Xe ô tô điện vận hành tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó làm giảm tiếng ồn, không gây khói bụi.
Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, công tác giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó luôn được Ban Quản lý Khu di tích quan tâm. Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý đã thiết kế đầu tư trồng thêm nhiều cây xanh, hoa xung quanh di tích; bố trí sử dụng xe ô tô điện vận chuyển khách tham quan giúp giảm tiếng ồn, không gây khói bụi. Khu di tích đã xây dựng nhiều nhà vệ sinh sạch sẽ bảo đảm chất lượng phục vụ du khách; đặt nhiều thùng rác, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải tại các khu vực trong di tích và tập kết đúng nơi quy định, kịp thời vận chuyển đến nơi xử lý, bảo đảm cảnh quan, môi trường luôn sạch, đẹp.
Công ty cổ phần Du lịch Cao Bằng hiện được UBND tỉnh giao quản lý, thu phí tại 2 điểm du lịch: Khu du lịch thác Bản Giốc; động Ngườm Ngao. Trong những năm qua, Công ty thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân viên, người lao động chấp hành tốt công tác môi trường. Bà Tống Thị Đàm Hương, Giám đốc Công ty chia sẻ: Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, Công ty lắp đầy đủ nội quy tham quan đối với khách du lịch tại các điểm du lịch, trong đó chủ yếu là các nội dung về bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bổ sung thêm tiếng Anh và tiếng Trung cho du khách nước ngoài nắm rõ. Xây dựng bổ sung 5 nhà vệ sinh tại 2 điểm du lịch, cử nhân viên vệ sinh, bảo vệ, hướng dẫn viên thường xuyên kiểm tra trong động Ngườm Ngao nhằm kiểm tra vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn. Trang bị cho Khu du lịch 16 thùng chứa rác thải, được đặt tại những nơi thuận tiện. Sau mỗi ngày, nhân viên vệ sinh mang thu gom, phân loại và có xe ô tô đến thu gom rác thải để xử lý theo quy định…
Là tỉnh có lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, lượng khách du lịch đến Cao Bằng ngày càng tăng. 8 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt hơn 1,1 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 330 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tăng trưởng du lịch có chiều hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định định hướng phát triển du lịch là đúng đắn, nhưng nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển trong tương lai. Sự gia tăng về lượng khách đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường do các chất thải từ hoạt động du lịch tăng nhanh; đa dạng sinh học, cảnh quan nhiều khu vực có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt tại những khu di tích, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ cảnh quan môi trường tại một số cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đi vào nền nếp. Nhiều điểm du lịch, các di tích đền chùa, khu vực tổ chức lễ hội... chưa có nhà vệ sinh, ít biển báo tuyên truyền về bảo vệ môi trường được lắp đặt. Địa điểm thu gom rác đặt ở những vị trí gây mất mỹ quan; việc xử lý chất thải, rác thải ở các khách sạn, nhà hàng chưa đúng quy định, chưa có phương án xử lý xả thải ra môi trường. Do đó, vào các mùa cao điểm khi rất đông du khách đến với các khu di tích, điểm du lịch, sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch, tỉnh phải huy động các lực lượng tham gia thu gom rác sau khi kết thúc các sự kiện.
Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: Để phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có định hướng quy hoạch du lịch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Ưu tiên xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới từ công trình xây dựng, khai khoáng, giao thông vận tải, sản xuất ở các làng nghề... Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư để triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thực hiện tốt việc bảo tồn diện tích rừng nguyên sinh, bảo vệ rừng đặc dụng. Đặc biệt, với việc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được chính thức công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO thì việc phát triển du lịch bền vững càng được chú trọng. Tại các điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học trong khu vực Công viên địa chất, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được chú trọng thông qua việc xây dựng các cơ sở vật chất bằng vật liệu thân thiện với môi trường, bố trí các thùng chứa rác và cử lực lượng thu gom, xử lý chất thải.
Ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và một số văn bản liên quan khác; tổ chức các đội kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, rà soát công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống và khu, điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh. Coi trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường tự nhiên nơi sinh sống; nâng cao hiểu biết của nhân dân, có trách nhiệm cùng chính quyền trong việc bảo vệ môi trường và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra về môi trường…
Công Hải