Cộng đồng chờ mong những ý kiến đóng góp cụ thể của Hội BVTN&MT Việt Nam được bổ sung vào Luật Bảo vệ Môi trường
(VACNE, 28/5) - Gần đây, Văn phòng Hội BVTN&MT Việt Nam liên tục nhận được những đóng góp của các học giả, các nhà hoạt động môi trường và nhân dân, bày tỏ sự đồng thuận với những đóng góp cụ thể của TS. Nguyễn Ngọc Sinh,cách đây một tháng với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Website của VACNE xin trân trọng đăng tải những ý kiến này.
Góp ý kiến Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi
(Bản Dự thảo xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội)
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) xin đóng góp, một số ý kiến sau đây về Luật BVMT sửa đổi, bản “Dự thảo gửixin ý kiến các Đoàn ĐBQH” gồm 186 điều trong 53 trang.
I. Về ưu điểm
Bản Dự thảo Luật BVMT lần này đã đề cập khá đầy đủ đến các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung. Bản Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có những ý kiến của VACNE. Cách trình bày nhìn chung là hợp lý, văn phong tương đối phù hợp.
II. Về những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh và làm rõ
1. Bổ sung và điều chỉnh các nội dung thiết thực, không né tránh liên quan đến việc nhập khẩu “phế liệu”
“Phế liệu” là khái niệm thuần Việt, phát sinh trong quá trình thực thi Luật BVMT năm 1993 khi Luật này cấm xuất nhập khẩu chất thải dưới bất kỳ hình thức nào. “Phế liệu” thực chất là chất thải 100%.
Ở phạm vi toàn cầu, Công ước Bazel và Công ước Stockholm (Công ước POPs) quy định việc quản lý nghiêm ngặt các chất thải nguy hại và các chất thải chứa các chất hữu cơ khó phân hủy hoặc có nguy cơ sản sinh ra các chất hữu cơ khó phân hủy khi xuất nhập khẩu. Điều 71 của Hiệp định Thương mại Quốc tế quy định rõ việc phải kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu vào các nước, và rằng việc này phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu, phải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường, về an toàn và các quy định quốc tế liên quan. Hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành các quy định rất nghiêm ngặt, rất cụ thể đối với các loại chất thải (“phế liệu”) nhập khẩu, đặc biệt là thuộc nhóm kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa.
Ở nước ta, việc nhập khẩu “phế liệu” thời gian qua đã để lại những hậu quả rất xấu về mặt môi trường. Nếu mỗi năm ta lại cho nhập khoảng 3-4 triệu tấn “phế liệu” ngay cả khi “hàng rào kỹ thuật” nghiêm ngặt của ta chỉ cho phép có tử 5 đến 10% tạp chất, thì ai và bằng cách nào có thể đánh giá được tính nguy hại của khoảng 200.000 – 300.000 tấn “phế liệu”/năm đó và 10% tạp chất là có vấn đề gì về mặt môi trường không, có phải là chất thải nguy hại hay POP không?
Rất tiếc rằng, Dự thảo Luật lần này chưa giải quyết được thỏa đáng vấn đề phức tạp đó, nhưng không phải là không có hướng xử lý. Theo VACNE, vấn đề cơ bản là phải thống nhất quan điểm hạn chế tối đa nếu không thể ngăn chặn được việc nhập chất thải trá hình dưới danh nghĩa “phế liệu”. Vì vậy, cần xem lại để bổ sung, điều chỉnh từ cách hiểu thuật ngữ “phế liệu” ( mục 16 Điều 3 ), các điều cấm (mục 9, 10 Điều 7), đến toàn bộ Điều 86 và các nội dung liên quan khác của Dự thảo.
2. Bổ sung việc cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ
Các Luật BVMT 1993 và 2005 đều ghi rất rõ ràng điều khoản cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ, nhưng Dự thảo lần này không đề cập. Nếu chủ trương không cấm nữa thì Hội chúng tôi phản đối và xin được trình bày vắn tắt như sau: không nên coi đốt pháo là thuần phong mỹ tục cần được khôi phục; không nên cho rằng trình độ quản lý của ta đã lên cao tới mức có thể bắt các cơ sở chỉ được sản xuất hoặc nhập khẩu các loại pháo theo quy chuẩn quy định; cũng không nên cho rằng trình độ dân trí đã đủ để ý thức được tác hại của các tệ nạn do pháo gây ra,…
Vì vậy, chúng tôi cho rằng nên bổ sung hành vi cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ vào Dự thảo, có thể là vào ngay Điều 7 “Những hành vi bị nghiêm cấm”.
3. Bổ sung các nội dung cần thiết về “tranh chấp môi trường”
Tranh chấp môi trường có nhiều mức độ và hình thức khác nhau, từ bất đồng, mâu thuẫn đến tranh chấp, xung đột, từ nhỏ đến lớn, từ quốc gia đến xuyên quốc gia. Việc giải quyết tranh chấp môi trường không hề đơn giản. Rất nhiều nước đã ban hành luật riêng, đặc thù về xử lý tranh chấp môi trường. Úc và một số quốc gia khác đã thành lập Tòa án môi trường. Trong khi đó Dự thảo lần này vẫn chỉ có 1 điều (Đièu 178) về tranh chấp môi trường, về cơ bản không khác mấy so với Luật BVMT 2005.
Hội chúng tôi đề nghị cần bổ sung đầy đủ các nội dung cơ bản về xử lý tranh chấp môi trường, bảo đảm có thể thực thi trên thực tế vấn đề này, tránh tình trạng để ùn tắc khối lượng rất lớn các đơn từ khiếu tố về môi trường như hiện nay. Nếu không còn đủ thời gian, nên bổ sung vào Điều 178 nội dung giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc xử lý tranh chấp môi trường.
4. Điều chỉnh một số nội dung về ĐMC và ĐTM. nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định
Mặc dù đã có nhiều điều chỉnh về ĐMC và ĐTM, nhưng Dự thảo vẫn còn không ít nội dung cần được tiếp tục xem xét. Đáng nói nhất ở đây là Điều 23 “Điều kiện của tố chức thực hiện ĐTM”. Theo đó, Điều này đặt ra 2 “Giấy phép con” là thứ mà ta đang rất tránh, 1 cho cá nhân, 1 cho tổ chức thực hiện ĐTM. Các câu hỏi đặt ra là, có cần quy định các “điều kiện” tương tự cho người và tổ chức thực hiện ĐMC không? Tại sao chủ đầu tư phải “thuê’ thực hiện ĐMC và ĐTM khi bản thân họ có đủ thực lực làm được việc này? Điều kiện kỹ thuật để đo đạc và phân tích có nhất thiết là những điều kiện bắt buộc cho một công việc nghiên cứu trong khi các dịch vụ liên quan rất phát triển không?
VACNE cho rằng, việc thực hiện Báo cáo ĐMC, Báo cáo ĐTM là công việc của chủ đầu tư, chủ đề án, dự án. Luật cần quy định cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý các cấp kiện toàn quy chế thành lập và hoạt động của Hội đồng thẩm định các báo cáo này cũng như cơ chế bảo đảm thực hiện các kết luận của Hội đồng sau đó. Vì vậy, Dự thảo nên nghiên cứu điều chỉnh các nội dung liên quan, trước hết là Điều 23.
5. Điều chỉnh yếu tố “ hồi tố “ trong Dự thảo
VACNE đã nhiều lần nói về sự cần thiết phải đưa yếu tố “hồi tố” vào trong luật sửa đổi lần này. Luật BVMT năm 1993 đã nêu rất rõ ràng trong 1 điều. Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính giáo dục, răn đe, vừa góp phần giải quyết việc tính toán xử lý tranh chấp đền bù khi có tranh chấp, xung đột. Việc này còn liên quan cả đến những tồn tại lịch sử, chưa được giải quyết. Rất tiếc rằng, như chúng tôi thấy, Dự thảo lần này chỉ có mục 3 trong Điều 179 nói về “Thời hiệu khởi kiện”, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu.
Hội chúng tôi kiến nghị nên xem xét toàn diện vấn đề này để đưa vào trong Luật yếu tố “hồi tố”. Cách thể hiện tốt nhất về yếu tố này là làm theo Luật BVMT năm 1993, đưa thẳng vào Chương XX “Điều khoản thi hành” của Dự thảo.
6. Điều chỉnh các nội dung liên quan cộng đồng của chương XV
Việc Dự thảo lần này có riêng chương XV về cộng đồng là thành công đáng kể. Tuy nhiên, các nội dung nêu trong chương còn sơ sài, rất khó thực hiện trên thực tế. Chẳng hạn khi nói về quyền của cộng đồng (Điều 162), Dự thảo lại nói về quyền của Đại diện cộng đồng, mà không có giải thích nào về Đại diện. Tại mục 2 Điều 160, Dự thảo viết “Các cơ quan quản lý các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện…”, nhưng ngay trong Điều 163 của Dự thảo về ngân sách lại không thấy có khoản nào chi cho cộng đồng.
Việc điều chỉnh các nội dung này không đơn giản, vì vậy, có thể lại phải bổ sung vào Điều 161 nội dung giao Chính phủ ban hành Nghị định về cộng đồng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, có thể gắn cả với nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều Hội viên VACNE.
7. Xem lại tính hợp lý của các điều khoản sau:
- Điều 49 (“Quyền và trách nhiệm của cộng đồng với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”) không cần và nếu cần thì không nên đặt ở chương IV này.
- Điều 125 (“An toàn sinh học”) có cần thiết không? Có lẽ không cần nêu vì làm hỏng bố cục của Dự thảo.Vấn đề này đã được đề cập ở Luật Đa dạng sinh học.
-Cần đổi tên của mục 3 trong chương XIII cho phù hợp với nội dung. Tên đúng phải là “Báo cáo công tác bảo vệ môi trường và Báo cáo hiện trạng môi trường”.
III. Kết luận
Hội BVTN&MT Việt Nam rất hoan nghênh nỗ lực chỉnh sửa bổ sung Luật BVMT 2005. Rất mong những ý kiến đóng góp của Hội lần này tiếp tục được tiếp thu.
Sau khi Luật được Quốc hội thông qua và Chủ tịch Nước ký lệnh ban hành, Hội chúng tôi sẵn sàng phối hợp xây dựng các văn bản dưới luật liên quan.