(VACNE) - Cố GS.TS.NGND Mai Đình Yên được mệnh danh là “Nhà ngư học” của Việt Nam với rất nhiều công trình nghiên cứu về loài cá. Cố GS là Ủy viên Ban Chấp hành VACNE trong nhiều nhiệm kỳ, thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động của Hội, nhất là trong các cuộc hội thảo, tọa đàm.
Còn nhớ, có lần mời cố GS đi thả cá “phóng sinh” ở chùa Hương, cố GS lựa chọn rất kỹ từng loài cá, từng con cá và nhẹ nhàng thả từng con một. Khi mời cố GS lên nhận Bằng khen về bảo tồn đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Hội, cố GS còn cẩn thân hỏi lại xem có được thay mặt không. Làm tiếp công việc Chủ nhiệm đề tài “Sinh vật ngoại lai” trên địa bàn Hà Nội do cố PGS TS Phạm Bình Quyền để lại, cố GS đã lãnh đạo anh chị em trong Hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, vừa góp phần hưởng ứng kỷ niệm “Nghìn năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội”, vừa đóng góp trực tiếp cho nguồn lực của Hội.
GS. Mai Đình Yên thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Hội về bảo tồn đa dạng sinh học
Nhớ đến cố GS Mai Đình Yên, người ta nhớ ngay tới cuốn “Sinh thái học động vật” viết năm 1968, mở đầu cho trào lưu tiếp cận những kiến thức về động vật của các nhà khoa học trên thế giới cùng với hàng loạt các cuốn khác của cố GS như “Ngư loại học đại dương”; “Cơ sở khoa học môi trường”; “Cơ sở sinh thái học”; “Cơ sở sinh lý thái cá”; “Định loại các loài cá nước ngọt Việt Nam”...
Tham dự các hội thảo khoa học, cố GS luôn đưa ra những ý kiến khoa học, thẳng thắn, kể cả dối với những vấn đề nhậy cảm.
Ví dụ, với việc làm sạch nước sông Tô Lịch, cố GS cho rằng, làm sạch nước sông Tô Lịch là nguyện vọng cấp thiết, là nguyện vọng tha thiết của người dân Việt Nam. Nhưng làm sạch nước sông Tô Lịch bằng việc bổ trợ nước từ sông Hồng làm tăng dòng chảy phải được xem xét một cách thận trọng. Cố GS cho rằng, xử lý sông Tô Lịch phải rách riêng hồ Tây vì chúng có lưu vực, dòng chảy và chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, hồ Tây là nơi đa dạng sinh học của khu vực đồng bằng Bắc Bộ được Thủ tướng phê duyệt là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp Quốc gia. Nếu dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch thì phải trả lời được câu hỏi: nước từ sông Hồng chảy vào sông Tô Lịch rồi sẽ đi đâu? Sông Tô Lịch thực chất là con sông chết không tự lọc sạch được, đồng thời khu vực sông ở Hà Nam (sông Đáy) phía hạ lưu cũng bắt đầu ô nhiễm. “Phải xây dựng hệ thống đường ống nước thải ở hai bên sông Tô Lịch, rồi đưa nước về nhà máy xử lý nước thải, lọc sạch thì mới xả tiếp xuống khu vực phía dưới…”.
GS. Mai Đình Yên phát biểu tại Hội thảo do VACNE tổ chức