rác tái chế"
Anh Long cho biết, việc làm của anh chị cũng thu hút được một số bạn bè giúp sức. Không chỉ đi nhặt rác làm sạch bãi biển, mà những đồ vật có thể tái chế, mọi người đều biết để nhặt về giúp anh chị.
“Nhặt rác không chỉ làm sạch môi trường mà còn là cách chúng tôi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi khi nhặt được thứ gì đó, nảy ra ý tưởng biến chúng thành vật dụng hữu ích, cảm giác phấn khích lại ùa về khiến chúng tôi rất vui và hào hứng”, anh Long chia sẻ.
Hiện nay vợ chồng anh Long đang nỗ lực hoàn thiện quán cafe làm từ nhiều loại rác thải, mong muốn biến nơi đây thành không gian trưng bày các sản phẩm từ rác, mở các hoạt động trải nghiệm, làm các món đồ tái chế đơn giản để người thân và du khách check-in trong dịp Tết Nguyên Đán 2024. Ngoài ra anh chị cũng đang ấp ủ nhân rộng mô hình này ở một số nơi khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, với hy vọng việc làm nhỏ của mình sẽ góp phần lan tỏa lối sống xanh, hạn chế rác thải ra môi trường.
Minh Châu