quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Câu lạc bộ Ca khúc… “Tình cờ và Tình người”

Thứ Tư, 13/01/2010 | 03:37:00 PM

Liên tiếp bị bất ngờ từ khi được tiếp xúc với Câu lạc bộ Ca khúc Tháng Mười – một thành viên tích cực của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) nên tôi phải tạm gọi đây là CLB Tình cờ, CLB của tình bạn và tình người với thiên nhiên đất nước.



 
        Điều gây tò mò đầu tiên cho tất cả mọi người là: một tổ chức của các nhà khoa học, chuyên làm công tác huy động quần chúng bảo vệ tài nguyên môi trường, không có sự bao cấp nào của Nhà nước, mà lại có cả một đơn vị văn hóa nghệ thuật. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết Chủ nhiệm Câu lạc bộ này không phải là một Văn sĩ hay Nghệ sĩ, mà lại là một người cao tuổi, một vị sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu. Đặc biệt hơn là tất cả gần 30 thành viên CLB đều không còn trẻ, họ đều đã ở tuổi lên ông, lên bà; đã có một thời kinh qua trận mạc, làm cán bộ khoa học kỹ thuật, văn phòng hoặc đã từng nhiều năm đứng trên bục giảng làm thầy, làm cô giáo. Chỉ tới lúc nghỉ hưu, tham gia CLB này, họ mới trở thành các ca sĩ, vũ công. Dù chỉ là những nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng họ rất đam mê nghệ thuật và múa hát rất hay. Không ít lần đã gây ra bất ngờ cho khán giả trong các cuộc hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng, các buổi giao lưu văn nghệ của Liên đoàn Lao động thành phố và của Hội Bảo vệ Thiên nhiên -  Môi trường Việt Nam. Giải tỏa một phần tò mò của cánh báo giới, Chủ nhiệm CLB này đã “bật mí” cho biết, chính ông là con trai đầu lòng của Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Tô Cương. Ba ông ngày xưa cũng là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, rồi được học hành và trở thành nghệ sĩ. Còn ông, dù  được phân công học nghề xây dựng và đã nhiều năm phục vụ trong quân đội, nhưng có lẽ thừa hưởng “dòng máu nghệ sĩ”của Cụ, nên ông mê âm nhạc và thích tìm tòi sáng tác các ca khúc. Cho dù ông chưa qua một trường lớp văn hóa - nghệ thuật nào. Đại tá Tô Trang cho biết thêm: chính cái tên của CLB cũng nảy sinh từ một sự tình cờ, trong cuộc tụ hội bạn bè cuối năm 2004, đúng vào dịp Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Tuy đã được gợi ý với nhiều cái tên rất hay, nhưng mọi người đều yêu thích và đi đến thống nhất chọn cái tên “Câu lạc bộ Ca khúc Tháng Mười”. Khi đang loay hoay đi tìm một tổ chức hỗ trợ về mặt tinh thần cho đơn vị, lại cũng từ một sự tình cờ thông qua một người quen biết, Chủ nhiệm CLB này được tiếp xúc với ông Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam. Hình như đã có sự đồng điệu về tâm hồn của những người đam mê nghệ thuật, yêu thiên nhiên môi trường nên họ rất dễ dàng gắn kết với nhau. Và chỉ sau một thời rất gian ngắn thành lập, CLB Ca khúc Tháng Mười đã trở thành thành viên chính thức của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Trong một lần dắt dẫn CLB đến biểu diễn phục vụ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông Tô Trang cũng bị bất ngờ, khi nhận ra GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội lại chính là thầy giáo cũ. Nhìn hai ông già (một thầy - một trò) sau nhiều năm xa cách lại được gặp nhau trong đại gia đình Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam hầu như ai cũng xúc động. 

         Tìm hiểu về các thành viên CLB Ca khúc này, chúng tôi càng lạ lùng hơn, khi biết được tất cả những thành viên đều là những người mê văn hóa nghệ thuật và thích cuộc sống hòa nhập với thiên nhiên môi trường. Họ hội tụ về đây và gắn bó với nhau không có gì khác, ngoài những mong muốn được giao lưu, được chia sẻ những buồn vui, nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường qua những lời ca, điệu múa. Điều bất ngờ nữa là trong CLB này có cả hai vợ chồng ông Lê Kiên Cường và bà Nguyễn Thị Dung cùng tham gia. Không biết thời trai trẻ họ có thường xuyên gặp nhau qua cánh sóng thông tin  hay không. (Vì ông Cường từng là sĩ quan Bộ tư lệnh Thông tin, còn bà Dung là cán bộ nhà máy Thiết bị Bưu điện). Nhưng bây giờ họ vẫn cùng chung một sở thích được giao lưu ca hát và liên tục cùng nhau tham gia các hoạt động của CLB Ca khúc Tháng Mười. Với nguồn kinh phí ít ỏi do các hội viên tự nguyện đóng góp nhưng CLB vẫn duy trì tốt các buổi luyện tập thường xuyên và có thể tham gia công diễn mỗi năm từ 10 đến 12 chương trình. Ông Chủ nhiệm  bộc bạch: thực ra, số tiền 30.000 đồng /người trong một tháng Câu lạc bộ không đủ kinh phí tối thiểu để thuê dàn nhạc khi công diễn, may trang phục và các chi phí tối thiểu khác. Nhưng nhờ có một số nhà hảo tâm tài trợ (dù không thường xuyên và cố định) nên các hoạt động của CLB vẫn duy trì tốt và có phần khởi sắc.

                Lần đầu chứng kiến: Bích Hợp trình bày bài “Suối Mơ”, Bích Lân vừa múa vừa hát bài “Mùa xuân em lên rẫy”; nhất là khi nghe giọng ca khỏe khoắn của PGS.TS Ngọc Quý, khi trình bày bài  hát “Rừng chiều” ai cũng lầm tưởng đây là các nghệ sĩ thực thụ. Đặc biệt, những tiết mục này khá hấp dẫn khi có thêm sự hòa âm và múa phụ họa của tập thể CLB Ca khúc Tháng Mười. Không ai có thể ngờ rằng: đây chỉ là một đơn vị nghệ thuật nghiệp dư, với hầu hết diễn viên là những người luống tuổi. Dù chỉ là một đơn vị nghệ thuật không chuyên, các nghệ sĩ, ca sĩ chỉ là những “kẻ ngoại đạo”nhưng CLB Ca khúc Tháng Mười luôn luôn luôn biết tự làm mới mình. Khởi đầu chỉ bằng những bài ca, điệu múa truyền thống, với chủ đề ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương đất nước, nhưng dần dần CLB đã có những bài hát mang đậm nét về Bảo vệ thiên nhiên môi trường. Từ các bài: “Nhạc rừng”, “Tiếng hát của những dòng sông”, “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Bài ca bên cánh võng” quen thuộc, trong các chương trình gần đây của CLB này đã xuất hiện nhiều tiết mục chứa đựng sâu hơn về nội dung bảo vệ thiên nhiên môi trường. Các thông điệp trong các bài hát mới “Tiếng gọi thế kỷ môi trường”. “Ước mơ môi trường trong xanh mãi”… còn được nâng lên một cách sâu sắc hơn nhờ cách biến tấu, hòa thanh khá mới lạ của các đạo diễn, biên đạo nghiệp dư của CLB Ca khúc Tháng Mười. Nhiều bài đơn ca được CLB này chuyển thành hợp ca, múa phụ họa đã gây không ít bất ngờ cho khán giả. Không chỉ dừng lại ở việc cải biên những tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp, mà một số thành viên của CLB này còn sáng tác được một số tác phẩm mới, được khán giả ưa thích. Điển hình là bài” Nụ cười Tiên Sa” của Tô Trang, đã được cán bộ công nhân viên một số khu du lịch sinh thái và một số khu bảo tồn thiên nhiên ở vùng núi Ba Vì (Hà Nội) đã coi như một bài ca truyền thống của đơn vị họ. /.
   
Quang Chính   

Lượt xem: 3081

Các tin khác

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE