Ngoài vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh, Cô Tô được biết đến nhiều hơn bởi vẻ đẹp hiền hòa của những bãi biển trong xanh, cát trắng trải dài, rừng cây nguyên sinh cùng nhiều sản vật quý hiếm.
Năm 2013, Cô Tô được đầu tư điện lưới quốc gia (khoảng 1.107 tỉ đồng) và nhờ đó phần nào thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, du lịch cho vùng biển được mệnh danh là đảo ngọc khu vực phía Bắc.
Đẩy mạnh du lịch biển đảo…
Nằm ở phía đông của huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô có diện tích 47,3 km2 và số dân sinh sống chỉ có gần 5 nghìn người. Hiện Cô Tô đang là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch, đặc biệt thích hợp cho những người ưa thích sự khám phá vùng đất còn khá mới mẻ, hoang sơ. Để có thể đặt chân đến Cô Tô, du khách xuất phát từ cảng Cái Rồng - Vân Đồn bằng tàu cao tốc hoặc tàu gỗ.
Đón và đưa du khách về khách sạn là những chiếc taxi điện (đây cũng là một cách để bảo vệ môi trường mà chính quyền địa phương khuyến khích thay cho ôtô và xe máy) chạy trên các tuyến đường xuyên đảo 100% được bê tông hóa khiến việc đi lại khá thuận tiện. Không có nhiều dịch vụ tiện nghi, khách sạn đạt chuẩn đếm chưa quá 10 đầu ngón tay, tuy nhiên sự yên bình, thanh vắng và thái độ niềm nở, mến khách của người dân nơi đây cũng đủ níu chân du khách thoải mái lưu lại vài ngày nghỉ dưỡng.
Bên cạnh tiếng sóng vỗ rì rào cùng những cơn gió có vị mặn chát của biển, một khu chợ ẩm thực đêm bày bán đa dạng các loại hải sản đặc trưng giúp thực khách dễ dàng lựa chọn và thưởng thức ngay tại chỗ. Buổi tối du khách có thể đi dạo dọc theo bờ biển hay thả bộ trên con đường lát gạch đỏ mang tên “Đường tình yêu” với rặng phi lao trải dài hơn 2 cây số.
Được biết, để bảo vệ khu rừng nguyên sinh không bị chặt phá, hàng năm huyện đảo hỗ trợ hàng tỉ đồng từ ngân sách bù cước vận chuyển than để người dân có thể sử dụng, giảm tránh tình trạng cưa cây, đốn củi đun nấu là một cách làm thiết thực của đảo Cô Tô.
Thêm một điều khiến du khách hài lòng khi dạo chơi đêm muộn tại Cô Tô là sự yên tâm hoàn toàn về độ an toàn cũng như không có bóng dáng thanh niên càn quấy và trẻ em, người già lang thang, ăn xin đeo bám khách du lịch.
Dĩ nhiên không thể không kể đến những bãi biển sạch, trong vắt của quần đảo Cô Tô, được đánh giá đẹp nhất là hai bãi biển: Vạn Chảy (nằm ở phía Tây đảo) và Hồng Vàn (phía Đông đảo). Bãi cát trắng mịn, hoang vắng, ẩn hiện đâu đó trong làn mây là dãy núi hùng vĩ mờ ảo chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách khi trở về.
Ngoài ra, đảo Cô Tô con (đi thêm khoảng 1 tiếng tàu) cũng là điểm đến không thể thiếu trong lộ trình của du khách. Nước biển xanh êm đềm, không có những ồn ào và các hoạt động kinh doanh dàn trải trên bãi biển giúp du khách có thể thư giãn tận hưởng không khí thanh bình yên ả, lặn ngắm san hô và sinh vật quý hiếm dưới đáy biển.
Một số mẫu sản phẩm du lịch đang được người dân nơi đây triển khai và tạo sự quy mô chuyên nghiệp như: một ngày trải nghiệm cùng người dân; tập làm “chiến sĩ” trong quân đội trên đảo Cô Tô con hay ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển đảo từ ngọn hải đăng; chụp ảnh kỷ niệm bên bãi đá Cầu Mỵ và bãi đá pealitm - một quần thể kiến tạo tự nhiên với các vách đá có màu sắc bắt mắt v.v…
… và 2,5 tiếng làm “thuyền nhân”
Cùng với nỗ lực của địa phương, huyện đảo Cô Tô có những thay đổi đáng kể, nhất là sự phát triển của dịch vụ du lịch. Năm 2012, Cô Tô đón hơn 35 nghìn lượt khách (tăng gấp 4 lần năm 2011) và 56 nghìn lượt vào năm 2013 với tổng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt trên 70 tỉ đồng, giúp đời sống người dân nơi đây được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống 0,79%.
