Các nhà khoa học Hà Lan đang triển khai hệ thống "nhà máy điện" từ các loài cây trồng trên diện tích lớn có thể sạc điện thoại và thắp sáng.
Một hệ thống sản xuất ra điện từ thực vật do các nhà khoa học Hà Lan phát triển đã mang đến thành tựu đáng ngạc nhiên.
Công ty Plant-e có trụ sở tại Wageningen (phía đông Hà Lan) đã sử dụng điện năng lấy từ cây sống để nạp điện thoại di động, cấp điện cho các điểm phát Wi-Fi và thắp hơn 300 ngọn đèn LED chiếu sáng đường phố tại hai vùng ở Hà Lan.
Công ty này đã thực hiện một hệ thống cho phép sản xuất điện từ các cây trồng trên diện tích lớn và trong môi trường bão hòa nước, như đầm lầy, cánh đồng, thậm chí chậu cây, vườn cây.
Các loài cây này được trồng trong nước. Chúng sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời để phục vụ sinh trưởng và điện năng thì được lấy từ phần rễ cây.
Giám đốc Marjolein Helder, người sáng lập ra công ty Plant-e cho biết: "Đây có thể là một cuộc cách mạng. Sử dụng thực vật để tạo ra dòng điện là một sự lựa chọn xanh".
Bà Helder giải thích: "Bình thường, trong quá trình quang hợp, khi biến ánh mặt trời thành năng lượng, cây cối sẽ sản xuất ra chất hữu cơ. Cây sẽ hấp thụ chất này để sinh trưởng, nhưng một số chất đó không được cây sử dụng mà bị thải xuống đất thông qua rễ cây và sẽ bị vi sinh vật phân hủy.
Quá trình phân hủy này sản xuất ra các electron. Dùng một điện cực carbon cắm xuống chỗ gần rễ cây sẽ tóm bắt được số electron này, rồi dùng dây dẫn đưa dòng electron – tức dòng điện ra, hình thành một chiếc pin hữu cơ để cấp điện".
|
Lượng điện sản xuất từ cây được dùng để thắp sáng đường phố. |
Plant-e gần đây đã thí điểm tạo được hai hệ thống trên diện tích 100 mét vuông có mái che ở gần trụ sở công ty để chứng minh công nghệ của họ. Bước sau sẽ xây dựng một “nhà máy điện” ở vùng đầm lầy.
Vị giám đốc của Plant-e cho biết sẽ nâng cấp điện năng tiêu thụ lên mức 28 kWH/m2/năm. Tại Hà lan, trung bình các hộ gia đình sẽ tiêu thi 3.500 kwH/năm. Như vậy một mảnh đất 120 mét vuông có mái che là đủ để cấp điện cho nhu cầu của một căn nhà loại vừa ở Hà Lan.
Bà Helder nói hệ thống này sẽ hoạt động tốt với bất cứ loại thực vật nào sống trong nước, kể cả cỏ, lúa nước, và các loại cây ngập mặn. "So với điện gió hoặc điện mặt trời thì hệ thống này có ưu điểm là hoạt động được kể cả trong đêm và khi không có gió", giám đốc Plant-e cho hay.
|
Bà Marjolein Helder, CEO của công ty Plant-e. |
Bà Jacqueline Cramer, giáo sư đại học Utrecht, nguyên Bộ trưởng Môi trường Hà Lan đánh giá: "Tuy chưa hoàn thiện song đây là một hệ thống có đầy tiềm năng. Nếu hệ thống được hoàn thiện, chúng ta có thể nghĩ tới việc cung cấp điện cho các vùng xa xôi hẻo lánh hoặc thậm chí lắp đặt nó ở các đô thị và nông thôn để sản xuất năng lượng xanh”.
Hiện nay, trên trang web Plant-e có trình bày hệ thống đã tạo dựng xong. Giám đốc công ty Plant-e Marjolein Helder hy vọng đến năm 2007 có thể đưa ra thị trường hệ thống này.
Công ty Plant-e do tiến sĩ Marjolein Helder và Phó Giáo sư David Strik thành lập tháng 9/2009, là một đơn vị sinh ra từ Khoa Công nghệ môi trường Đại học Wageningen.
Plant-e chuyên kinh doanh và hoàn thiện hệ thống điện thực vật trên cơ sở ý tưởng được đăng ký bản quyền năm 2007 của các nhà khoa học ở ĐH Wageningen.
Linh Lan (Tổng hợp)