Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Đây cũng là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ở nước ta, cộng đồng dân cư đều nằm trong tổ chức của mình là Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội hoặc xã hội nghề nghiệp như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… từ Trung Ương đến cơ sở là thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường. Chính vì vậy, đẩy mạnh phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường chỉ đạt hiệu quả cao khi được thông qua sự vận động, tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức mà cộng đồng, mỗi người dân tham gia.
|
Nhiều em nhỏ đã sớm có ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa |
Hiện nay, một số địa phương ở nước ta đã có một số mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng và đạt được hiệu quả tích cực. Đó là các mô hình cam kết bảo vệ môi trường, tổ chức tự quản xử lý ô nhiễm môi trường, lồng ghép xoá đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường, các phong trào tình nguyện và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp… Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên…) đóng một vai trò quan trọng. Các thành phố, thị trấn, thị tứ đã xuất hiện các phong trào tự chủ, tự quản giải quyết các vấn đề môi trường, phổ biến với hình thức là hợp tác xã dịch vụ môi trường, nước sạch, vệ sinh môi trường đã và đang hoạt động có hiệu quả.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, các cấp các ngành nên quan tâm thực hiện một số biện pháp sau:
- Đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường để tiến tới xây dựng chuẩn mực đạo đức cao đẹp, có những phong tục đẹp về hành động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên trong đời sống hàng ngày. Thông qua các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo in, pano, áp phích, tờ gấp, tranh cổ động... cùng với các hoạt động tuyên tuyền khác như biểu diễn văn nghệ, hội thảo, triển lãm... để chuyển tải thông tin, thông điệp môi trường tới các nhóm đối tượng khác nhau. Hình thức tổ chức nâng cao nhận thức cộng đồng cần đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cộng đồng như thông qua các cuộc trao đổi, thảo luận chính thức hoặc không chính thức, lôi kéo cộng đồng tham gia vào những sự kiện như ngày Môi trường thế giới 5/6, ngày làm cho thế giới sạch hơn, giờ Trái đất… để từ đó lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong bảo vệ môi trường, tạo cơ hội khuyến khích cộng đồng phát huy các sáng kiến, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là ở cơ sở.
|
Bảo vệ môi trường rất cần sự tham gia của tất cả người dân. Ảnh minh họa |
- Xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường gắn với từng đối tượng cụ thể.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ cần bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhận thức và từng bước làm chuyển biến về hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ tự giác tham gia bảo vệ môi trường. Xây dựng và nhân rộng các phong trào, mô hình phù hợp, thiết thực và hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường như: phong trào “Vì môi trường trong sạch, không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” , mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản; nhóm liên gia tự quản, cầu thang, số nhà, khu phố, xóm, cụm dân cư tự quản; phân loại, xử lý rác thải tại gia đình; câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” ở các phường, xã, thị trấn...
- Hội Nông dân cần tổ chức các lớp truyền thông về vệ sinh môi trường, luật bảo vệ môi trường, quản lý môi trường nông thôn, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, sử dụng nguồn nước sạch cho cán bộ, hội viên nông dân. Phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản, phát động hội viên nông dân thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải, khơi thông cống rãnh quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố vào thứ 7 hàng tuần, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”. Triển khai thực hiện các mô hình như: mô hình xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và làng nghề; mô hình thu gom, phân loại, chế biến rác thải tại khu vực sinh sống; phát triển các mô hình hầm ủ khí sinh biogas…
- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom rác trên các địa bàn sinh sống; chiến dịch “Nghĩ xanh - sống xanh” kêu gọi xây dựng ý thức công dân về bảo vệ môi trường; xây dựng các đội tình nguyện thanh niên bảo vệ môi trường và tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường như câu lạc bộ xe đạp vì môi trường.
Ngoài ra, chúng ta cần phát huy vai trò của các nhóm hoạt động tình nguyện môi trường như học sinh, sinh viên, cán bộ, những người về hưu, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, các phường, xã... với nhiều hoạt động phong phú như dọn rác thải, trồng cây xanh, “sống xanh”, “tiêu dùng xanh”...
Hàn Duyên Hiếu
(Vnexpress)