Theo ông Dương Văn Đại – Phó chánh Văn phòng UBND huyện Cô Tô, tính từ tháng 5 và 6, Cô Tô đã đón khoảng 3 nghìn du khách, phần lớn là khách nội địa. Dự kiến đến năm 2015, hòn đảo ngọc sẽ đón trên 100 nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 120 – 150 tỉ đồng.
Tuy nhiên để đạt những mục tiêu đề ra, ông Dương Văn Đại cho rằng, Cô Tô còn hạn chế ở nhiều mặt. Trong đó các dịch vụ ăn ở, đi lại luôn nằm trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Dù có sự thay đổi và phát triển đồng đều theo từng năm nhưng số lượng 1.000 phòng nghỉ chưa đạt chuẩn 3 sao là điều rất khó đáp ứng được nhu cầu của du khách (nhất là khách quốc tế) vào mùa cao điểm. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ ăn uống quá tải vào các giờ ăn sáng - tối, cảnh tranh giành khách của xe ôm ở ngọn hải đăng hay giá phòng tăng chóng mặt theo từng tuần là điểm trừ khi đến với đảo Cô Tô.
Cô Tô là huyện đảo cách xa đất liền, để đến được hòn đảo ngọc, du khách có thể xuất phát từ bến cầu cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) và đi hơn 90 phút bằng tàu cao tốc. Đa phần tàu cao tốc đều mới, rộng rãi, lịch sự và dưới mỗi ghế ngồi đều chuẩn bị áo phao cứu hộ, số lượng khách trên tàu được kiểm soát chặt chẽ. Đi là thế, nhưng lúc về lại là một câu chuyện khác…
Việc mua vé quay trở về khiến nhiều người méo mặt vì không được đặt mua vé trước mà phải chờ đến sáng hôm về mới có vé để mua. Cảnh du khách mắc kẹt trên đảo khá thường xuyên khi luôn đặt ở trong “tình trạng” thông báo… hết vé. Ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng Phòng du lịch nội địa Công ty LCCtravel rất bức xúc, nói: “Lần nào công ty tôi mua vé cho khách về cũng như một cuộc chiến.
Mua vé mà phải nhờ cậy, gọi “trợ giúp” thì làm sao du lịch có thể phát triển? Điều đáng nói nhất là không có sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ với công ty du lịch. Cơ quan chức năng Cô Tô không có những biện pháp xử lý mạnh, can thiệp kịp thời trước những vấn đề này…”.
Công ty du lịch này thường đặt vé tàu cao tốc Vân Đồn – Cô Tô của Cty Mạnh Quang và Phúc Thịnh, chiều đi là 200 nghìn đồng/người, chiều về là 250 nghìn/người. Và hiện nay mới chỉ có 7 tàu cao tốc 70 – 130 chỗ của huyện và 3 doanh nghiệp tham gia vận chuyển du khách. Trường hợp không mua được vé tàu cao tốc, nhiều công ty du lịch buộc phải sử dụng giải pháp “phụ” là mua vé tàu gỗ.
Tàu khách gỗ ngoài băng ghế áp sát hai bên thành tàu, dưới sàn được trải mấy tấm chiếu và tất nhiên, dồn được càng nhiều khách thì càng có lợi cho nhà thuyền. Ước tính, một thuyền gỗ không dưới con số 60 người chưa kể trước khi tàu khởi hành, một nhóm cửu vạn khuân xuống nhiều bịch hàng lớn chứa đầy sò, ngao…
Sự lo lắng, mệt mỏi tỏ rõ trên khuôn mặt từng du khách và cũng dễ dàng thấy được những ánh mắt kiếm tìm chiếc áo phao cứu hộ. Hơn 2 tiếng rưỡi bất đắc dĩ làm “thuyền nhân” lênh đênh trên mặt biển, trẻ con, người già, thanh niên nằm ngồi la liệt bên trong thuyền giữa trưa hè tháng 6 nắng gắt, chiếc tàu cập bến đi kèm với đó là những tiếng thở phào nhẹ nhõm của du khách.
Trước những bất cập trên, ông Dương Văn Đại thừa nhận, các dịch vụ Cô Tô vẫn còn manh mún, tự phát dẫn đến chất lượng thấp, sự liên kết cũng như hợp tác phát triển giữa các bên chưa thật sự hiệu quả. Vì kinh doanh du lịch theo mùa ngắn, nên sự đầu tư về vật chất của người dân còn ở mức nhỏ bé.
Sắp tới, huyện đảo Cô Tô có thêm một số chính sách hỗ trợ người dân bằng cách cho vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chủ thuyền đóng thêm tàu cao tốc, phát triển kinh doanh xe bus để giúp việc đón khách thuận tiện hơn. Ông Đại cũng hy vọng, tỉnh Quảng Ninh sẽ quan tâm và hỗ trợ trong việc cải thiện giao thông thủy, bộ và đặc biệt là nâng cấp hệ thống cảng bến nhằm đáp ứng việc di chuyển của khách du lịch đến với huyện đảo Cô Tô.
Theo Mai Châu (Lao Động)