quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Cây đại thụ ngàn năm - Chào Cây Dã Hương Tiên Lục !

Thứ Năm, 15/07/2010 | 02:14:00 PM

Đã mấy chục năm tôi mới trở lại đây; Một vùng quê còn rất đậm sắc thái của chốn hương đồng gió nội. Đường làng quanh co; Bóng tre trùm xuống bờ ao, mái ngói. Người dắt trâu, người đẩy xe chở lúa chín về nhà. Trai thanh, nữ tú, đượm vẻ nết na, hiền thục.

 
 
 TRẦN NGỌC HẢI
TRUNG TÂM MỸ THUẬT – MÔI TRƯỜNG (VACNE)


Nơi ấy, Xã Nhật Thôn, Làng Tiên Lục, Tổng Đào Quán, huyện Bảo Lộc, Phủ Lạng Giang trước đây. Nay là Xã Tiên Lục, Huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang.
Ngày đó, tôi là một “hoạ sỹ” nghiệp dư tỉnh lẻ, nổi tiếng trong đám học trò giản dị. Mà đã “nghiệp dư” lại còn “tỉnh lẻ”, hay tìm những đấng trượng phu trong sách làm thần tượng. Thành ra, cái máu liều và lòng tự hào quá mức cứ dai dẳng theo tôi ở đoạn đầu đời! Ấy vậy mà cũng được việc thật, Nhà trường cử tôi về vẽ Cây Dã Hương Tiên Lục, để nhớ thời tản cư 9 năm kháng chiến. Cả thầy trò trường phổ thông
cấp 2-3 Ngô Sỹ Liên tản cư về đây nương tựa vào cây và mái đình cổ mà học. Nhiều lớp đàn anh cũng đã trưởng thành từ đây. GS Đặng Xuân Kỳ giải nhất văn Liên khu, GS Phan Thu giải nhất Toán toàn niên khu... đều từ đây cả. Rồi cả Vũ Tự Lân- nhạc sỹ, Lê Lam- họa sỹ, Nguyễn Hà- nhà văn... Dân làng đến nay vẫn còn nhớ và tự hào về trường. Chỉ nghe các thầy kể lại về sự học thủa ấy, tôi đã hình dung mà vẽ được hẳn một bức tranh to mái đình và cây Dã Hương che chở cho các học sinh cầm đèn đi học trong thời kháng chiến. Tranh được triển lãm cùng các thành quả quân dân ta đạt được sau kháng chiến. Thầy trò đến xem rất đông, toàn khen, toàn tự hào về tôi. Đương nhiên, tôi lại càng có dịp tự mình tự hào hơn về mình. Cám ơn Nhà trường và cây Dã Hương Tiên Lục, vô tình đã hướng nghiệp đời tôi…
40 năm có dư. So với cây thì thời gian ấy chẳng là bao; So với đời người thì thực dài dằng dặc. Biết làm sao? Cây vẫn đứng đây, còn tôi thì một đời hồ thỉ.
                                                          *****
Bạn có biết? Trong bộ Từ Điển Bách khoa Larousse, ở vần Cam, từ Camphrier, đã in ảnh cây Dã Hương Tiên Lục với một thanh niên đứng dưới gốc, đầu đội mũ cát, cái mũ thịnh hành hồi đầu thế kỷ, ngửa cổ nhìn cây, dưới ảnh ghi: “Le camphrie de Tien Luc deuxieme camphrie du monde” tức là: ”Cây Dã Hương Tiên Lục, cây dã thứ hai thế giới.”
Thật tự hào và cảm động lắm. Cây đã làm bừng lên trên bản đồ tổ quốc một điểm sáng Tiên Lục;
Ấy vậy mà đời cây cũng như đời người biết bao thăng trầm, biến cải. Đã có lần, trẻ chăn trâu đốt rơm nướng khoai tránh rét chẳng may lửa bén vào chỗ rễ khô mục, lửa âm ỉ lan theo lõi rễ cây vào tận gốc, nửa đêm dân làng phát hiện mùi thơm khét, thì ra cây dã hương đang bị cháy ngầm trong thân, mọi người hò nhau ra cứu. Không xong, lãnh đạo xã phải báo về tỉnh, hai xe cứu hoả cấp tốc vượt hơn hai chục cây số, vật lộn cả đêm mới cứu được cây. Dân làng ai cũng lo cho cây, cùng nhau gánh đất đắp ủ vào vết thương cây; Hàng ngày thay nhau gánh nước tưới cho cây. May thay, mùa xuân, cây đã hồi sinh trở lại, nở lộc đâm chồi, khoác trên mình một mầu áo mới!. 
Mấy mươi thế hệ dân làng, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Tiếng gươm khua, tiếng ngựa hí. Tiếng reo hò của các chiến binh Đề Thám. Bóng cờ bay trong đoàn quân áo vải trở về…Cây vẫn đứng đó làm nhân chứng cho đời.
Nghe nói từ thời Tự Đức, cây đã nổi tiếng rồi; Có vị khâm sai biết vậy, đã chặt một đoạn gốc Dã Hương đem về Huế để dâng Vua, nhà Vua hết sức sủng ái. Cả dân xóm đạo làng Tây cũng lần về xin cây để làm một chiếc thánh giá dâng toà thánh Bắc Ninh. Rồi Toàn quyền Dume cũng mê mà cất công lên tận đây xin chủ điền Secnay một cành để làm đồ kỷ niệm mang về nước.. Đến mức, Chính quyền thực dân xâm lược đã phải mở một con đường từ Cao Thượng qua Bến Tuần đến Tiên Lục cho tiện ô tô về thăm cây. Người ta  nói, đó là cây Trời, ai muốn xin lộc trời cứ việc ôm cây mà cầu nguyện…
Dân làng nói thật chẳng ngoa: Hương Dã Hương quê tôi đã lan toả cả trời Âu Á!
*****
Hôm nay, giữa trưa hè nắng gió; Đứng dưới Dã Hương, biết bao nỗi niềm ập đến trong tôi. Cây vẫn xanh, cành lá vẫn mượt mà; Hương Dã Hương vẫn ngày đêm ngào ngạt; Song, có lẽ vì cây nổi tiếng, nên qua các thời, trải dài nhiều thế kỷ, kẻ xin người chặt đã làm hại cây. Với cái thân bị rỗng, liệu có giữ được mãi những đứa con vạm vỡ trên mình? 
Ở một góc vườn còn một đống ngổn ngang cành gẫy, anh Đề, người coi cây tự nguyện, cưa cho mỗi người một mẩu về làm kỷ niệm. Anh còn kể về “cái cửa” ra vào trên thân cây, người lớn trẻ con vẫn thường leo lên rồi chui vào lòng cây “thưởng ngoạn”. Tôi kiễng chân ngó vào “căn phòng” trong lòng cây ấy có thể chứa năm sáu người ngồi chơi được. Thân cây đã rỗng hết rồi!
Phải nói rằng, Chính quyền và nhân dân địa phương đã rất quan tâm, chăm sóc bảo vệ cây, Đó là cái phúc của cây.
Cũng đã từng có những đoàn khoa học gia, các nhà bảo vệ thiên nhiên môi trường về đây nghiên cứu, tham gia chữa bệnh cho cây, giúp cây hồi sinh trở lại. Và, với danh tính vĩ đại ấy, càng ngày càng có nhiều đoàn khách về chiêm ngưỡng cây.
Chỉ có điều, từ khi cây được công nhận cấp Nhà Nước, người ta trịnh trọng xây lối vào, rào tường ngăn, cổng sắt hai bề, chứng tỏ đẳng cấp giữa cây và cuộc sống đời thường! Cây như bị nhốt trong vườn, nhỏ bé đi, hạn chế sự giao lưu; hoà nhập. Không còn độ lùi xa để mà ngắm cái vẻ kiêu hùng, hoành tráng của cây. Cảm giác như bị nghẹt thở trong một không gian chia cắt!
Biết làm sao? Chỉ mong cho Dã Hương sống mãi! Xứng danh ngôi đầu trong làng họ Dã ngày nay. (cây số 1 ở Châu Phi đã chết rồi).
Một làn gió thoảng qua; hương Dã Hương ngào ngạt.
Tạm biệt Người, Cây Đại thụ ngàn năm!
                                                                                      TNH
 
 

Lượt xem: 2995

Các tin khác

Cây Rỏi mật đầu tiên ở nước ta được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/02/2025 06:19:PM)

Cây Gạo huyền thoại thôn Tân Mỹ – biểu tượng lịch sử và văn hóa được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 10:31:PM)

Cây Ruối khổng lồ của tỉnh Hải Dương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 09:57:PM)

Những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh Yên Bái được công nhận Cây Di sản Việt Nam mở đầu Lễ hội đầu Xuân

(16/02/2025 09:56:AM)

Cây Đa Đình Giải: biểu tượng xanh trường tồn nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam

(05/02/2025 03:50:PM)

Một số hình ảnh Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 11:29:AM)

Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 08:25:AM)

Những điều bí ẩn về cây đa hơn 200 tuổi ở Đắk Lắk

(04/02/2025 07:23:AM)

Cây trôi 800 tuổi ở Hà Tĩnh và cách ra hoa lạ thường đến khó tin

(01/02/2025 08:29:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE