Tính đến tháng 01/2013, trên lưới của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đang quản lý 914 trạm biến áp (923 máy biến áp - Chủ yếu được sản xuất tại Việt Nam và một số của Liên Xô, Trung Quốc, Bungari); có 46 chiếc máy cắt dầu đang vận hành do Liên Xô, Trung Quốc và Nhật sản xuất; có 135 máy biến điện áp và máy biến dòng diện có chứa dầu do Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội sản xuất và 297 bình tụ đang lắp trên lưới của các hãng Cooper (Mỹ), Siemens (Đức), Samwha (Hàn Quốc). Số lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp đến các trạm điện là 205 người.
Nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường cũng như triển khai Kế hoạch thực hiện công ước Stockholm của Việt Nam theo Quyết định 184/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ. Công ty Điện lực Vĩnh Phúc nghiêm túc thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của nhà nước cũng như của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam như tiến hành khảo sát hiểu biết và nhu cầu thông tin về PCB theo công văn số 323/EVN-NPC-KT ngày 08/02/2012 và thống kê khối lượng, đánh giá thiết bị có khả năng chứa PCB theo công văn số 317/EVN NPC-KT. Sau quá trình đánh giá không phát hiện thiết bị nghi chứa PCB.
Để đảm bảo sức khoẻ CBCNV trực tiếp thao tác, tiếp xúc với dầu cách điện, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ con người, Công ty đã đã nghiêm túc triển khai thực hiện như sau:
1- Toàn thể CBCNV Công ty hiểu rõ về đặc tính của PCBs: Chất PCBs (Poly-Chlorinated Biphenyls) là hoá chất hữu cơ chứa chlorinated hydrocarbons đã được sử dụng trước đây như chất phụ gia vào thiết bị điện (dầu máy biến áp, máy cắt, tụ điện, TU, TI) để tăng tính cách điện và chống cháy nổ. Hầu hết các thiết bị như máy biến thế, tụ điện,... sản xuất trước năm 1985 được nhập khẩu vào Việt Nam đều có dầu chứa PCBs. Do một số độc tính sau này mới phát hiện nên PCBs đã bị cấm sản xuất và sử dụng. PCBs có thể gây ra nhiều tác động có hại đến sức khoẻ như ung thư, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, hệ sinh sản, hệ thần kinh, hệ nội tiết,...PCBs rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên (thời gian phân huỷ có thể kéo dài 30-40 năm), dễ dàng phân tán trong môi trường nước và không khí gây lan truyền ô nhiễm xa so với nguồn ban đầu. Con người có thể bị nhiễm PCBs chủ yếu qua đường tiêu hoá, đường hô hấp, hấp thụ qua da.
2- Khi thao tác với thiết bị có hoặc nghi có PCBs phải trang bị Bảo hộ lao động đầy đủ. Không thải dầu, thiết bị chứa dầu mà không biết chắc chắn về nồng độ PCBs trong dầu ra môi trường, không được đốt dầu thải hoặc các vật liệu trong thiết bị điện như giấy, gỗ ngấm dầu có chứa PCBs (Khi đốt sẽ sản sinh ra khí độc là dioxin và furan gây ung thư và đột biến gen trong cơ thể con người). Tất cả dầu thải và các thiết bị có chứa dầu thải đều được lưu trữ tại “Kho lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại”.
3- Đối với dầu biến thế và các thiết bị điện chứa dầu khi mua mới, sửa chữa, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua hoặc thực hiện hợp đồng đầu tư xây dựng sửa chữa phải yêu cầu có chứng chỉ không có PCBs trong dầu.
4- Việc thanh lý các thiết bị, vật tư như: Máy biến áp, TU, TI, máy cắt, dầu máy biến áp đều được phân tích hàm lượng PCBs và được thanh lý cho cơ quan đã được cấp giấy phép hành nghề vận chuyển, xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại kể cả tái chế, thu hồi (Theo qui định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/04/2011 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường).