(VACNE) - Cây Đa gắn liền với hình ảnh của làng quê Việt Nam, như "cây Đa, giếng nước, sân đình". Cây Đa có thể sống lâu năm, như cây Đa Di Sản gần 1.000 năm tuổi tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Họ hàng nhà Đa (thuộc chi Ficus) có nhiều loài, ngoài Đa lông, còn có Đa búp đỏ, Đa tía, Đa lá tròn, Đa bồ đề, vv., được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh cây Di Sản Việt Nam nhiều lần nhất.
Cây Đa lông còn có tên Đa hạch, Sung hạch; tên khoa học là Ficus drupacea Thunb., họ Dâu tằm (Moraceae). Tên đồng nghĩa: Ficus pilosa Reinw. ex Bl.
Đặc điểm: Cây gỗ lớn, sống lâu năm, cao 10-15m hoặc hơn, có nhựa mủ màu trắng như sữa. Cành to, lúc còn non có lông mềm dài, sau nhẵn. Lá mọc so le, hình bầu dục hay trái xoan, dài 5-12cm, rộng 3,5-6cm, gốc lá tròn, chóp lá nhọn, gân lá hình lông chim. Lá non có lông dày ở cả 2 mặt, sau nhẵn. Cuống lá dài 7-15mm. Lá kèm dài 1cm, có lông tơ dày, màu vàng. Cụm hoa hình trứng, dạng quả sung (đế cụm hoa lõm, bọc kín hoàn toàn các hoa đực và hoa cái rất nhỏ ở trong, như một quả non). Quả phức. dài 15-17mm, đơn độc hay từng đôi ở kẽ lá. Mùa hoa: tháng 4-5, mùa quả: tháng 6-7.
Hình 1: Cây Đa lông, CDS ở Đại Lộc, Quảng Nam
Hình 2: Lá Đa lông (mặt dưới)
Phân bố: Loài Đa lông có phân bố rộng trong khu vực nhiệt đới Châu Á. Ở Việt Nam, cây này mọc hoang ở vùng rừng núi và cũng được trồng ở đình, đền, miếu để lấy bóng mát. Cây Đa có mặt ở khắp nơi như Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Trị, Sông Bé, tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, vv. Cây này cũng phân bố ở Campuchia, Myanma, Thái Lan, Malaysia, Australia, …
Thành phần hoá học: Theo các nhà khoa học nước ngoài, vỏ thân cây Đa lông chứa 7 hợp chất đã được phân lập và xác định, gồm β-amyrin (1), β-sitosterol-3-O-β-D-glucopyranosid (2), 5-O-methyllatifolin (3), acid oleanolic (4), epifriedelanol (5 ), friedelin (6) và epilupeol acetat (7). Trong đó, hợp chất 3 và 7 có hoạt tính kháng nấm và kháng khuẩn cao nhất, chống lại các vi khẩn gây bệnh ở người và cây trồng; các hợp chất 4, 6, 7 có hoạt tính chống tăng sinh cao nhất đối với hầu hết các tế bào ung thư ở người HeLa, MCF-7, Jurkat, HT-29 và T24.
Thu hái – Sơ chế: Các bộ phận của cây Đa lông như vỏ thân, tua rễ, lá và búp non được thu hái quanh năm. Dùng tươi, hoặc khô. Lá chà xát nhẹ cho hết lông.
Công dụng: Theo tài liệu nước ngoài: Đa lông có nhiều lợi ích cho sức khỏe; có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm loét, vết thương, chữa tiểu đường, chống ung thư, chống tăng lipid máu và bảo vệ gan.
Theo Y học cổ truyền, Đa lông có vị nhạt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, làm ra mồ hôi, hạ sốt, giảm phù thũng, chữa vết thương, bong gân, mụn nhọt.
Ở Việt Nam, lá Đa lông được sử dụng làm thuốc từ lâu. Danh y Tuệ Tĩnh đã dùng lá Đa lông phối hợp với lá Vảy ốc (Ficus pumila L.), lượng bằng nhau, sắc uống vào lúc đói để chữa bệnh khí hư (Nam dược thần hiệu).
Theo kinh nghiệm dân gian, lá Đa lông còn được dùng trong các bệnh sau:
- Chữa phù thũng: Lá Đa lông, Mã đề, rễ Lá lốt, rễ Cà gai leo, rễ Hoàng lực, rễ Gai tầm soọng, mỗi thứ 10-30g, cắt nhỏ, phơi khô, sắc uống, 2 lần trong ngày.
- Chữa vàng da: Lá Đa lông 160g, rửa sạch, cắt nhỏ và sao vàng, sắc với nước làm thang, Thần khúc 40g và Nhân trần 160g, sao giòn, tán bột mịn, uống với nước sắc trên. Người lớn, mỗi lần uống 1 thìa cà phê bột, ngày 3-5 lần. Trẻ em dùng ít hơn, tùy tuổi. Có thể uống riêng nước sắc lá Đa lông để phòng bệnh.
- Chữa đau đầu, viêm xoang mũi, chảy nước mũi trong: Búp lá Đa lông, hoa cây Tỳ bà (lượng bằng nhau), phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g.
- Chữa bí tiểu tiện, đái ra dưỡng chấp: Tua rễ cây Đa lông 20g, Rau dừa nước (Jussiaea repens L.) 15g, Tì giải 15g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý: - Nên hỏi ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc trên.
- Đối với cây Di sản, cần phải bảo vệ cây khi cần lấy nguyên liệu làm thuốc.
TSKH. Trần Công Khánh