quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Cây ngô đồng

Thứ Ba, 16/06/2020 | 08:57:00 AM

(vacne) - Ở Việt Nam, chi Ngô đồng (Firmiana) có hai loài là cây Ngô đồng, hay Ngô đồng Huế và cây Ngô đồng đỏ, Bo đỏ, hay Bo rừng ở cù lao Chàm, đều thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).

 

Cây Ngô đồng có tên khoa học là Firmiana simplex (L.) W.F. Wight), tiếng Anh gọi là Chinese parasol tree, được nói đến chủ yếu qua thơ ca, như biểu tượng của một loài cây vương giả. Nó thường được gắn với hình tượng chim Phượng hoàng, một loài chim huyền thoại trong tứ linh, tượng trưng cho vẻ đẹp, sự cao sang và quý phái. Trong bài “Bàn về cây Ngô đồng” (T/c Thuốc & Sức khoẻ, số 276-277, tr. 29, 2005), nhà giáo N.P.V.Thọ (người con của Huế) viết  “Huyền sử kể lại là chim Phượng hoàng luôn luôn tìm cây Ngô đồng để đậu”.

 

 

Ngô đồng là cây gỗ to, sống lâu năm, cao 20-30m, vỏ nhẵn, tán gọn. Lá mỏng, nhẵn, đa dạng, từ lá nguyên hình tim đến xẻ 3-5 thùy hình chân vịt, cuống lá dài đến 30cm. Cụm hoa là chùm dài khoảng 30cm, có lông mịn. Hoa không cánh, đơn tính cùng gốc, đài cao khoảng 9mm, màu hồng tím, xẻ sâu. Hoa nở rộ vào khoảng cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch sau khi cây rụng hết lá. Khi hoa nở, cây Ngô đồng trông như một bó hoa khổng lồ màu hồng tím rất đẹp. Quả nang, dài khoảng 10cm, vỏ quả mỏng, mang 2-4 hạt không rụng khi quả khô tự mở.

Hình 1: Cây Ngô đồng Huế (nguồn: Internet)

Hình 2: Hoa Ngô đồng Huế (nguồn: Internet)

 


 

Cây Ngô đồng trồng ở 2 bên góc điện Cần Chánh, trong Đại nội kinh thành Huế, được đưa về từ Quảng Đông (Trung Quốc). Theo Đại Nam nhất thống chí, Vua Minh Mạng lệnh cho người đi tìm cây Ngô đồng trên dẫy Trường Sơn mang về trồng trong kinh thành. Hiện nay, còn một số cây ở  bên đầu cầu Tràng Tiền, trong công viên Tứ Tượng, 2 cây ở lăng Minh Mạng .... Cây ở Tả Vu đến nay cao khoảng 18m, đường kính thân 70cm. Trên bộ Cửu đỉnh đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế có chạm khắc 28 loài danh mộc tiêu biểu của Việt Nam. Đỉnh thứ hai là Nhân đỉnh (thụy hiệu của vua Minh Mạng) có khắc hình cây Ngô đồng, để khẳng định rằng Ngô đồng cũng là cây có trong trong rừng nhiệt đới của nước ta.


Hình 3: Cây Ngô đông khắc trên Nhân đỉnh (nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, cây Ngô đồng Huế mọc rải rác trong rừng núi đá vôi ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và dọc dãy Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra, cây này còn có ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Về hoá học, từ chất chiết trong n-butanol của vỏ cây Ngô đồng, Y.K.Son và cs. (2005) đã xác định được một neolignan mới là simplidin, và các hợp chất đã biết là scopoletin, quercitrin, syrigaresinol, aquillochin, nitidanin, tamarixetin 3-rhamnosid.

Về công dụng, theo tài liệu nước ngoài, lá và vỏ thân Ngô đồng có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm; chất quercitrin trong cây Ngô đồng có tác dụng bảo vệ gan (trên động vật thí nghiệm). Lá Ngô đồng được sử dụng trị nhọt, bệnh trĩ và vết thương lở loét. Hạt có tác dụng chống viêm, long đờm. Nước sắc của rễ có tác dụng giảm sưng. Theo Y học cổ truyền, lá và vỏ cây Ngô đồng được dùng để chữa bệnh trĩ, lòi dom, trừ phong thấp, thủy thũng. Hạt có thể chữa đau dạ dày và tiêu chảy.

Thành phố Huế có sông Hương, núi Ngự Bình, có nhiều Lăng tẩm, Đền đài cổ kính … Đã có ý kiến, nếu trồng thêm nhiều cây Ngô đồng trong thành phố, như dọc hai bên bờ sông Hương và các khu di tích lịch sử, khi cây trổ hoa sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho cố đô Huế.


  
Loài thứ hai là cây Ngô đồng đỏ, tên khoa học là Firmiana colorata (Roxb.) R.Br., phân bố ở  cù lao Chàm  (cách bờ biển Cửa Đại, tp. Hội An, Quảng Nam      15 km). Cây này mọc rải rác khắp  đảo, từ độ cao 50m đến gần 500m, tập trung nhiều trên sườn núi phía tây, từ dốc xóm Mới đến bãi Cụt với chiều dài khoảng 1km. Ngô đồng đỏ là cây gỗ trung bình, cao 10-20m. Lá đa dạng, từ nguyên đến xẻ 3-5 thuỳ hình chân vịt. Hoa có màu đỏ cam, đài hình ống, trên xẻ 5 thuỳ, nhiều lông mịn. Cây Ngô đồng đỏ cho sợi vỏ đan võng và làm các hàng mỹ nghệ; hạt chứa nhiều dầu, rang lên ăn rất bùi. Cây này còn phân bố ở Khánh Hoà (Nha Trang), Bà Rịa-Vũng tàu (Bà Rịa), Ấn Độ và Myanma.

Hình 4: Cây Ngô đồng đỏ (nguồn: Internet)

Cấu tạo và màu sắc hoa, quả của hai loài này khác nhau: Hoa của Ngô đồng Huế có màu hồng tím, đài nhẵn, xẻ sâu, quả nang có 2-4 hạt. Hoa của Ngô đồng đỏ ở cù lao Chàm có màu đỏ cam, đài hình ống, nhiều lông mịn, trên xẻ 5 thuỳ ngắn, qủa chỉ mang 1-2 hạt.


Hình 5: Hoa Ngô đồng đỏ (nguồn: Internet)

Cù lao Chàm còn có 3 cây Ngô đồng đỏ khoảng 155-250 năm tuổi, ở thôn Bãi Làng, đảo Hòn Lao, xã đảo Tân Hiệp đã được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.

Chú ý: Thời gia qua, có nhiều bài trên báo giấy, báo mạng, kể cả sách về thực vật đã có sự nhầm lẫn giữa cây Ngô đồng (họ Trôm) nói trên với các cây Vông đồng, Ngô đồng cảnh và cây San hô đỏ (cùng họ Thầu dầu). Những cây này có chất độc.

1.      Cây Vông đồng, còn gọi là Ba đậu tây, tên khoa học là Hura crepitans L., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Đây là cây gỗ to, cao 15-20m, hoặc hơn, có tán lá rộng, thường được trồng ở ven đường, đình chùa, hoặc sân trường để tạo bóng mát. Thân cây có nhiều gai to, nhọn, toàn cây có nhựa mủ màu trắng như sữa. Lá mọc so le, hình trứng, gốc lá tròn hoặc hình tim, đầu lá thuôn hẹp thành mũi nhọn. Hoa đực màu đỏ, tụ họp thành một bông dài, đài hình đấu, không cánh hoa, nhiều nhị dính với nhau thành một cột. Hoa cái mọc đơn độc ở các nách lá, không cánh hoa, bầu gồm 5-20 ô. Quả nang to, dẹt, hình bánh xe. Khi khô, quả rơi chạm đất sẽ phát ra tiếng nổ, có thể văng hạt đi xa tới 50m. Cây Vông đồng có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới Châu Mỹ.

 

Vông đồng là cây độc. Nhựa mủ chứa chất độc là hurin, hurain và crepitin, được dùng để duốc cá và tẩm tên độc. Hạt chứa 37% dầu béo, 26% protein. Bã hạt sau khi ép dầu chứa 11,12% N; 2,13% K2O; 1,2% P­2O5 và 2,34% CaO. Hạt, dầu hạt, vỏ thân và nhựa mủ đều độc, gây tẩy và gây nôn mạnh, đặc biệt chất crepitin có độc tính cao. Nhựa mủ dính vào da gây rộp da, dính vào mắt gây tổn thương mắt, có thể bị mù. Ăn hạt sẽ gây nôn mửa, đại tiện ra máu, ngộ độc nặng có thể chết. Chất độc của cây Vông đồng cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng và diệt sâu bọ.

 


Hình 6: Cây Vông đồng (nguồn: Internet)

 


Trên báo mạng đã đưa tin một số trường THCS ở Miền Trung có trồng cây Vông đồng trong sân trường để tạo bóng mát, học sinh thấy quả rơi quanh gốc cây đã đập vỡ quả lấy hạt để ăn. Ngay sau đó, các em đều bị ngộ độc với những triệu chứng như đau đầu, choáng, nôn mửa, vv., phải đưa đến các cơ sở Y tế để cấp cứu.



2.      Cây Ngô đồng cảnh, còn gọi là Dầu lai lá sen, Dầu lai có củ hay Độc bình (Huế), tên khoa học là Jatropha podagrica Hook., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây sống nhiều năm, được trồng làm cảnh, cao khoảng 0,5-1m, thân mập mọng nước, không phân nhánh, gốc thân phình to (như lọ độc bình). Lá to, gần tròn, mép chia 3-5 thuỳ hình chân vịt. Cụm hoa là ngù màu đỏ nhạt. Hoa có 5 cánh dài từ 7-8mm. Quả nang, đường kính khoảng 1,5cm. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng.  

Nhựa mủ cây Ngô đồng cảnh chứa 2 chất podacyclin A và podacyclin B. Chất chiết bằng methanol của thân cây này chứa 6 hợp chất là fraxidin, fraxetin, scoparon, 3-acetylaleuritolic acid, β-sitosterol và sitosteron. Hạt chứa 40% dầu béo có tác dụng gây tẩy và chất curcin độc như chất ricin trong hạt Thầu dầu. Nếu ăn hạt Ngô đồng cảnh sẽ bị ngộ độc.

Hình 7: Cây Ngô đồng cảnh (nguồn: Internet)

3.    Cây San hô đỏ, còn gọi là Dầu mè đỏ, Bạch phụ tử, Dầu lai nhiều khía, Đỗ trọng nam, tên khoa học là Jatropha multifida L., cùng chi, cùng họ với cây Ngô đồng cảnh nói trên. Có sách dẫn câu ca dao “Cây Ngô đồng không trồng mà mọc, lá Ngô đồng xẻ dọc, xẻ ngang” để chỉ cây Ngô đồng cảnh là không đúng. Vì phiến lá cây Ngô đồng cảnh không bị “xẻ dọc xẻ ngang” như lá cây San hô đỏ, và lá Ngô đồng cũng không xẻ dọc, xẻ ngang như câu ca dao.

 
Cây San hô đỏ có nhựa mủ màu trắng; hạt chứa 28-30% dầu béo, có tác dụng tẩy mạnh, cũng là một cây độc.

Hình 8: Cây San hô  đỏ (nguồn: Internet)  


  

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem: 4031

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE