quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Chuyện lạ ở Quảng Ngãi: Cứu cây đa hồn làng

Thứ Hai, 16/08/2010 | 01:27:00 PM

Bị quật ngã bật cả gốc trong cơn bão số 9, cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở làng Phú An suýt bị cưa làm củi để mở đường độc đạo lên hai huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi).

 

 

Thế nhưng, nhờ tấm lòng đối với “báu vật của làng”, chính quyền địa phương cùng dân làng Phú An đã chung sức, nỗ lực cứu cây đa hồi sinh, đâm chồi nảy lộc trở lại.

Cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở làng Phú An lúc chưa bị bão số 9 quật ngã - Ảnh do UBND huyện Trà Bồng cung cấp

Bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch UBND xã Trà Phú, huyện miền núi Trà Bồng - bồi hồi kể lại: cây đa bị bão quật ngã khiến hàng nghìn dân làng Phú An bàng hoàng, lo lắng vì họ xem cây đa này là biểu tượng sức mạnh, là điểm tựa của làng. Khi nghe tin ngành giao thông tỉnh quyết định cưa cây để thông đường sau bão thì chính quyền xã và dân làng quyết không cho.

Ngay từ sáng sớm, già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí và người dân làng Phú An đã đến trụ sở UBND xã Trà Phú đề nghị lãnh đạo xã bằng mọi giá phải cứu sống cây đa. Trước tình thế nan giải này, ông Nguyễn Xuân Bắc, phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, phải trực tiếp về xã trao đổi, bàn bạc cùng dân làng dựng lại cây đa.

Anh Bùi Quang Hùng, nhà ở gần gốc cây đa, cho biết: “Ông Bắc đề nghị vợ chồng tôi “hi sinh” nửa ngôi nhà phía trước để mở đường thông xe, chỉ có làm như thế mới bảo vệ được cây đa khỏi bị cưa xẻ. Nghĩ bao nhiêu năm qua nhờ tán cây đa mát rượi, vợ chồng tôi buôn bán thuận lợi mới có được cơ ngơi này nên vợ chồng tôi gật đầu cái rụp, thế là xe ủi tiến lên mở nhà thông đường, bảo toàn nguyên vẹn cho cây đa”.

Cây đa cổ thụ thoát khỏi phận làm củi trong gang tấc nhưng để cứu sống nó phải dựng nó đứng lên như cũ, mà việc này quả là gian nan. Bà con phải nhờ một công ty xây dựng trợ giúp hai xe cẩu hạng nặng đến hiện trường mới đưa được cây đa hơn 100 tấn này đứng dậy.

Huyện cũng đã trích ngân sách 40 triệu đồng thuê xe xúc và xe tải thay phiên nhau đào hố, chở cát về trồng lại cây đa, thuê thợ chuyên chăm sóc cây kiểng đển tỉa cành, tạo dáng và phun hóa chất vào bộ rễ trước khi dựng lên, trồng lại. Mặc từng đợt mưa to không ngớt sau bão, bà con vẫn túc trực tại hiện trường để cứu cây đa. Làm cật lực suốt từ 8g ngày hôm trước đến 1g sáng hôm sau thì việc trồng lại cây đa cổ thụ mới hoàn tất. Hàng nghìn người dân ở khắp huyện Trà Bồng đã về chứng kiến cảnh xe cơ giới nâng cây đa lên để trồng lại và vỗ tay vang dậy.

Ông Đào Ký, già làng thôn Phú An, kể: “Hơn 300 năm trước, chim trên rừng ăn quả đa rồi nhả hạt xuống bộng (giữa hai nhánh) cây gáo của làng. Sau đó, rễ của cây đa ăn dần làm chết cây gáo rồi buông bộ rễ xuống đất thành cây đa cổ thụ như ngày nay. Theo thông lệ của làng, hằng năm người dân tự nguyện góp gạo, tiền, heo, gà để làm giỗ cây đa như là ghi nhớ công đức của tổ tiên. Vào mỗi dịp giỗ cây đa, con cháu từ khắp mọi miền đất nước kéo về vui như hội. Cờ treo khắp làng, tiếng chiêng, trống vang lên rộn rã ngày đêm cầu mong dân làng bình an, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc.

Từ xa xưa, tổ tiên có truyền lại cho hậu sinh chúng tôi bài điếu trong mỗi dịp cúng cây đa: Mộc trụ thần quan. Hà bá thủy quan. Sơn lâm chúa xứ. Lý nhĩ tiên sinh. Trùm cả chi thần. Bạch hổ đại tướng quân... Đại ý những câu này có nghĩa là dân làng chúng tôi sùng bái cây đa cổ thụ như vị chúa tể của núi rừng - biểu tượng sức mạnh của làng Phú An”.

Bà Đoàn Thị Doãn cho biết thêm: “Trước đây, vào mỗi dịp thanh minh 16-3 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức ngày giỗ cây đa làng. Nhưng từ khi Nhà nước chọn ngày 10-3 âm lịch là ngày giỗ Tổ Hùng Vương nên xã, thôn đã thống nhất cùng người dân làng Phú An chọn ngày giỗ cây đa làng đúng vào ngày giỗ tổ. Năm nào làm ăn khá giả thì cả làng góp nhau thịt một con bò lớn”.

Còn ông Trần Văn Hợi, dù ngôi nhà ông bị cây đa ngã đè sập hoàn toàn nhưng ông vẫn cho rằng nhờ phước của cây đa mà gia đình ông thoát chết trong cơn bão số 9. Ông nói: “Bao nhiêu năm qua cây đa cổ thụ này đã tỏa bóng mát cho người đi đường. Dân làng chúng tôi rất đỗi tự hào vì đây là di sản của tổ tiên xưa để lại cho đời sau. Cây đa cổ thụ “chết đi, sống lại” đã gieo vào mỗi người dân chúng tôi niềm tin về sức sống mãnh liệt của hồn làng”.

Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thiên Tân đã huy động hai xe cẩu trục chuyên dụng hạng nặng mới dựng được cây đa cổ thụ nặng hơn 100 tấn đứng dậy theo phương thẳng đứng từ 8g ngày 9-10 đến 1g sáng 10-10

Cây đa cổ thụ đã đâm chồi, nảy lộc trở lại sau khi được dân làng cứu sống - Ảnh: Minh Thu

MINH THU

(Tuổi Trẻ, 13/12/2009)

Lượt xem: 3643

Các tin khác

Cây Rỏi mật đầu tiên ở nước ta được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/02/2025 06:19:PM)

Cây Gạo huyền thoại thôn Tân Mỹ – biểu tượng lịch sử và văn hóa được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 10:31:PM)

Cây Ruối khổng lồ của tỉnh Hải Dương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 09:57:PM)

Những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh Yên Bái được công nhận Cây Di sản Việt Nam mở đầu Lễ hội đầu Xuân

(16/02/2025 09:56:AM)

Cây Đa Đình Giải: biểu tượng xanh trường tồn nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam

(05/02/2025 03:50:PM)

Một số hình ảnh Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 11:29:AM)

Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 08:25:AM)

Những điều bí ẩn về cây đa hơn 200 tuổi ở Đắk Lắk

(04/02/2025 07:23:AM)

Cây trôi 800 tuổi ở Hà Tĩnh và cách ra hoa lạ thường đến khó tin

(01/02/2025 08:29:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE