Biết rằng chúng chỉ là một dãy hàng cây xanh, nhưng các cây này về khu nhà tôi ở từ khi chúng còn bé. Tôi nhìn chúng lớn dần qua năm tháng. Xuân, Hạ, Thu, Đông, sắc màu của chúng đều mang sắc thái riêng, mỗi ngày tôi đều nhìn thấy chúng - dần dần tôi như cảm nhận được sự biến hoá của chúng đến lạ kỳ.
Xuân qua, trong e ấp, cây nở từng chùm bông trắng nhỏ, cánh hoa giống như hoa mai, mỏng manh như đôi cánh thiên thần tí hon, chập chờn khe khẽ - quấn quýt như ban phép mầu cho bừng lên sức sống của vạn vật chung quanh, trong đó có tôi. Màu bông trắng nhỏ của chúng rất giản dị so với những cành hoa anh đào, cho nên rất ít người để ý đến sắc hoa của chúng. Tuy nhiên thân cây có dáng tròn đều, toàn cây trổ bông trước khi ra lá non và vì được trồng thành một hàng dài cho nên nhìn chúng rất đẹp.
Hạ về, những chiếc lá màu xanh đậm, lá của chúng khá cứng cho nên khi có làn gió Hè thổi qua cây, những chiếc lá đan vào nhau - xạc xào nghe thật êm tai - như lời bà ru tôi ngày xưa… Vào mùa Hạ, ngày Chủ nhật ánh nắng lên sớm, tôi hay thức sớm ra đứng dưới gốc cây này để gọi điện thoại về cho gia đình ở Việt Nam.
Thu đến, lá của chúng thay màu rất chậm, mỗi ngày tôi đi làm về đều nhìn màu của lá, tôi không thể nôn nao hối chúng mau thay màu áo, vì bởi tôi đã hiểu sự nhiệm mầu của lá vào mùa Thu rồi. Tuỳ theo ánh nắng của mùa Thu để chúng chọn cho mình tông màu áo. Điều đặc biệt là sự lựa chọn của chúng không như là các nàng Thu mà tôi thường diễn tả về các loại cây khác. Hàng cây này mang sắc màu của một đội binh kỵ sỹ thuộc thời vua chúa xa xưa ở Anh hay Pháp. Những chiếc lá rắn chắc mang màu vàng, màu đỏ huyết dụ, màu tím than... trông oai phong vô cùng. Giữa mùa Thu, khi tôi đi giữa hai hàng cây này, tôi rất thích vì bởi sự oai phong của chúng - làm tôi có cảm giác tôi là một công nương trong dòng quý tộc đang được hai hàng kỵ sỹ đứng đón chào. Một quý tộc về tinh thần - đó là sự biết quý trọng lẫn nhau giữa chúng và tôi.
Đông sang, khi chiếc lá cuối cùng khẽ tách rời thân cây, thật khẽ nhẹ nhàng như nụ hôn gió tạm chia tay nơi chốn bình yên, một nụ hôn đính ước hẹn ngày tái ngộ vào mùa Xuân tới. Bình minh lên muộn, gió lạnh kéo về làm những thân cây trơ trụi chuyển sang màu xanh đen, chúng như chuyển mình thành những con ngựa sắt. Những con ngựa thép gan lỳ, hiên ngang trong giá lạnh, thế đó - hình như trong chúng vẫn tiềm ẩn chứa chan một trái tim ấm áp. Chính vì thế cho nên thỉnh thoảng nàng tuyết - với tấm áo phất phơ, lả lướt từ trên trời rơi xuống - thích đáp tựa trên thân mình con ngựa sắt này. Nàng đẹp kiêu sa, kiêu sa cho đến nỗi nét đẹp đó nhìn thật giá băng, biết thế - nàng vẫn tự nhiên thoải mái khoe vẻ đẹp lạnh lùng của mình. Buổi sáng mùa Đông, mặt trời chiếu tia nắng xuống tà áo trắng đơn sơ của nàng - phản chiếu lên những giác góc lấp lánh, trông như nàng đang khoác một chiếc áo choàng bằng kim cương, cưỡi trên mình con ngựa sắt - trong một tư thế sẵn sàng phi ngựa vào chuyện phim thần thoại nào đó.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến "Những con mắt trần gian" của Trịnh Công Sơn, có một lời "... ta đi qua nửa đời ...". Có phải chăng tôi đang dung dăng trong nửa đời - chìm đắm trong hạnh phúc của đôi mắt trần gian qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông?
Cũng từ đôi mắt ấy tôi đã chứng kiến sức mạnh của bà mẹ thiên nhiên, vì bởi bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn còn nằm dưới quyền của bà. Trưa ngày 29/10/2011, một trận bão tuyết kéo đến, tuyết dày và nặng, thông thường ở thành phố này những trận bão tuyết như thế sớm lắm cũng phải đến cuối tháng 12 mới có. Nhưng vì cuối tháng 10 lá cây mới bắt đầu chuyển màu, có cây còn xanh um lá, tuyết đổ ập xuống đọng trên lá cây, nhiệt độ xuống thấp, thế là tuyết trở thành đóng băng trên cành lá. Cành oằn nặng trĩu vì băng tuyết rồi bắt đầu đổ gãy, thân cây cũng chịu không nổi ngã theo luôn.
Tôi đang ở trong nhà, nghe tiếng cây ngã răng rắc, mở cửa trước nhà ngó ra ngoài đường thấy hàng cây đang từ từ ngã, tôi đứng nhìn khoảng 15 phút rồi mới nhận ra lý do vì sao cây liên tục ngã. Lúc này đôi mắt "hay mơ huyền" của tôi quá hốt hoảng nên đã trốn đi đâu mất. Chỉ còn lại đôi mắt của cái nhìn thực tế, cái cây trước cửa nhà tôi không còn là một hàng kỵ sỹ nữa - mà là một hàng cây xanh tươi tốt đang sắp ngã vì nó đã gãy hết hai nhánh lớn, tôi phải cứu lấy nó.
|
Lúc này gió đã hết thổi, tuyết rơi nhẹ hạt hơn, thế là tôi vội vàng khoác chiếc áo ấm, mang đôi giày cao ống đi vào nhà xe tìm cây chổi có cái cán dài, thấy được cây chổi dựng kế bên cái nón lá làm vườn của tôi, tôi chộp cái nón lá đội lên đầu luôn (mùa hè che nắng, mùa đông che tuyết). Ra ngoài đứng dưới gốc cây tôi phải coi nó có quá nguy hiểm không, thấy chưa sao tôi mới đứng xa xa dùng cây chổi đập lên nhánh cây (phải đứng xa vì sợ nhánh cây đánh bật lên), tiếng tuyết đóng băng rơi rào rào xuống đất, chỉ có vài phút là xong, tôi ngó lại cây chổi thì chỉ còn cái cán - đầu chổi không biết đã bay đi nơi nào.
Tôi đi vô nhà, ngó ra ngoài ban công thì…., ngoài kia mấy cây hoa anh đào cũng đang sắp ngã, tôi nhớ đến biết bao mùa Xuân qua chúng đã mang đến cho tôi những chùm bông hoa xinh đẹp. Thế là tôi lại lao mình ra ngoài sân sau cứu chúng. Vài phút sau tôi vào nhà, chợt cảm thấy lạnh buốt đôi bàn tay, ngó lại mới biết mình quên mang bao tay. Thật sự khi làm những việc này, điều quan trọng trước hết - là mình phải coi có an toàn cho bản thân mình không, coi gió, cây cao chung quanh, cột đèn,... chứ để khi không có người khác phải lao ra cứu mình lúc đó mới thiệt là lãng xẹt.
Sáng ngày hôm sau, tôi thức sớm đi ra ngoài, chung quanh quang cảnh như là một chiến trường. Tôi đi một vòng nhìn những cây đã ngã trong thương tiếc và cũng như thì thầm lời chia tay với chúng. Cái cây trước cửa nhà tôi, mất vài nhánh lớn, ánh nắng xuyên qua những tán lá thưa. Đứng dưới gốc cây - tôi và cây - hình như có cùng cảm nhận một niềm ấm áp, không phải từ tia nắng ban mai - mà chính là do lòng chia sẻ lẫn nhau.