(VACNE) - Ngày 08/03/2017, trong không khí mùa xuân tràn đầy niềm vui, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Muỗm tại Đình thôn An Vinh (thôn Rổn), xã Thanh Luận, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Đại điện lãnh đạo địa phương và Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
mở băng khánh thành Bia Cây Di sản Việt Nam
Bắc Giang là vùng đất thiêng liêng, nước sông hữu tình, mưa nắng thuận hòa, có cây bốn mùa xanh tốt. Nhiều tên núi, tên sông, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử, cổ tích và ca dao, Thanh Luận cũng tự hào là nơi cuội nguồn của cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sau khi quân Pháp đình chiến Sơn Động, cơ sở của ta ở nhiều xã bị tan vỡ, hầu hết các xã nằm dưới sự kiểm soát của địch, trừ hai xã Thanh Luận và Bồng Am. Huyện ủy đã tập trung củng cố xã Thanh Luận và Bồng Am trở thành căn cứ du kích. Đồng chí Trần Văn Thiện phái viên của Huyện ủy được Huyện ủy cử về Thanh Luận để củng cố các phong trào của xã, tháng 4 năm 1947, Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện và một số tổ chức quần chúng đã sơ tán vào Thanh Luận. Giữa năm 1948, Trung đoàn Độc Lập (còn gọi là bộ đội Việt Bắc hay là Trung Đoàn Mạnh Hùng) về đóng ở Thanh Luận. Cuối năm 1948, quân Pháp đánh chiếm khu Hòn Gai. Các cơ quan Đảng, chính quyền đặc khu Quảng Hồng (nay là Quảng Ninh) chuyển đến Thanh Luận, cơ quan Đảng chính quyền Quảng Hồng đóng tại thôn Rổn, đình thôn Rổn là nơi họp chính của các cơ quan Quảng Hồng. Một số kho lương thực, vũ khí cũng chuyển về Thanh Luận. Trong những năm này, Thanh Luận nằm trong vòng vây của địch, đời sống nhân dân rất khó khăn. Có câu “Tứ Trang ăn rau lang chấm mẻ”, “Sắn bung cả cục, muối vay từng thìa”. Câu ca trên nói những khó khăn vất vả của người dân Thanh Luận lúc bấy giờ.
Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng chi bộ và nhân dân Thanh Luận vẫn chở che, đùm bọc, đảm bảo an toàn các đơn vị bộ đội, cơ quan sơ tán về địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân xã Thanh Luận cũng như các vùng lân cận, đã một lòng theo Đảng đánh giặc, chở che, nuôi giấu cán bộ, xây dựng thành vùng quê cách mạng, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não và cán bộ cách mạng tiền bối của tỉnh Quảng Hồng trong giai đoạn bí mật, đóng một vai trò rất quan trọng góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945 giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, hàng năm tỉnh ủy Quảng Ninh vẫn thăm hỏi tặng quà cho Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Luận mỗi khi tết đên, xuân về. Vừa qua tỉnh ủy Quảng Ninh đã chấp thuận đầu tư khôi phục xây dựng di tích ATK tại xã Thanh Luận.
Ngày nay, huyện Sơn Động đã được Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với huyện đặc biệt khó khăn, nhất là Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, tuy nhiên Sơn Động còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, hạ tầng kinh tế thấp kém, trình độ dân trí hạn chế và không đồng đều, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường.
Chương trình Vinh danh Cây Di sản Việt Nam đã mang đến ý nghĩa, động viên tinh thần to lớn cho bà con nhân dân trong xã Thanh Luận nói riêng và huyện Sơn Động nói chung. Phát biểu tại buổi Lễ, ông Vũ Bá Mừng, Bí thư Đảng ủy Xã Thanh Luận xúc động nói: “Ngày 6/5/2016, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra thông báo số 189, thông báo cây Muỗm của địa phương đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam, niềm vui như vỡ òa tại trụ sở UBND Xã hôm đó, khi nhận được thông báo của Hội. Thật không gì vui hơn khi Đảng bộ và nhân dân trong xã Thanh Luận được đón Bằng công nhận cây Muỗm là Cây Di sản Việt Nam”. Cây Muỗm đã có từ lâu đời, là biểu tượng của làng quê, là minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển thịnh vượng của quê hương. Trải qua bom đạn kẻ thù cùng với thời gian khắc nghiệt, cây Muỗm vẫn hiên ngang kiêu hãnh đứng cạnh đình làng khoảng 500 năm qua, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, của con người nơi đây.
Ngày hôm nay, cây Muỗm đã làm nên một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của xã Thanh Luận. Lễ vinh danh cây Muỗm là Cây Di sản Việt Nam đã được tổ chức trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân và chính quyền xã. Đó là động lực để cán bộ và nhân dân không ngừng phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn những lối sống tốt đẹp, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nâng cao tinh thần bảo vệ thiên nhiên và môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Đồng thời, kết nối tình thân giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với con người, đề cao giá trị nhân văn và đoàn kết dân tộc, vượt qua khó khăn, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT, VH, XH, đảm bảo ANQP, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống người dân.
Ngày đón Bằng Cây Di sản Việt Nam thực sự là ngày Hội của dân làng,
từ các cụ già đến các em nhỏ đều nô nức đên dự Lễ