Cây Trôi bên ngôi Đền thờ các danh tướng thời dựng nước được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(VACNE) - Sáng 25/1/2016, chính quyền và nhân dân xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận cây Trôi hơn 300 năm trước cửa đền làng Trung Linh là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là ngôi đền được xây dựng cách đây hơn 300 năm để thờ những người mở đất lập làng, đồng thời cũng là những danh tướng thời Hùng Vương dựng nước, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
Ông Đoàn Văn Hùng, Thường vụ tỉnh ủy Nam Định cùng các vị lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam đã tới dự, chúc mừng và chia vui với nhân dân địa phương.
Tới dự buổi lễ trọng thể này còn có đông đảo cán bộ lãnh đạo và các bậc cao niên địa phương, cùng hàng trăm cư dân trong vùng.
Nhà báo Phùng Quang Chính, Ủy viên BCH, thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện chính quyền và cộng đồng địa phương
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đào Huy Quan, Phó Bí Thư Đảng ủy xã Đại Thắng, cụ Đoàn Văn Xứng, trưởng Ban Quản lý Di tích Đền Trung Linh và ông Trần Văn Hội, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Linh đều khẳng định: sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho cây Trôi đại thụ (người dân địa phương gọi là cây Quéo) là một hoạt động rất hữu ích. Đây không chỉ là hoạt động trực tiếp bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống đoàn kết yêu nước, biết trân trọng quá khứ, tự hào về truyền thống quê hương.
Giới thiệu về ngôi Đền và cây Trôi Di sản, ông Đào Xuân Hường, Ban quản lý Di tích cho biết: trong Thần phả cuả Đền còn ghi sự tích về 4 vị thần đang được tôn thờ ở đây và hiện tại vẫn còn lưu lại những sắc phong của nhiều triều đại về các Ngài. Đó là Linh Sơn Đại Vương, Uy Lôi Đại Vương, Đô hộ Thành hoàng Phối Đạo Đại Vương (thời Hùng Vương thứ 18) và nữ tướng Lê Thị Hoa (thời Hai Bà Trưng). Đây là những danh tướng có nhiều chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi nước nhà. Nhớ ơn các bậc tiền nhân, người dân địa phương lập Đền thờ và trồng cây bóng mát. Trải qua bao thế hệ, cây Trôi vẫn được bảo vệ và chăm sóc chu đáo, mọi người đều coi như báu vật của làng và mong muốn giữ gìn di sản này cho con cháu muôn đời sau.
Cảm nghĩ về sự kiện này, nhà giáo Đào Đức Thuận - một người con quê hương đã viết: “Để tri ân, làng xây Đền lập miếu/ Nơi phụng thờ, ghi tạc đức tiền nhân/ Đẹp quê hương, ông cha trồng cây quý/ Biết ơn người giữ nước dựng quê hương…Cây Trôi xưa, cha ông trồng chăm giữ/ Nay trở thành Di sản cuả Việt Nam/ Tự hào thay quê hương làng Đông Thượng/ Tô đẹp thêm Đại Thắng, xã mạnh giàu.”
Nhân dịp này, các vị lãnh đạo xã, thôn và Hội Người cao tuổi địa phương, cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam đã thành kính dâng hương tại Đền, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân trồng cây, mở cõi./.