Đó là một số trong rất nhiều những cam kết xanh của các tình nguyện viên Câu lạc bộ Đạp xe vì Môi trường C4E đưa ra trong Chương trình đối thoại trẻ tháng 10 của CLB với chủ đề tìm hiểu về “Sản phẩm thân thiện với môi trường”. Chủ trì buổi thảo luận này là bạn Vũ Xen, tác giả của đề án “Thúc đẩy tiêu dùng Sản phẩm thân thiện với môi trường trong giới trẻ” – đề án đoạt giải trong Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Hoạt động đối thoại này nhằm tăng cường nhận thức của các bạn trẻ về sản phẩm sinh thái và phân loại rác tại nguồn. Xuyến, một thành viên CLB cho biết, tại Nhật, chất thải được phân thành nhiều loại, ít nhất là 6 và nhiều nhất là 10 loại. Chất thải được tận dụng để tái chế, tái sử dụng tối đa nhằm giảm lượng chất thải đem đi chôn lấp. Tỷ lệ chôn lấp rất thấp, chỉ khoảng 10%.
Việc phân loại chất thải tại Việt Nam mới chỉ tiến hành trên 4 quận nội thành của thành phố Hà Nội và chuẩn bị được mở rộng ra toàn thành phố. Các hộ gia đình được phát 2 thùng với 2 màu là vàng và xanh lá cây. Rác được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ được đựng trong thùng màu xanh lá cây, rác vô cơ đựng trong thùng màu vàng và rác tái chế được người dân tận dụng để bán. Người dân sẽ mang thùng chứa rác của mình đổ vào 2 thùng cùng màu theo khung giờ quy định. Sau khung giờ đó thùng rác sẽ được vận chuyển đến địa điểm tập kết rác. Rác hữu cơ được thu gom và vận chuyển tới nhà máy sản xuất phân lân Cầu Diễn để sản xuất phân compost. Rác vô cơ được vận chuyển tới bãi chôn lấp Nam Sơn để chôn lấp. Hiện nay, các nước phát triển đang đầu tư vào Việt Nam theo cơ chế phát triển sạch. Theo đó, khí thải từ bãi rác được thu hồi và sản xuất điện đồng thời bán chứng chỉ CER cho các nước phát thải nhiều khí CO2.
Việc giáo dục ý thức, theo các bạn trẻ không chỉ dựa vào tuyên truyền mà còn cần có công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng sản phẩm. Với câu hỏi: “Theo bạn, thuế môi trường nên đánh vào nhà sản xuất hay người tiêu dùng?”, nhiều ý kiến cho là cần đánh thuế cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đánh thuế môi trường vào nhà sản xuất để khuyến khích những doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đánh thuế vào người tiêu dùng để họ hạn chế tiêu thụ những sản phẩm không tốt cho môi trường. Tuy nhiên việc đánh thuế phải tùy thuộc vào từng ngành hàng, với những đồ nhu yếu phẩm, mức thuế áp dụng sẽ khác với ngành điện tử hoặc đồ mỹ phẩm…
Cũng có ý kiến cho rằng, nên đánh thuế vào người tiêu dùng để họ thấy được việc tiêu dùng sản phẩm của họ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Phải bỏ ra một khoản tiền như vậy sẽ thúc đẩy họ lựa chọn sử dụng các sản phẩm có dán nhãn sinh thái. Cùng với việc đánh thuế phải truyền thông để người tiêu dùng thấy được quyền và lợi ích mà họ có được khi sử dụng sản phẩm có dán nhãn sinh thái. Với nhà sản xuất, phải có hỗ trợ, giảm thuế đầu vào đối với những sản phẩm xanh để không làm chênh lệch giá cũng như giúp họ thay đổi công nghệ.
Tại buổi đối thoại, các ý tưởng về nhà hàng xanh, ăn chay bảo vệ môi trường hay tạo ra một loại vải đa chức năng đã được tình nguyên viên đưa ra.
Buổi đối thoại này là một trong chuỗi các hoạt động, các buổi tọa đàm mà đề án “Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường” đang thực hiện tại các trường THPT, ĐH, các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bạn trẻ nào cũng có thể tham gia những buổi đối thoại như vậy và tìm hiểu qua website nhansinhthai.com hoặc liên lạc với bạn Vũ Xen, email: xenvu87@gmail.com để đăng kí.
(Monre , 3/11/2010)