Nhớ những ánh mắt trong veo, những gương mặt sáng ngời, những nụ cười thân thiện của các chú tiểu với khách lạ chỉ vừa gặp... Những tiếng cười trong trẻo buổi nắng mai và sương mù ở thiền viện Sangachoeling, miền Pelling, Sikkim, Ấn Độ, cứ xuất hiện trong ký ức khi ngang qua những ngôi trường quê tôi.
Bài và ảnh: Trần Hoàng Bảo
Pelling, nơi kinh đô thứ hai Rabdentse của tiểu vương quốc Sikkim ngày trước toạ lạc, là phố nhỏ cao nguyên xinh đẹp. Dù không gần ngọn núi cao thứ ba thế giới Khangchendzonga, nhưng Pelling lại là nơi thoáng đãng nhất để chiêm ngưỡng ngọn núi thiêng của người Sikkim này. Nằm ở độ cao 2.083m, những ngày trời quang, từ Pelling du khách sẽ ngất ngây với dãy núi tuyết soi bóng bên rừng xanh, nương đồi cũng xanh, đó đây mấy con thác chơi vơi giữa lưng trời.
Vùng của những thiền viện cổ xưa
Không những thế, nào là thiền viện Pemayangtse, một trong những thiền viện cổ xưa và quan trọng nhất của Phật giáo Mật tông, phái Ninh Mã trên đất Sikkim. Nào là dấu xưa vẫn còn sắc sảo của kinh thành Rabdentse hùng cứ một thời… Và chỉ đơn giản trong không gian yên bình đó, miền đất này sẽ dễ trói chân du khách ở lại, nhất là sau hành trình trekking nhiều ngày men theo dãy Himalaya.
Tôi, cũng như nhiều du khách, đã đem lòng mến phố nhỏ hiền hoà xinh tươi này. Và một sớm mai tìm đường lên thiền viện Sangachoeling, tôi càng yêu thêm miền đất và con người nơi đây.
Là thiền viện cổ xưa thứ hai –Sangachoeling không to lớn rực rỡ như thiền viện Pemayangtse cũng trong vùng. Một chánh điện nhỏ nhắn được xây lại trên nền của ngôi chùa do Lạt Ma Gyalwa Lhatsun Chempo xây dựng từ năm 1642. Bao quanh bởi những stupa trắng thanh thoát, những phướn cầu nguyện nhiều màu phất phới trong nắng gió, trong sương… Ngôi thiền viện bên sườn núi cao này còn có những mái nhà nho nhỏ là ký túc xá và những lớp học cho các chú tiểu đang bắt đầu con đường tu tập.
Tôi lên Sangachoeling hai lần, dù con đường dốc đứng đã làm mấy bạn Tây balô lắc đầu thở hổn hển khi tôi chào câu Namaste. Hôm đầu, chùa yên ắng trong mù sương dày đặc, các chú tiểu im lặng trong lớp, dù những đôi mắt tinh nghịch lấp lánh thỉnh thoảng cũng liếc qua cửa sổ, nơi có kẻ đứng ngẩn ngơ không biết đang nghĩ gì. Hôm sau, tôi lại lên chùa trong buổi sớm nắng mai vàng ươm dù sương mây vẫn phủ vây Pelling. Ngạc nhiên khi thấy chùa xôn xao, thấp thoáng từ xa đã thấy những chiếc áo vàng áo đỏ thoăn thoắt giữa núi đồi. Đến gần hơn mới biết là các chú tiểu đang dọn dẹp, làm vệ sinh!
Hành động hơn nói suông
Có thể bạn chưa biết, Sikkim là bang duy nhất của Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng bao nylông từ rất lâu. Trên miền đất này, đâu đâu bạn cũng thấy khẩu hiệu: “Say no to plastic bag”. Do vậy mà thiên nhiên xanh đẹp, Sikkim còn được giữ gìn sạch sẽ. Nhưng cũng không thể tránh khỏi các bao bì nhựa từ các gói bánh kẹo, snack, mì gói… nên đó đây vẫn còn chút rác rưởi. Hôm nay là ngày các chú tiểu dọn dẹp, đi lượm từng mẩu rác, không chỉ ở trong chùa mà còn ra xóm làng, lên đồi cao… để giữ gìn thiên nhiên. Vị sư trẻ, cũng là giáo sinh dạy dỗ các chú, chia sẻ: “Phần lớn các chú tiểu ở đây là trẻ mồ côi. Ngoài việc dạy chữ, kinh kệ, giáo lý nhà Phật, nhà chùa còn dạy ngoại ngữ (Anh văn) và rất chú trọng đến việc tập cho các chú lao động, làm công tác xã hội – như làm vệ sinh hôm nay”. Sư nói thêm: “Chúng tôi để các em dọn vệ sinh không chỉ trong chùa mà cả thôn xóm bên ngoài”, vì để cho các em quan tâm đến việc đạo, việc đời. Hơn nữa, còn để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường. “Chúng tôi thấy, việc các em nhỏ hăng hái thu lượm rác rưởi… tác động đến bà con mạnh hơn rất nhiều so với những khẩu hiệu hay lời nói suông”. Sư giáo thổ lộ vậy và tỏ bày tiếp, việc tập thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường cho các em “ngay từ nhỏ sẽ tốt hơn khi bắt đầu quá muộn”. Tôi nghe, thấm từng lời.
Lên đồi cao mù sương, tôi lượm rác và vui đùa cùng các chú, đang xem việc này là một bữa thư giãn vì được nghỉ học – dù sao cũng là con nít mà. Các chú vừa làm, vừa đùa, vừa ghẹo những chú chó con mèo đang ngơ ngác nhìn thôn xóm hôm nay sao đông màu áo lạ. Nhìn những tà áo đỏ vàng thấp thoáng trên đồi xanh, giữa sương trắng mờ, tôi mới yêu làm sao. Và thấy lòng quặn lại.
Nhớ những hôm chạy xe trên đường Sài Gòn, nghe thoáng tiếng hộp giấy sữa quăng xẹt xuống đường từ chiếc xe của phụ huynh đang chở con đến trường. Nhớ những nam thanh nữ tú trên những chiếc xe đắt tiền thản nhiên quăng đại bịch rác bên vệ đường. Nhớ những nơi có bảng cấm đổ rác lại chính là nơi có thật nhiều rác. Nhớ những con đường tàu là con đường rác… Lòng cứ gợn lên nhiều câu hỏi. Dù đã có những “Mùa hè xanh”, “Chủ nhật hồng” thỉnh thoảng đây đó… tôi vẫn mong các em học trò nhỏ quê tôi có những buổi lên đồi cao, hay về đồng xanh, hay ra phố thị lượm rác… Lúc đó, chắc tôi sẽ không “thèm” lên thiền viện ở Sikkim xa xôi nữa…
(SGTT)