Cao Bằng: Điểm sáng mô hình phát triển kinh tế du lịch bền vững gắn với văn hóa dân tộc
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đảng bộ huyện Trùng Khánh xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong nhiệm kỳ qua, phấn đấu phát triển loại hình du lịch bền vững để địa phương trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
Non nước hữu tình của Trùng Khánh luôn thu hút du khách đến tham quan.
Huyện Trùng Khánh được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, có nhiều danh lam thắng cảnh như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần… Cộng đồng các dân tộc còn giữ được bản sắc văn hóa. Những nét đặc sắc trong văn hóa còn thể hiện qua văn hóa hát Then, hát Lượn, hát giao duyên, hát Hà Lều, Dá Hai, lễ hội lồng tồng… của người Tày, Nùng. Nhiều xóm, làng còn lưu giữ nghề truyền thống làm tương Méc Cảng, đậu phụ chao, bánh khảo Thông Huề… Trùng Khánh cũng có nhiều di tích văn hóa được xếp hạng.
Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Trùng Khánh đã ban hành Chương trình số 06-CTr/HU ngày 16/5/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, du lịch Trùng Khánh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được bảo đảm, doanh thu ngành du lịch dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Lượt khách du lịch đến Trùng Khánh các năm sau đều cao hơn năm trước, năm 2015 có trên 150.000 lượt khách du lịch đến tham quan, năm 2019 có 347.850 lượt khách du lịch đến tham quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Đàm Văn Vũ, điểm nhấn trong phát triển du lịch Trùng Khánh theo hướng bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc. Đến nay, Trùng Khánh đã hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như làng văn hoá truyền thống xóm Khuổi Ky, xóm Lũng Niếc…
Loại hình du lịch cộng đồng tại Trùng Khánh đang có bước phát triển với 14 homestay, mỗi năm thu hút hơn 5.000 lượt khách lưu trú. Để thu hút du khách, các làng du lịch cộng đồng, các homestay được thiết kế theo kiểu nhà sàn đá truyền thống của người Tày, Nùng, bao quanh là những vườn dẻ, mận, đào xanh ngát.
Tại homestay, các du khách còn có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập quán sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức các món ăn truyền thống, được hòa mình vào những làn điệu hát Then, Lượn; thử mặc những bộ quần áo dân tộc hay tìm hiểu phong tục truyền thống của các dân tộc nơi đây.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, huyện Trùng Khánh đã triển khai đào tạo, cử cán bộ tham gia tập huấn cho cán bộ, công chức và người quản lý lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. UBND huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền quảng bá du lịch.
Gạo nếp Pì Pất, đặc sản của huyện Trùng Khánh.
Với mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế; đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 20%, thời gian tới, huyện tập trung quy hoạch tổng thể, đồng thời kêu gọi đầu tư hạ tầng cơ sở khu du lịch, xây dựng mô hình tổ chức quản lý, khai thác các khu, điểm tham quan.
Có chương trình phục hồi và bảo tồn các làn điệu dân ca, phục hồi làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách; phát triển đặc sản địa phương như: hạt dẻ, lúa nếp Ong, các món ẩm thực nổi tiếng... Đặc biệt, thúc đẩy việc triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực, năng động của cả hệ thống chính trị cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và sự ủng hộ, vào cuộc của người dân địa phương, trong thời gian không xa, Trùng Khánh sẽ là lựa chọn, điểm đến lý tưởng của nhiều du khách và huyện Trùng Khánh sẽ là một điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế du lịch bền vững của Cao Bằng.