quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Cần viết lại Dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 08/08/2010 | 05:12:00 PM

VACNE- Theo TS Phạm Khắc Liệu, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế, Dự thảo Luật thuế Bảo vệ Môi trường cần phải được viết lại trên cơ sở bảo đảm tính chuẩn xác cao về ngôn ngữ, thuật ngữ và tính ổn định tương đối lâu dài của Luật. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài tham luận của Tiến sỹ Phạm Khắc Liệu tại Hội thảo “Phản biện xã hội về Dự thảo Luật Thuế Môi trường” vừa diễn ra tại Huế ngày 31/7/2010.

 
 
TS Phạm Khắc Liệu, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Huế

 
 Tác giả tham luận phát biểu tại Hội thảo
1. Dự thảo Luật cần chỉnh sửa các khái niệm, thuật ngữ một cách chính xác hơn. Cụ thể:

-          Điểm 5, Điều 2 dùng khái niệm  “Túi nhựa xốp” là không phù hợp cả về nghĩa (ở từ “xốp”) và tính phổ biến (trên thực tế “túi ni-lông” hay “túi nhựa PE” dùng phổ biển hơn). Đề nghị sử dụng thuật ngữ đơn giản là “túi nhựa PE”, phản ánh đúng bản chất vật liệu làm túi như nội dung giải thích. Ngoài ra ở mục này, nên bỏ các chữ “resin” trong chú thích tiếng Anh vì thừa, không tương ứng với cụm từ được viết tắt.
-          Điểm 6, điều 2 định nghĩa “Dung dịch HCFC là môi chất lạnh chứa hydro-choro-fluoro-carbon” (tên hóa học là chlorodifluoromethane)” là chưa chuẩn xác. Thứ nhất, HCFC là tên của nhóm chất dùng làm môi chất lạnh (không phải chỉ một chất), và clorodifloromethane (HCFC-22 hay R-22) chỉ là một chất trong số đó; HCFC sử dụng không phải dạng dung dịch. Thứ hai, cách viết tên nguyên tố có chữ -o phía sau -r (chloro-fluoro-) là sai, đây là tên nhóm thế khi ghép thanh tên chất (các nguyên tố thì phải là hydro, clo, flo và cacbon).
-          Ở Điều 3, khái niệm “nhiên liệu bay” chưa chuẩn về tiếng Việt, nên là “nhiên liệu cho máy bay” hay “nhiên liệu cho các phương tiện bay”. Khái niệm “thuốc bảo vệ thực vật” bao gồm cả thuốc diệt mối, khử trùng kho,…là không chính xác; nên dùng “Các hóa chất diệt côn trùng và phòng trừ dịch bệnh thuộc loại hạn chế sử dụng”.
 2. Việc xác định và phân chia các nhóm đối tượng chịu thuế trong dự thảo Luật còn tùy tiện, thiếu tính hệ thống, không theo tiêu chí nào và chưa chú ý bản chất, chức năng và phương thức tác động của đối tượng.
(a). Vấn đề khái niệm sản phẩm, hàng hóa
-          Khác với phí môi trường đánh vào quá trình sản xuất, thuế môi trường đánh vào sản phẩm của quá trình sản xuất. Ở điểm 1, điều 1 xác định thuế thu vào một số sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường. Ở điều 3, trong khi túi nhựa hay thuốc BVTV là các loại sản phẩm (đầu ra từ một quá trình sản xuất, người tiêu dùng mua về sử dụng) thì xăng-dầu và than lại khác, là nhiên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất ra sản phẩm khác (xét theo quan điểm của LCA thì chúng ở các vị trí khác nhau trong một chu trình sản phẩm).
-          Đề nghị: bổ sung, điều chỉnh điểm 1, điều 1 thành “thuế thu vào một số vật liệu, sản phẩm là hàng hóa (sau đây gọi là hàng hóa)…”.
(b).Vấn đề phân nhóm đối tượng ở điều 3:
Nên phân loại các đối tượng chịu thuế thành các nhóm theo một tiêu chí thống nhất và hệ thống để thấy rõ sự khác nhau khi áp dụng và sau này khi điều chỉnh, bổ sung đối tượng sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ: dựa theo phương thức tác động xấu đến môi trường, chia thành nhóm hàng hóa liên quan phát thải khí nhà kính, nhóm hàng hóa có độc tính với sinh vật và con người, nhóm hàng hóa khó phân hủy trong môi trường,…
 3. Việc tính thuế dựa trên mức thuế tuyệt đối như trong dự thảo Luật dù có ưu điểm là đơn giản nhưng lại hạn chế ở nhiều điểm như phải đặt khoảng dao động mức thuế khá rộng (như than từ 6000 đến 30.000 đ), sẽ nảy sinh bất hợp lý khi giá đơn vị hàng hóa tăng hay giảm mạnh và phải sửa đổi bổ sung (ví dụ, hiện thuế với túi nhựa bằng 100-150% giá bán, nhưng khi giá sản xuất túi nhựa giảm 1/2, mức thuế sẽ trở nên quá cao)…. Từ đó, thời gian sống của Luật sẽ ngắn đi, tính ổn định không cao. Đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc chuyển sang quy định căn cứ tính thuế dựa trên mức thuế tương đối (% giá trị hàng hóa). Thuế suất sẽ khác nhau với từng nhóm hàng hóa tùy theo phương thức tác động môi trường.
 4. Điều 7, khoản 2 chỉ quy định 2 nguyên tắc để chọn biểu khung thuế cụ thể gồm phù hợp sự phát triển KT-XH và mức độ gây tác động xấu của hàng hóa, tức mới đánh vào tiềm năng gây tác động môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tiềm năng tác động xấu sẽ chuyển thành tác động xấu như thế nào còn tùy thuộc vào quá trình sử dụng hàng hóa. Ví dụ, cùng một lượng xăng, dùng động cơ ô tô mới có hiệu suất đốt cháy cao hơn và bộ xử lý khí thải tốt hơn, sẽ phát thải ô nhiễm không khí ít hơn động cơ cũ. Ở quy mô nhỏ thì sự khác biệt không đáng kể, tuy nhiên  ở quy mô lớn sẽ là quan trọng. Khi mức thuế có tính đến yếu tố quá trình sử dụng hàng hóa, sẽ có thể khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (thay đổi công nghệ, sử dụng thiết bị hiệu năng cao,…).
Ngoài ra, trong Dự thảo chưa đề cập đến nguyên tắc giảm thuế liên quan đến hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu tái chế hay có phần tỷ lệ nguyên liệu thân thiện môi trường. Ví dụ, với túi nhựa, không thể đánh đồng mức thuế giữa túi sản xuất từ 100% nguyên liệu PE mới với túi sản xuất từ 50% PE mới và 50% PE tái chế; hay túi có sử dụng 10% tinh bột thay thế. Bổ sung quy định này sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng.
5. Một số điểm góp ý khác
-       Về tên Luật, nên sử dụng tên gọn hơn là “Luật thuế môi trường” (bỏ 2 chữ bảo vệ), để thống nhất khái niệm trong Luật Bảo vệ Môi trường và phù hợp với thuật ngữ tiếng Anh đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới “Environmental tax”. Tên gọi mới không làm thay đổi nội dung và mục tiêu của Luật.  
-       Tiêu đề chương II (Căn cứ tính thuế) chưa bao quát hết nội dung và trùng với tên của điều 6 thuộc chương này. Nên đặt tên Chương 3 là “Tính thuế” hay “Cách tính thuế’.
-       Dòng đầu tiên của Điều 4 phải là “Hàng hóa quy định tại Điều 3 Luật này” mà không phải là “…Điều 4 Luật này”.
 Tóm lại, việc ban hành Luật thuế môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, vì là một văn bản Luật với kỳ vọng đem lại tác động tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, nên Dự thảo cần phải được viết lại trên cơ sở bảo đảm tính chuẩn xác cao về ngôn ngữ, thuật ngữ và tính ổn định tương đối lâu dài của Luật./.
 
 

Lượt xem: 1612

Các tin khác

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE