(VACNE) – GS. Nguyễn Viết Phổ, Ủy viên Ban TV VACNE, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Điều tra tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất (1976 – 1981), là một trong những người chủ chốt viết các Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là người rất quan tâm tới công tác huy động cộng đồng bảo vệ môi trường. Web Hội tri ân cố Giáo sư bằng việc trích đăng công trình được công bố cách đây 25 năm của Giáo sư.
GS. Nguyễn Viết Phổ (đứng thứ 2 từ bên trái) tại Hội thảo cán bộ cao cấp về môi trường và phát triển bền vững phối hợp với DANIDA và IUCN
…Hiện trạng môi trường của nước ta cũng không kém phần bức xúc. Từ môi trường không khí các đô thị, khu công nghiệp, môi trường nước các sông ngòi ao hồ, nước dưới đất, môi trường đất, rừng, biển, từng nơi, từng lúc đã bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, của các hệ sinh thái, của tính đa dạng các nguồn gien. Đặc biệt gần đây, việc ngộ độc hóa chất nông nghiệp do ăn phải các nông phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu, trừ cỏ lan rộng khắp nơi. Nhiều loài đặc hữu động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo vệ giữ gìn và phục hồi các môi trường đã bị suy thoái, bên cạnh việc phát động một phong trào “sản xuất sạch hơn” cần tổ chức một phong trào “chăm sóc môi trường từ cơ sở”, hình thành các nhóm người yêu thiên nhiên, các cộng đồng có ý thức trách nhiệm với các thế hệ tương lai, tự tổ chức với nhiều mức độ khác nhau, tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài địa phương, áp dụng các kiến thức, các sáng kiến và sự khéo léo của mình để ngăn chặn, phòng ngừa suy thoái, chăm sóc nuôi dưỡng, làm phong phú thêm các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái và môi trường của địa phương, nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại cũng như tương lai.
Ba yếu tố hợp thành trong chăm sóc môi tường ở cơ sở (viết tắt theo tiếng Anh la PEC):
1. Để đáp ứng nhu cầu: Điều này đòi hỏi các cộng đồng phải đủ khả năng duy trì, tạo ra hoặc thu được các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho đời sống, sức khỏe và phúc lợi một cách bền vững.
2. Cải thiện và duy trì môi trường: Bao gồm cả bảo tồn đất, tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên sinh học một cách bền vững, duy trì các dịch vụ hỗ trợ sự sống và đa dạng sinh học, khống chế ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái và cải thiện môi trường đô thị.
3. Tăng quyền lực cho cộng đồng: Điều này tạo thuận lợi cho cộng đồng và cá nhân tự kiểm soát đời sống của mình, bao gồm cả sự ảnh hưởng to lớn đến các quyết định có tác động đến mình…
…Chăm sóc môi trường cơ sở đòi hỏi thời gian và sự tích lũy về kiến thức. Nó có liên quan đến quá trình chậm và phức tạp về nhận biết, thử nghiệm, lựa chọn và áp dụng các đáp ứng tổng hợp đối với một số lượng lớn các vấn đề và nhu cầu. Các mâu thuẫn có thể nẩy sinh trong khi còn sự phân vân giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường và trong việc xác định ưu tiên hành động.
…Các ưu tiên hành động có thể gồm: 1) Bảo đảm cho các cộng đồng và cá nhân được hưởng các tài nguyên thiên nhiên và an ninh về quyền sở hữu. 2) Ủng hộ các cộng đồng về hệ thống quyền sở hữu và quản lý tài nguyên. 3) Cung cấp cho các cộng đồng và cá nhân nguồn tài chính và các khen thưởng về hành động phát triển bền vững. 4) Cung cấp các công nghệ sạch về môi trường cho cộng đồng. 5) Cung cấp thông tin cho các cộng đồng. 6) Nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc tổ chúc và tham gia trong các quyết định. 7) Nâng cao năng lực phát huy tác dụng của cộng đồng trong các ưu tiên phát triển, chính sách và dự án. 8) Thực hiện PEC trong bản thân các cộng đồng. 9) Ủng hộ PEC thông qua các chương trình viện trợ tài chính và kỹ thuật thích hợp với múc độ và hoạt động của cộng đồng. 10) Ủng hộ phát triển cơ sở hạ tầng cho việc trao đổi thông tin và viện trợ kỹ thuật cho cộng đồng. 11) Cung cấp cho các cộng đồng cơ hội chuẩn bị tham gia hoạch định chiến lược địa phương về bảo tồn và phát triển bền vững.
Sự bền vững về tài nguyên và môi trường là một vấn đề trách nhiệm trong ứng xử của các cá nhân và các nhóm cộng đồng, ứng xử với tinh thần trách nhiệm chỉ được nhân dân thực hiện khi được kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình, được hưởng các tài nguyên cần thiết cho bản thân. Hành động của cộng đồng là điều cơ bản cho sự bền vững quốc gia và toàn cầu.
Để quản lý môi trường có hiệu quả trước hết cần dựa vào các cộng đồng. Các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường phải là một thể thống nhất và có sự tham gia của tất cả các cá nhân cũng như các nhóm trong việc chăm sóc môi trường ở cơ sở để thỏa mãn các nhu cầu của mình.