quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Chuyện xưa

Thứ Sáu, 06/01/2012 | 06:23:00 PM

Ngày trước, ở thế hệ chúng tôi, sách rất ít, cho nên đọc được gì thì như in vào lòng, nhớ suốt đời, nhất là những chuyện về danh nhân trong các sách giáo khoa bậc tiểu học. Chuyện ông Démosthène mà tôi kể sau đây cứ ám ảnh tôi, bây giờ còn hơn xưa.

 

Cao Huy Thuần

.

 

Démosthène là nhà hùng biện tài ba nhất trong lịch sử Hy Lạp cổ đại. Hùng biện là thế nào, có ích lợi gì trong xã hội của tôi, thú thực lúc nhỏ tôi không biết, nên không quan tâm. Nhưng cách ông Démosthène luyện tập để thành tài thì kích thích trí tưởng tượng của tôi đến tột độ.

Ông sinh ra bản chất ốm yếu, nhút nhát, lại mắc chứng cà lăm, nói năng lắp bắp. Vậy mà tiểu quốc Athènes, tổ quốc của ông, lại là xứ sở của dân chủ, trong đó lời nói là tinh hoa, tranh luận là nền móng. Ôm hoài bão phục vụ tổ quốc, ông phải biết nói, trước hết là phải thắng cái tật cà lăm. Rồi phải nói cho lớn, cho hay, đánh bạt các tay hùng biện khác. Làm sao?

Làm sao luyện cái lưỡi để đừng lắp bắp? Ông ngậm sỏi trong miệng. Làm sao nói lớn? Ông nói trước sóng biển. Hàng ngày, ông cứ như thế, ngậm sỏi diễn thuyết trước ầm ầm tiếng sóng. Nói lớn, hơi thở phải dài. Hơi thở dài thì ngực phải căng.

Làm sao căng ngực? Ông ngày ngày tập chạy lên dốc, vừa chạy vừa đọc thật to, đọc thuộc lòng, những đoạn văn dài. Chừng đó đã đủ làm tôi phục sát đất. Không cần kể thêm chi tiết này: ông tự giam mình suốt hai ba tháng trong hầm nhà để diễn thuyết một mình như thử nói trước công chúng. Và để khỏi phải đi ra ngoài, ông húi trọc một nửa đầu, như hề.

Tập nói đi đôi với tập viết. Lúc đầu, nói chưa được, ông viết thuê cho các tay hùng biện. Cách ông tập viết cũng ly kỳ. Ông chép tay tám lần cả quyển sử trứ danh của sử gia Thucydide để đọc thuộc lòng không vấp một chữ trọn tác phẩm “Lịch sử chiến tranh ở Péloponnèse”. Văn chương, triết lý, quân sự, chiến lược... tất cả tinh hoa của Hy Lạp nằm cả trong ấy. Sau này, các đối thủ của ông mỉa mai: “Văn chương của Démosthène hôi mùi bấc của đèn”. Vì đêm nào ông cũng thức đến khuya!

Ông Démosthène lúc nhỏ của tôi là như vậy. Một tấm gương bền chí mà sách giáo khoa giáo dục cho chúng tôi. Lờ mờ, tôi hiểu thêm: nghịch cảnh là cái lò rèn luyện nhân tài. Nhiều vĩ nhân mà tôi được biết, trong mọi lĩnh vực, đã xuất thân như thế, đã bắt đầu bằng chiến thắng những trở ngại bẩm sinh. Vượt qua được chính mình thì mới vượt qua được thiên hạ, chúng tôi được giáo dục như thế.

Những vết thương lúc thiếu thời, vật chất hoặc tinh thần, lắm khi là động lực làm bật ra mầm mống thiên tài ẩn khuất đâu đó ở bên trong. Lớn lên thêm nữa, tôi lại biết thêm: với các dân tộc cũng vậy, chính nhờ sinh ra trong nghịch cảnh mà phát triển được khả năng sinh tồn, để mạnh, để bất khuất. Nghịch cảnh có thể là sa mạc thiếu nước. Có thể là đất đai thiếu tài nguyên. Có thể là sống bên cạnh đại quốc. Như Việt Nam của chúng ta!

Trở lại với nhân vật của tôi, bây giờ là ông Démosthène của tuổi già. Ngày xưa, ông dạy tôi bền chí. Bây giờ, ông để lại một tấm gương yêu nước, bất khuất.

Hùng biện đâu phải là mục đích của ông? Đó chỉ là phương tiện. Ông phải hùng biện để bảo vệ tự do, độc lập cho xứ sở của ông, để giữ vững nền dân chủ đặc biệt của Athènes, có một không hai trong lịch sử. Cả cuộc đời của ông, ông hiến tặng cho cuộc chiến đấu, bằng hiệu triệu, bằng ngoại giao, bằng khí giới, chống lại mưu đồ bành trướng của nước láng giềng Macédoine hùng mạnh. Vua Philippe của nước ấy là kẻ thù của ông.

Dân chúng Athènes thờ ơ trước mộng bá quyền của Philippe? Ông hiệu triệu, ông động viên, ông thức dậy. Các nước lân bang thù nghịch lẫn nhau, quên mất hiểm họa chung? Ông bôn ba đề nghị một thế liên hoàn. Ngay cả với Thèbes, vốn thù nghịch từ lâu, ông thuyết phục liên minh. Ông lập chương trình cải tổ tài chính, tăng cường hạm đội, xây dựng thành trì.

Trong suốt 14 năm, vua Philippe không tiến một bước nào mà không chạm vào mặt Démosthène. Bành trướng vừa lộ, Démosthène đã tố cáo trước nghị trường, với tài hùng biện, bây giờ không cần ngậm sỏi. Nhưng Philippe không vội: ông thôn tính từ từ các nước chung quanh, để dành Athènes làm món tráng miệng cuối cùng.

Bao giờ cũng vậy, đế quốc nào ở bên ngoài cũng có đồng minh ở bên trong. Démosthène chủ chiến thì Macédoine dựa trên phe chủ hòa mà lãnh tụ là Eschine, cũng là tay hùng biện khét tiếng. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Eschine là thủ lãnh của phe thân Macédoine, phe cầm quyền. Démosthène đứng ở thế đối lập.

Ngay từ khi Philippe để lộ tham vọng bá quyền, Eschine đã chủ trương nhân nhượng, cầu hòa. Ông thủ lãnh này bị thôi miên vì tài thao lược của Philippe và sức mạnh của Macédoine. Ông nghĩ: nước kia mạnh quá, như nước lũ, không đê điều nào ngăn lại được, chi bằng hòa hoãn để nương thân với đế vương ngày mai. Hai ông đem tài hùng biện ra bảo vệ quan điểm của mình, để lại cho hậu thế những bài diễn văn trác tuyệt. Hết sức thuyết phục, Démosthène tố cáo đối thủ đã che giấu không cho dân biết dã tâm của kẻ thù, để dân cứ ham vui, chọn hòa bình với bất cứ giá nào. Một dân tộc thờ ơ với chính trị, ông nói, là con mồi ngon của tham vọng đế quốc. Một người không biết bảo vệ của cải của mình thì không xứng đáng được giữ của trong tay.

Chuyện gì phải đến thì cứ lừng lững đến thôi. Khi vó ngựa của Philippe đã rầm rập ngoài cửa ngõ, Athènes mới liên minh với Thèbes để làm châu chấu đá xe. Xe Macédoine đè nát Thèbes, đập vỡ Athènes, tất cả các tiểu quốc Hy Lạp nằm trọn trong bụng Philippe. Ông đế vương này vừa có tài thao lược vừa có tài chính trị: chiến thắng xong, ông chỉ buộc Athènes gia nhập một liên hiệp, một thứ cộng đồng các quốc gia đặt dưới quyền ông. Tất nhiên, người lãnh vai trò điều đình với Philippe là Eschine.

Démosthène cố quật khởi lên hai lần. Một lần khi Philippe chết, bị ám sát. Ông kêu gọi dân chúng vùng lên, thúc đẩy các tiểu quốc nổi dậy, cung cấp khí giới cho Thèbes. Nhưng người kế vị Philippe lại còn anh hùng hơn cha, nổi danh trong lịch sử với tên Alexandre đại đế. Đại đế dẹp yên khởi nghĩa, Démosthène lại lưu vong. Lần thứ hai, sau khi Alexandre chết, Démosthène được dân chúng gọi về, tiếp đón trong vinh quang. Ông lại liên minh, lại chiêu binh mãi mã, lại dàn trận. Trận vỡ, ông bị vây trong một đền thờ, tướng của Macédoine muốn dụ ông hàng để thu phục, ông cười.

Lịch sử ghi nhận tài ba của Démosthène như nhà hùng biện, như nhà chính trị, như nhà lãnh tụ. Riêng tôi, tôi cứ nhìn ông với mắt trẻ thơ ngày xưa, và dưới mắt trẻ thơ, tôi xem ông như một nhà giáo dục, giáo dục với cái nghĩa tinh khôi nhất, nghĩa là không phải dạy bằng chữ mà bằng chính con người của mình, cuộc đời của mình, ý chí của mình, đức hạnh của mình.

Ông dạy gì tôi bây giờ? Hãy yêu nước như một cục than hồng vùi dưới tro, tưởng tắt nhưng vẫn nóng bỏng, gặp gió là thành lửa. Đừng đem thành công hay thất bại mà luận anh hùng. Dân chúng Athènes có chính danh định phận ông như vậy đâu! Họ ghi khắc gì nơi tượng của ông? Một con người có đức tính, một con người bất khuất: “Démosthène, nếu ông có sức mạnh ngang tầm với thiên tài của ông, không bao giờ thần chiến tranh Macédoine khuất phục được Hy Lạp”.

Con người đó, đức tính đó, kẻ thù của ông cũng kính phục. Vua Phillipe nói gì về ông với tả hữu? “Nếu có người dân Athènes nào chọn quyền lợi của ta thay vì quyền lợi của tổ quốc họ, ta sẵn sàng ban cấp vàng bạc, nhưng chẳng bao giờ ta xem như bạn. Ngược lại, người nào đổ tức giận trên đầu ta vì tổ quốc của họ, ta tuyên chiến, ta tấn công như tấn công thành trì, hào lũy, nhưng ta kính phục đức hạnh, ta thèm khát hạnh phúc của xứ sở đã sinh ra được một công dân như thế... Khí giới, tàu bè của Athènes, ta xem như trò con trẻ. Đánh chác gì được bọn ấy, chỉ biết ăn nhậu, tiệc tùng, nhảy múa. Nếu chúng nó không có Démosthène, ta đã chiếm xứ sở của chúng như đã đè bẹp Thèbes và Thessalie: chỉ cần chút mưu chước, bạo lực, bất ngờ, tiền bạc là đủ”.

Cũng đừng tưởng con người ấy chết thì cục than hồng tắt. Vẫn cháy thành lửa! Khi viên tướng Macédoine dụ hàng không được và muốn bắt ông, ông nói: “Đừng động đến ta. Để ta lạy thần rồi ta sẽ theo ông”. Nhưng kín đáo, ông cho viên thuốc vào miệng, viên thuốc độc mà ông luôn mang theo bên mình để chết với tự do. Đứng dậy, lảo đảo, ông nói tiếp: “Ngươi đem cái xác này về cho chủ của ngươi, nhưng ngươi không đem được Démosthène”.

Ông chết, vẫn là nhà giáo dục. Ông dạy gì? Này, Macédoine, đừng tưởng Athènes chỉ là bọn đầu hàng!

Lượt xem: 1595

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE