(VACNE) - Báo Thanh Niên vừa đăng bài về cây hồng "nhung" đặc sắc và nêu dự kiến xin đăng ký công nhận Cây Di sản Việt Nam. Thật mừng vì có thể đây là loài cây quý hiếm.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long, cây hồng 'nhung' trăm tuổi ở H.Tam Bình có thể xem là độc nhất vô nhị ở miền Tây.
Người đang sở hữu cây lạ này là cụ bà Nguyễn Ngọc Vương (82 tuổi, ở ấp 7, xã Hòa Hiệp, H.Tam Bình, Vĩnh Long).
Theo cụ Vương, ngay khi cụ còn bé, cụ đã thấy cây này ở ngay vườn nhà mình. Không biết ai trồng, tuy nhiên, cụ Vương khẳng định từng nghe cha ruột kể lại rằng cây hồng "nhung" đã có từ trước đó rất lâu.
Ông Mẫn nói: Trái cây này nhìn rất giống trái hồng ở Đà Lạt, nhưng vỏ có phủ một lớp nhung bên ngoài, nên người địa phương gọi là cây hồng "nhung". Theo tôi, đây là giống cây quý, bởi tôi cũng chưa từng thấy nơi đâu có, hiện chỉ tìm thấy tại Vĩnh Long. Tuổi thọ cây cũng cao, trên 100 năm tuổi.
“Nếu đủ các yếu tố cần thiết, hội sẽ đề nghị công nhận đây là cây di sản”, ông Mẫn phấn khởi nói thêm.
Một người ôm không giáp gốc cây cổ thụẢNH: THANH ĐỨC
|
Bà Vương phấn khởi bên cây hồng "nhung" con vừa trồng được.ẢNH: THANH ĐỨC
|
Bằng mắt thường, có thể thấy đây là cây thân gỗ, da xù xì, chiều cao khoảng 25 m, táng cây rộng khoảng 30 m2. Gốc cây khá to, một người lớn ôm không giáp.
Cây hồng "nhung" có lá giống lá mận nhưng nhỏ và dài hơn. Lá non có màu hồng trước khi chuyển màu xanh. Cây cho trái quanh năm, nhiều nhất vào mùa khô. Trái hồng "nhung" có dạng hình trứng tròn, vỏ có lớp lông nhung bao phủ màu đỏ nâu.
Khi chín, trái hồng "nhung" có cơm mềm, mùi thơm dịu, vị ngọt thanh rất hấp dẫn.
Trái hồng "nhung" khi chín có màu rất đẹp, mùi thơm ngào ngạt.ẢNH: THANH ĐỨC
|
Cụ Vương cho biết thêm, từ lâu nay, gia đình không biết cách nào để nhân giống cây này, vì trái không có hạt. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, cụ Vương phát hiện gần gốc cây cổ thụ có mọc lên một cây hồng "nhung" con, nên bứng gốc, mang vào gần nhà để trồng. Hiện cây con này đang phát triển tốt.