quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Cây Sung báng & Rừng Báng Đền Đô

Thứ Năm, 25/06/2015 | 01:53:00 PM

(VACNE) - “Bao giờ rừng Báng hết cây; Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”. Cây Báng đã trở thành biểu tượng của làng quê Đình Bảng trước đây mà người xưa gọi là Kẻ Báng (tiếng Việt cổ: “kẻ” nghĩa là “làng”).

  

Đến làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc,một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô -nơi thờ 8 vị Hoàng đế Triều Lý, là quê hương của Lý Thái Tổ, người dựng lên vương nghiệp Nhà Lý- du khách sẽ được nghe nhiều huyền tích lịch sử đã gắn bó với ngôi đền này, trong đó có câu chuyện về rừng cây Báng có từ thời xa xưa ở đây và câu ca dao “Bao giờ rừng Báng hết cây; Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”. Cây Báng đã trở thành biểu tượng của làng quê Đình Bảng trước đây mà người xưa gọi là Kẻ Báng (tiếng Việt cổ: “kẻ” nghĩa là “làng”).


H:\PHOTO Cu may chinh\Cây, PHOTO\Anh CAY1 (A-K)\Báng đền Đô\cây Báng, VTri (2).JPG

Hình 1: Cây Sung báng ở Việt Trì (nguồn: T.C. Khánh)


Ngày nay, rừng Báng ở Đình Bảng không còn, đất rừng đã biến thành ruộng lúa. Không chỉ sông Tào Khê hết nước mà cả sông Tiêu Tương chảy qua khu vực Cổ Pháp (tên cũ của Đình Bảng) cũng biến thành một dãy ao tù. Những cây Báng cuối cùng của rừng Báng xưa kia đã bị đốn hạ trên 100 năm về trước, nên các thế hệ sau này không còn ai biết hình dáng cây Báng như thế nào. Để bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa quê hương, ngày nay những người con của Đình Bảng đã cố tìm cây Báng để trồng lại, trong đó có Thiếu tướng Ng.Q. Bắc. Một lần về Ba Vì (Hà Nội), ông được bạn mời ăn một món rau rừng lạ, rất ngon. Người Mường ở đây gọi là rau Páng. Linh tính mách bảo có lẽ đây là cây mình đang tìm nên ông mang theo một cành Páng về Hà Nội nhờ chuyên gia phân loại thực vật xác định tên khoa học. Kết quả cho biết loài cây này có tên là Gừa, tên khoa học là Ficus callosa Willd., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).

 

Các tên Gừa, Sộp, Gáo, Đa gáo, Đa chai, Sung chai, Sung báng, Báng, Páng, Co pảng (Thái), vv. đều là các tên gọi khác nhau của cây Báng. Ngược lại, có những loài cây khác nhau nhưng lại có trùng tên gọi. Ví dụ: Trong họ Cau (Arecaceae) cũng có loài gọi là Báng, hoặc Búng báng, Ðoác, Tà vạt (tiếng Cơ Tu ở Quảng Nam), tên khoa học là Arenga pinnata (Wurmb.) Merr. Để tránh nhầm lẫn, nên gọi cây Báng ở làng Đình Bảng xưa là ‘Sung báng’, bởi loài này thuộc chi Ficus, họ hàng gần với các loài Sung, Đa ..., trong họ Dâu tằm.


H:\PHOTO Cu may chinh\Cây, PHOTO\Anh CAY1 (A-K)\Báng đền Đô, Sung báng\cây Sộp1.jpg

Hình 2: Cây Sung báng có quả (nguồn: Internet)

Sung báng là cây gỗ lớn thường xanh, cao đến 40m. Thân hình trụ thẳng, có bạnh gốc, đường kính gần gốc khoảng 60-80cm, hoặc hơn (đến 2m), vỏ thân màu xám nâu, hơi nứt dọc, thịt vỏ màu vàng. Cành non có lông ngắn. Lá nguyên, mọc so le, hình bầu dục hẹp, gốc tròn hay hình tim, đỉnh nhọn hay tù, dài 20-25cm, rộng 8-14cm (lá ở cây non khá to, dài 50-60cm). Gân gốc 3-5, gân bên 7-9 đôi. Cuống lá nhẵn, dài 3-7cm. Lá kèm hình tam giác, dài 12mm, hơi có lông. Cụm hoa nằm trên một đế hoa lõm khép kín, trông như một quả nhỏ gần hình cầu, đơn độc ở kẽ lá, đường kính 15-18mm. Hoa đực có cuống, xếp gần lỗ đỉnh của đế cụm hoa, 5 lá đài, nhị 1-2, bao phấn gần tròn. Hoa cái nhiều, chiếm gần hết mặt trong của cụm hoa, có 3-4 lá đài hình mác hẹp, bầu hình trứng, vòi đính gần bên, hình sợi, đầu nhụy chia hai. Quả loại sung, gần hình cầu, đường kính khoảng 2,5cm, màu xanh lục. Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 6-7. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng.

Cây ưa sáng, nóng và ẩm, sinh trưởng nhanh, sống trong rừng nguyên sinh và thứ sinh, cũng có thể trồng ở ven đường, quanh nhà hoặc trồng làm cây bóng mát.

Ở Việt Nam, cây này mọc ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Ngoài ra, nó còn phân bố ở Lào, Campuchia, Mianmar, Ấn Độ, Indonesia.

 

Năm 2011, tại Viện hóa sinh biển (Viện hàn lâm KH-CN VN) các nhà khoa học đã tách chiết hoạt chất từ lá Sung báng và xác định được một glycosid megastigman mới là ficallosid, và 7 hợp chất khác. Các hợp chất này có tác dụng chống oxy hóa.

 

http://img.v3.news.zdn.vn/2013/06/15/a1-7.jpg

Cây Gửa (Si quả nhỏ). (Nguồn Internet)



Năm 2008, tại Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong lá non và ngọn non của cây Sung báng, cho thấy đây là một trong những loại rau rừng tự nhiên có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, bao gồm các chất khoáng (canxi, sắt, photpho...), chất xơ, vitamin (B1, B2, C) và nhiều acid amin không thay thế cần thiết cho con người như lysin, threonin, valin, isoleucin, methionin, cystin, phenylalanin, tyrosin, vv.

Lá non và quả cây Sung báng được các dân tộc Thái, Mường sử dụng làm rau ăn từ lâu đời. Người Thái ở Tương Dương (Nghệ An) thường trồng quanh nhà để lấy lá ăn dưới dạng luộc, xào, nấu canh. Hiện nay, Cty cổ phần Thực phẩm SANNAM đang phát triển thành rau hàng hóa. Bột rau Sung báng dùng để nấu bột cho trẻ nhỏ, bổ sung thành phần rau xanh rất tốt. Trong dân gian, nhựa mủ của cây Sung báng bôi ngoài da để chữa vết bỏng, mụn nhọt, lở loét. Lá cây này còn dùng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc. Gỗ Sung báng mềm, thớ hơi thô, dễ chế biến trong công nghiệp, có thể làm các đồ đạc gia dụng.

Cây Sung báng hiện nay được một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippin   phát triển trên phạm vi lớn, làm cây trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và cây xanh cho đô thị.

 

Chú ý: Cần phân biệt cây Sung báng (Gừa) với một cây khác cũng có tên là Gừa, còn gọi là Si quả nhỏ, tên khoa học là Ficus microcarpa L.f., họ Dâu tằm (Moraceae).

 

TSKH. Trần Công Khánh




 

Lượt xem: 8601

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE