quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Chim quê tiếng hót chao cành

Thứ Hai, 28/09/2009 | 06:12:00 AM

ThienNhien.Net – “Bất chợt tiếng chim reo trong nắng/ Gọi mùa màng cây lúa sinh sôi/ Tiếng ríu rít gọi bầy xao xuyến/… Giữa màu vàng tiếng chim hót mê say” (Tiếng chim mùa gặt - Nguyễn Anh Đào). Nước ta có khu hệ chim khá phong phú, với gần 850 loài (*) đã được phát hiện, chiếm tới 9% số loài chim của toàn thế giới. Chim có mặt ở khắp mọi miền của đất nước hình chữ S, song dễ bắt gặp hơn tại vùng quê - nơi có không gian thoáng đãng, cây cối um tùm, mặt nước bao la, là nơi trú ngụ, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chúng.



Chim cồ cộ trên đồng hoang.


Cò

Trong các thứ chim quê, quen thuộc nhất là con cò. Ở Việt Nam, có tới mười mấy loài cò (thuộc ba họ diệc, hạc và cò quăm) nhưng dễ bắt gặp hơn cả là loài cò trắng. Tuy màu sắc khác nhau nhưng các loài cò đều có cổ dài, mỏ nhọn, chân cao, thân gầy. Chúng ăn chủ yếu cua, ốc, cá, tôm và thường lặn lội ven sông, hồ ao hay ruộng ngập nước. Đa số làm tổ từ tháng tư đến tháng chín, xếp tầng trên các tán cây, bụi rậm kêu cò cọ inh ỏi. Cá biệt là loài cò thìa có chiếc mỏ đen bè ra như cái thìa, khi kiếm ăn thì há mỏ, lia qua lia lại dưới mặt nước. Chúng chỉ thấy ở vùng đồng bằng cửa sông vào mùa di trú.

Con cò từ xa xưa đã gắn liền với đời sống dân gian làng Việt, với cảnh thợ cầy thợ cấy hai sương một nắng trên đồng. Ai cũng từng được bà và mẹ ru hời bằng câu hát: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…”. Qua hình ảnh cò có khá nhiều câu nói ca ngợi cảnh đẹp quê hương: “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều” (Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi).

Dân gian cũng mượn hình ảnh cò để ngợi khen những người lao động cần cù, hiền hậu và liên hệ với số phận vất vả của phụ nữ ngày xưa: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi, ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng/ Có sáo thì sáo nước trong/ Đừng sáo nước đục đau lòng cò con”; “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” (Ca dao).

Không chỉ có trong thơ ca, hình ảnh của con cò và nhiều loài chim nước từ cách đây hàng nghìn năm đã hiển hiện trên mặt trống đồng và nhiều cổ vật tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước của dân tộc: “Đã qua rồi những thế kỷ ngủ mê/ Mặt trống đồng vùi sâu trong ruột đất/ Bình minh mọc trong nổi chìm nước mắt/ Cánh cò trôi dạt đêm sương/ Con vạc gọi đàn con cuốc kêu thương” (Tháng ba trảy hội Đền Hùng - Vũ Đức Dật).


Chim hạc xanh trên lưng rùa vàng - tranh cổ đầu thế kỷ 20, vẽ trên thành cổng đền đài.

Cuốc

Cuốc còn gọi là chim quyên, thuộc họ gà nước. Cũng như cò, chim cuốc có mặt ở nhiều vùng sông nước, đặc biệt là ven những ao chuôm rậm rạp. Chúng nhút nhát, thấy động thì lẩn rất nhanh vào bụi rậm, nên khi ví von tính nết hay lẩn trốn, người ta thường bảo "cuốc lủi". 

Các loài cuốc thường làm tổ ven bờ hoặc trong các đám lau sậy, ăn các loại tôm cá, sâu bọ và mầm rễ cây trong nước. Vào hè thu, chúng đẻ trứng, mỗi lứa dăm, bảy quả màu trắng đốm nâu, nhỏ hơn trứng gà so một chút. Sau hai tuần trứng nở, cả chim trống và mái đều lo kiếm mồi nuôi con. Cả ngày chúng đi lang thang, lục lọi trong các lùm cây, bụi rậm, ao bèo, sen và những đồng lúa vừa gặt xong. Nhờ đặc tính chuyên cần của cuốc, từ hình ảnh của con chim lầm lũi, trong văn học cũng có nhiều câu ca hay nói lên sự quan tâm của những người cùng cảnh ngộ: “Chim quyên xuống suối tha mồi/ Thấy em lao khổ, anh ngồi sao yên” (Ca dao).

Cuốc kêu rất to, vào tinh mơ và chập tối. Cả đàn thường vừa bay vừa kêu từng tràng cu...ốc cu...ốc. Riêng những con đi lẻ thường kêu đứt đoạn u uất. Dựa vào đó, người xưa thường ví tiếng cuốc với nỗi lòng đau thương của người dân mất nước: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” (Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan).

Bên tiếng cuốc nhiều khi còn thấy tiếng ếch, nhái, chẫu chuộc khiến khung cảnh thêm lặng lẽ, cô tịch: “Bờ ao trên bụi có con cuốc/ Ở dưới lại có con chẫu chuộc/ Hai con cùng ở cùng hay kêu/ Một con kêu thảm con kêu nhuốc” (Con cuốc cùng con chẫu chuộc - Tản Đà).

Khi cuốc kêu là lúc trời chuyển từ mùa xuân mát dịu sang mùa hè oi ả, vì thế dân gian thường xem cuốc là con vật báo hiệu hè về: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” (Truyện Kiều - Nguyễn Du); “Ai xui con cuốc gọi hè/ Cái nóng nung người nóng nóng ghê” (Ca dao).

Bói cá

Nhỏ bé hơn cuốc nhưng cũng không kém phần đông đảo là bói cá, được mệnh danh là những thợ săn cá siêu đẳng. Bói cá có hai loài bói cá lớn và bói cá nhỏ, thuộc họ bói cá. Ngoại trừ những dải màu sắc điểm xen, chúng có hai màu đen trắng tương phản rõ rệt và túm lông dựng thành mào. Đây là điểm để phân biệt chúng với các loài khác trong họ bói cá như bồng chanh, sả đầu nâu, sả hung,... có màu sắc sặc sỡ và không có mào.

Bói cá thường bay lượn xung quanh một chỗ để tìm mồi. Khi phát hiện cá, nó liền khép chặt đôi cánh, chúc đầu và lao từ trên cao xuống sâu dưới nước như một mũi tên chộp lấy con mồi rồi phóng ngược lên, với tốc độ cực nhanh. Miệng cắp ngang con mồi, bói cá bay nhanh về tổ và rất tinh khôn nó cẩn thận xoay chiều con cá cho khỏi hóc rồi mới nuốt. “Tập tũm! Chú bói cá đã lao mình vào nước/ Ngoắc lên con cá to giãy giụa/ Tập tũm! Chú bói cá lại lao mình lần nữa/ Cả chiều nghiêng theo bóng chim bay” (Chiều và chim bói cá); “Suốt ngày nghênh sóng nước/ Bói cá mặc nắng mưa/ Đàn con còn nheo nhuốc/ Mẹ bắt cá về chưa?/ Như một tia lửa điện/ Nó lao mình xuống sông/ Đuổi bắt theo đàn cá/ Chộp một con thật mau/ Rồi vội vàng về tổ/ Bụng vẫn còn nép không” (Thương bói cá - C.M.C)

Vịt trời

Góp phần sinh động trên sóng nước còn phải kể tới vịt trời. Chúng có hình thù giống vịt nuôi với cái mỏ tròn, cổ ngắn, lông sặc sỡ, chân đeo màng, dáng đi lạch bạch nhưng sống hoang dã, định ở các đầm lầy, đồng cỏ và kênh rạch. 

Nghe nói, chúng được trời phú cho đôi tai rất thính, chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ là kêu tao tác vít vít. Nhiều khi một con lang thang, nó cũng kêu thảm thiết như thể gọi bầy. “Côi cút/ Chim vịt kêu khản giọng lý chiều chiều/ Ngơ ngác ngõ sau nghẹn ngào ngõ trước” (Chim vịt kêu chiều - Hiệp Phố Tường).


Vịt bơi dưới vàm cỏ (hình minh họa).


Dân gian cho rằng khi chim vịt kêu, trời thường mưa. Ở những nơi khô hạn mà thấy vịt trời người dân mừng lắm, vì thể nào cũng mưa, do đó chúng là người bạn thân thiết của nhà nông. “Vít vịt!/ Những đồng chiêm nẻ nứt/ Thương con chim/ Biết nghĩ đến ngày mùa/ Mà động tiếng kêu mưa! Vít vịt!/ Trời mờ im/ Như cảm bởi tiếng chim/ Nắng tắt” (Chim vít vịt - Chế Lan Viên).

Chim cu

Tiêu biểu và cũng hiền lành nhất trong các loài chim cạn có lẽ là chim cu. Đây còn là loài chim của mùa gặt gắn liền với thóc lúa. Có đến 22 loài cu, làm tổ trên cây, chủ yếu ăn hạt và sâu nhỏ. Tùy theo màu sắc lông mà dân gian gọi chúng là cu gáy, cu đất, cu cườm hay cu ngói. Mỗi loài đều bay khỏe dễ dàng vượt những đoạn đường xa và có đặc tính thoắt đậu thoắt bay. Cũng có đặc tính cứ trời nắng là gáy, tiếng hót mượt mà, trầm ấm phát ra từ đáy cổ họng u túc u túc cu ru. Nhiều khi là những tiếng gù gù hoặc cúc cù cu. Cu đẻ rất ít, mỗi lứa chỉ hai trứng bằng lòng tay. Bầy chim thường xuất hiện vào mùa gặt, khi vắng người liền xà xuống cánh đồng và các sân phơi thóc nhặt thóc vương vãi.

 
Chim khướu - tranh cổ, chất liệu giấy dó thế kỷ 19.

Nhiều nơi rất thích bắt và nuôi cu vì dáng vẻ tao nhã, tiếng kêu ngân nga. Người ta thường nhốt mỗi lồng một con chim và vì lẻ bạn, muốn trốn thoát, nó cứ lồng lộn, xoay vòng tròn đồng thời kêu cùng cục. Rất đáng thương. Dân gian có câu: “Cánh hồng bay bổng trời thu/ Thương con chim gáy cúc cu trong lồng/ Duyên may, tay bế tay bồng/ Thương ai vò võ trong phòng chiếc thân”.

Để bắt được cu hoang rất khó khăn. Người bắt phải nấp vào bụi rậm, dùng một con chim mồi đã huấn luyện cho cất tiếng gáy hoặc tự mình giả tiếng chim dụ dỗ những con chim khác đến. Phải ngồi im lặng và mặc dù bị kiến cắn, đau bụng, ho hen cũng không được đụng đậy, nếu lộ đàn chim sẽ bay ngay. Từ xưa đã có tục ngữ: “Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, gánh nợ, gác cu, cầm chầu”.

Tu hú

Gần giống cu gáy, những con tu hú ranh mãnh lại thuộc về những vườn cây ăn quả. Có 17 loài tu hú, với đặc điểm dễ nhận là cái mỏ dài, lưng xám, bụng trắng nâu kẻ, đuôi xòe. Đều vụng về, không biết làm tổ nên chuyên đẻ nhờ vào tổ của những loài chim khác.

Để dễ lừa phỉnh, tu hú thường chọn những tổ chim chích hay họa mi rồi đẻ trộm sau khi đã ăn bớt một vài quả trứng ở đó. Con tu hú non lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã to gấp năm lần bố mẹ nuôi, miệng rộng ngoác luôn luôn kêu đói khiến bố mẹ phải kiếm mồi suốt ngày mới đủ bón cho nó. Chưa hết, nhờ khỏe mạnh, to xác nó còn hất những anh em khác cùng tổ rơi xuống đất để được bố mẹ toàn tâm chăm sóc.

Tuy ăn sâu bọ, tu hú cũng ăn nhiều thứ quả ngọt và xuất hiện trong vườn vào mùa quả chín. Nhìn thấy tu hú, người dân biết ngay quả trong vườn đã chín: “Khi con tu hú gọi bầy/ Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần/ Vườn râm ran tiếng ve ngân/ Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào” (Khi con tu hú - Tố Hữu); “Nắng hè đỏ hoa gạo/ Nước sông Thương trôi nhanh/ Trên đường đê bước rảo/ Gió nam giỡn lá cành/ Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải ra/ Quả bắt đầu chín bự/ Ngọt như nỗi nhớ nhà” (Tiếng chim tu hú - Anh Thơ).

Xấu tiếng và luộm thuộm nhất trong muôn loài chim có lẽ là con quạ. Chúng thường được nhớ đến với câu: Quạ tha, quạ mổ hay quạ bắt gà con. Đây là loài chim dữ, to lớn song đen thui, kêu khàn đục khó chịu quà quạ và tập tính hay nhại cùng biệt tài bay liệng giỏi khi săn mồi.

Có sáu giống gồm 15 loài quạ. Các con vật sống tự do trong những hang hốc, gốc cây, mái nhà, cột điện… và khi xây tổ luôn tha về rất nhiều rác rưởi. Dựa vào sự lộn xộn, tạp nham này, tiếng Việt có từ ô hợp, ô tạp. Quạ chủ yếu ăn thịt: Chúng săn lùng các loài chim nhỏ, tìm các tổ chim để ăn trứng và cũng tấn công gia cầm và thú nuôi.

Vào xuân, chúng đẻ dăm trứng màu dương đốm xám. Nếu không nguy hiểm, con chim sống rất lâu, tới ba chục tuổi. Tuy xấu xí song bầy quạ thường được miêu tả khá đẹp trong văn học, được nhắc đến trong thơ văn xưa với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, làm cây cầu nối kết tình yêu, hạnh phúc và trong văn học hiện đại với cảnh mùa thu u buồn trĩu nặng cành khô. Chúng còn được đề cao bởi tính chung thủy: Trong đôi quạ khi một con chết, con còn lại ở vậy tới già. Được ca ngợi là loài chim có hiếu. Khi quạ mẹ ốm yếu, cả đàn không vì thế mà ruồng bỏ, hàng ngày các con vẫn tìm thức ăn về mớm mồi nuôi mẹ. Dân gian do đó xem quạ là con vật chung hiếu vẹn toàn.

Với nhiều người, tiếng quạ nghe tao tác bất ổn, song cũng với nhiều người nó lại là thông điệp của tình yêu. “Kêu cái mà quạ kêu/ Quạ kêu nam đáo/ Tắc đáo nữ phòng/ Người dưng khác họ/ Chẳng nọ thời kia/ Nay dìa thì mai ở/ Ban ngày thời mắc cỡ/ Tối ở bên dìa/ Rằng a í a ta dìa/ Lòng thương nhớ thương” (Lý quạ kêu - Dân ca).

Một loài chim ít gặp nhưng đã gặp thường gây cảm giác lo lắng, đó là cú lợn. Chúng hơi bí hiểm bởi đặc tính ăn đêm, và chỉ xuất hiện vào đêm ở ngoài ruộng, đồng, bãi tha ma hay cây cổ thụ khi mọi người đã ngủ. Nhiều loài cũng lộ diện vào chập tối ở các vùng hoang vắng. Có 16 loài trong đó nổi bật là ba loài cú lợn lưng xám, cú lợn rừng và cú lợn lưng nâu. Thường sống đơn độc ở hốc cây, kẽ đá hoặc cành cao, và săn mồi vào đêm.

Đặc điểm là mình to, đầu to, mặt hình trái tim, mắt nâu, có lông quanh mắt và một túm lông dài dựng đứng như hai cái tai, mỏ trắng bợt hoặc nâu, chân có vuốt sắc, bộ lông xù màu xám tro hoặc nâu tím và khả năng bay nhẹ không phát ra tiếng. Cú lợn kêu eng éc giống hệt con lợn. Nhiều người sợ tiếng cú lợn vì tin rằng những cô hồn nhập vào tiếng chim để hù dọa, than vãn. Khi đi qua quãng vắng mà nghe thấy tiếng cú kêu, đều vắt chân lên cổ chạy.

Tuy nhiên, con vật rất có lợi cho mùa màng nhờ tài bắt chuột. Mỗi mùa hè, một con cú bắt được 1.000 con chuột, cứu cho một tấn lúa khỏi bị cắn phá. Do săn bắt các loài hôi hám, cú lợn rất hôi. Ca dao khi đả kích những người hay kiêu căng hợm hĩnh có câu: “Cú lại chê vọ rằng hôi/ Giẻ cùi chê khách dài đuôi vật vờ”.

Ngược với những loài chim lớn náo động, chim sâu rất yên ắng và là loài chim nhỏ, nhí nhảnh nhất trong thế giới chim quê. Như tên gọi, chúng chuyên ăn sâu bọ. Có hai giống gồm 8 loài chim sâu, cân trọng chỉ chừng 10 gam. Lưng màu lam hoặc dương xám, bụng hồng nhạt hay nâu vàng. Do nhỏ bé con chim dễ dàng lách vào kẽ lá, nhành hoa để bắt sâu và giành phần lớn thời gian bên những luống rau.

Chúng làm tổ luôn trên ngọn cây, dùng mỏ cuốn lá khâu thành những chiếc rành xinh xinh. Chim sâu hót khá hay, tiếng hót trong veo. Con chim có thể hót tới 300 bài và hót 500 nghìn lần trong mùa sinh sản. Trẻ thơ rất yêu mến chim sâu vì chim có lợi cho mùa màng, vì tính cần cù, vô tư đã đi vào nhiều ca khúc thiếu nhi: “Lông mượt mà, mỏ nhỏ/ Đôi chân chuyền siêng năng/ Chim sâu luôn dậy sớm…/ Chim bắt sâu giỏi lắm/ Vừa bắt vừa hát hay/ Chồi non ươm mưa nắng/ Cứ lớn lên từng ngày” (Chú chim sâu - Nguyễn Lãm Thắng).

Với làng quê, mỗi loài chim đều đem tới cho cuộc sống niềm vui, sự thanh bình và an lạc. Sau buổi đi làm đồng, lúc rảnh rỗi hay khi tiết trời oi ả, mọi người thường ngồi nghe chim hót và mỗi mùa lại chờ mong từng đàn chim bay về làm xao động lá cành: “Hương ổi ngọt lịm gió se/ Chào mào, sáo sậu bay về vườn xưa (Nhà tôi - Hoàng Anh Tuấn); “Nghe trong gió lá trở mình khe khẽ/ Tiếng chim gù khuơ động lá vàng rơi” (Vườn quê - T.C).

Bài và ảnh: Chu Mạnh Cường

Nguồn: Thiennhien Net, 27/9/2009

Lượt xem: 2811

Các tin khác

Chiêm ngưỡng các con vật "khủng" được làm từ tre

(10/12/2024 02:30:PM)

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE