Thật khó tưởng tượng một thành phố nào đó lại vắng bóng cây xanh. Với Hà Nội, cây xanh không chỉ là lá phổi mà còn góp phần đáng kể làm nên nét đẹp của một thành phố xanh - sạch - đẹp.
 |
Cây xanh làm nên vẻ đẹp cảnh quan thành phố. |
Có lẽ, rất nhiều người thủ đô thanh lịch chưa thực sự đối xử với hàng cây kia như những người bạn. Họ hưởng thụ mọi tiện ích của cây đem lại cứ như của trời cho mà quên rằng, dù đó là của tạo hóa cũng rất cần chăm, bón. Có không ít cây xanh từ bao năm gắn bó với chúng ta đã bị bệnh, cọc cằn không lớn được, thậm chí chết rũ vì bị chặt mất rễ (đào đường làm nhà, chôn dây điện…), bị biến thành cột điện với dây nhợ chằng chịt, bị đóng đinh tứ phía (làm giá treo đồ dùng, săm lốp xe cộ, kéo dây phơi...). Người ta còn trèo lên bẻ cành lấy lộc (vào dịp Tết), lấy lá (để bó kèm với hoa, quả tươi), lấy quả (sấu, dâu da, nhãn) để ăn và lấy cành làm... củi.
Không ít cây, bên cạnh các nhà đợi xe buýt, bị hành khách chờ bẻ để ngồi hoặc chỉ để… cho vui tay. Hàng chục cây xà cừ cổ thụ cuối đường Bà Triệu bị chặt hạ. Nhiều gia đình còn thuê người chờ lúc khuya vắng lén chặt bớt cành, đốn bỏ cây mà họ cho là làm vướng nhà họ (Sở Công chính thành phố Hà Nội đã xử lý khá nhiều vụ, như cây bị đốn hạ ở Lò Đúc, cây bị chặt gần hết cành ở Đoàn Trần Nghiệp, cây bị bẻ gẫy ‘cổ” ở Kim Ngưu...).
Cây xanh là nét đẹp của cảnh quan thành phố và hơn thế nữa, cây cổ thụ còn là một phần lịch sử của thủ đô ngàn tuổi. Cây đa ở đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, cây đa giữa tòa soạn báo Nhân Dân (71 Hàng Trống) hay những cây Bác Hồ trồng ở Phủ Chủ tịch được coi là chứng tích của Thủ đô qua bao thăng trầm của thời gian. Hãy đối xử đúng mực với cây xanh như một nét ứng xử văn hóa rất nhân văn và rất cần thiết.