Phó Hội Viên VACNE
Chưa đến nỗi cắt da cắt thịt, nhưng cảm giác nứt nở là có thật. Những cơn gió mạnh đuổi chiếc lá khô chạy dài trên phố. Thường thôi. Mấy cô dâu chú rể đón khách ở cửa khách sạn vẫn diện com lê váy đầm hở vai xẻ nách. Có sao đâu, chỉ thương mấy ông bà già vào quán Cafê môi trường. Mũ lông, khăn quàng cổ to đùng, tay thọc sâu vào túi áo bành tô bạc thếch đã có từ mấy chục năm rồi, cứ như sợ bị cướp giật bán đồ cổ ấy.
Mấy cái ghế như chật hơn. Mất luôn cả thói quen lịch sự vào phòng phải bỏ mũ. Hối hả gọi Cà phê. Cho thêm bát nước nóng giữ nhiệt nhé! Nói ra cả khói ở mồm, ở mũi. Chà, trên Sa Pa, Mẫu Sơn , trên phía Bắc chắc là lạnh lắm, không biết có tuyết không đây. Sa Pa và Mẫu Sơn thì rõ rồi, phía Bắc là đâu? Chủ quán loắt choắt hỏi.
-À, đấy là đỉnh cao nhất Cao Bằng, nơi có đồng, có vàng. Xưa ta gọi tên hơi là lạ, về sau hiểu nghĩa là núi đèn tiếng dân tộc. Gọi núi đèn vì các cơ sở khai thác khoáng sản trên đỉnh núi thắp điện về ban đêm, bà con dân tộc miền núi thấy sáng, gọi luôn là núi đèn. Phia Oắc, Phia Hoắc hoặc đại loại thế. Ông tóc bạc cao lớn vừa nói vừa nhìn chủ quán thăm dò. Chủ quán há mồm nghe, trong bụng nghĩ chắc gì đã đúng thế, nhưng cãi thế nào được cái lão tóc bạc cao lớn này, đành gật gật cho phải phép. À ra thế, vậy là có thêm một điểm đến nữa có thể xem tuyết rơi, băng đóng.
Chợt ông hói trán hỏi.
- Này, thế cái báo tên gì ấy của VACNE bao giờ thì ra mắt đấy
- Báo Việt tin nhanh. Khi nào có phép mới ra mắt chứ, ông đi mà hỏi người cấp phép.
- Dào ôi, gì mà cáu nhanh thế. Nghe giật cái phương ngôn hành động hay đáo để. Là cái gì nhỉ? À thông tin đa chiều, phản ánh trực diện
- Ông có hiểu không? Gã đầu bạc hỏi.
- Tàm tạm. Hay là thế này, để dễ hiểu hơn, ta nói về COP 17 vừa bế mạc đi.
- Được thôi.
- Thế là hai ông bạn già bắt chuyện. Tay chủ quán nhanh trí thỉnh thoảng tham gia. Rất nhiều thông tin liên quan đến COP 17 được nhắc đến, có cái từ báo in, có cái từ mạng, có cái trong nước, nhiều cái ngoài nước. Té ra họ rất ít am hiểu tình hình. Từ chuyện mạng nọ đã xuất bản một bài dạng như ca ngợi thắng lợi lịch sử trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, nhưng lại gỡ đi ngay. Bài đó chắc được viết từ trước khi COP 17 khai mạc hay sao ấy. Đánh giá thế nào về kết quả của COP đâu phải chuyện dễ.
- Ở ta có vẻ như có thực tế là Hội nghị hội thảo nào cũng thành công tốt đẹp. Ông hói nói.
- Không hẳn. Nhưng thông thường là thế. Ông tóc bạc bình. Nói về mặt hành chính, hội thảo được tổ chức, chương trình đã đặt ra được hoàn thành , mọi người tham dự có dịp trao đổi ý kiến của mình, tức là hội thảo thành công. Còn hội nghị thống nhất ra được kết luận thì mới là thành công. Kết luận đó được đánh giá như thế nào lại là chuyện khác.
- À đúng. Nếu vậy thì COP 17 không thành công về mặt hành chính. Ông hói gật gù.
- Họ bỏ phiên họp cuối cùng là phiên phải tham gia kết luận . Sau đó vất vả lắm mới thống nhất kéo dài thêm ngày họp để có một cái gì đó chứ về không à?
-Khổ thân các nguyên thủ quốc gia nhỉ?
- Đâu có. Ta hay nhầm họp COP là họp thượng đỉnh vì đôi khi các nguyên thủ cũng vận động nhau đến. Lần này các nguyên thủ cảnh giác hơn rồi, không như dạo bên Đan Mạch đâu.
- À ra thế, chủ quán chen vào. Thế kéo dài thêm ngày có đạt được thành công nào không ạ?
- Lại phải xem lại đấy là thành công hay là gì. Nhưng báo chí nhắc tới 3 việc được gọi là xong.
Nghe vậy ông béo hỏi ngay, sao lại nói là “được gọi”.
Ông này có thói quen hỏi rất nhanh, như là một kỹ năng sở trường. Chắc là do hay văn vẹo sinh viên đây mà.
- Nói là “được gọi” vì đến hôm nay , sau mấy ngày bế mạc COP vẫn chưa ra được văn bản cuối cùng , chắc là lại có khúc mắc gì đó.
Trở lại ba việc đã nhé. Việc đầu tiên là kéo dài Kyoto thêm 5 năm, tức là có giai đoạn hai. Thế thì hoành tráng quá, nhưng thấy ai cũng lắc đầu.
- Nghe nói vậy, mấy vị khách ở hai bàn bên xin phép ghép bàn để cùng thảo luận. Và họ hiểu hơn về vấn đề rắc rối biến đổi khí hậu. Ai cũng lo.
- Người dân thường bây giờ hiểu hơn, càng lo lắng hơn.
- Té ra , kéo dài 5 năm Kyoto nhưng không cam kết, ràng buộc gì về cắt giảm phát thải khí nhà kính cả, vì còn bận tranh cãi về trách nhiệm. Thế là kéo dài mà như không, kéo dài chỉ để cho Ban thư ký có kinh phí hoạt động để bàn thảo một văn bản khác. Đấy là văn bản sẽ có hiệu lực sau mười năm nữa. Việc thứ hai là lộ trình 10 năm đấy, hãy đợi đấy!
- Mọi người dồn dập hỏi về Quỹ Xanh 100 tỷ đô la mỗi năm. Là nói vậy thôi, ai đóng, cách thức xin sỏ như thế nào. Nói có trời biết cũng không ngoa, thực tế Quỹ Môi trường toàn cầu là nhãn tiền. Cũng lại “Đợi đây”, xem bao giờ có và có được bao nhiêu. Và quan trong hơn là chi tiêu thế nào?
- Cả chục người đều trầm ngâm, Cà phê nguội. Cái rét như ngấm sâu hơn vào người. Chủ quán bật máy tính, gõ vào COP 17, hàng loạt tít bài hiện ra. Một cô tre trẻ nhanh mắt đọc lướt mấy hàng tít in đậm:
- Những quyết định từ COP 17 tạo nên một tội ác.
- Một tội ác trên quy mô toàn cầu.
- Chế độ phân biệt chủng tộc về biến đổi khí hậu.
- Không có bất kỳ cam kết giảm phát thải CO2 nào .
- Không thể đẩy lùi thảm họa.
- Vẫn chưa khai thông được bế tắc.
- Hồi kết không mong đợi.
- Thêm một lần lỡ hẹn.
- Cái chết được báo trước.
Nhiều người nhìn mặt nước lăn tăn gợn sóng. Mà lo cho sức khỏe cụ Rùa Hồ Gươm những ngày lạnh giá này. Nghe nói cụ nhoai lên bờ quá nhiều, chắc có vấn đề gì rồi. Bỗng chủ quán xin phép được đọc lại mấy câu thơ trong bài Kyoto tản mạn được đăng trên Web của Hội từ mấy ngày trước khi COP 17 bế mạc. Nghe mang máng thế nhưng tay này cũng xuyên tác chứ không nguyên văn đâu;
Hỡi ơi:
Hứa hão nói suông
Trời càng đầy bụi
Quẩn quanh đổ lỗi
Xúy xóa cả làng
Họ phán rằng:
Có đói cũng chưa thể chết nhanh
Có ngập cũng chỉ tầm ngang cổ
Mất vài triệu loài là chuyện nhỏ
Dăm tỷ người khốn khổ đâu to
Cố chờ Mười năm đừng lo
Điều gì phải đến sẽ đến
Cái Quỹ Xanh ta đã thò
Trăm tỷ đô vui ối chuyện
Vậy có thơ rằng:
COP đến rồi COP lại đi
Ống khói cứ nhả băng thì cứ tan
Nước dâng ngập phố ngập làng
Dân nghèo ngơ ngác biết đàng nào chui
Gấu trắng cánh cụt hỡi ôi
Kỷ băng hà đến thì đời đã tiêu
COP còn khối COP còn nhiều
Chẳng ai nói gì, khách lẳng lặng rời quán. Chủ quán nhìn theo, cũng chẳng buồn chào tiễn biệt như mọi khi./.
Quán cà phê môi trường 15/12/2011