Vườn dừa Tân Lộc.
Vườn sinh thái Quang Phúc (khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa) là một trong những vườn cây mới đi vào hoạt động đón khách gần đây tại quận Thốt Nốt. Với diện tích hơn 10ha, vườn sinh thái Quang Phúc được bao trùm bởi không gian rộng, xanh mát của nhiều loại trái cây: sầu riêng, mít, nhãn tím, thanh nhãn, chôm chôm, dâu, mãng cầu Thái… Trong đó, cây chủ lực là sầu riêng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương, quản lý vườn sinh thái Quang Phúc, cho biết: “Chúng tôi định hướng phát triển nơi đây thành khu vườn sinh thái để bà con, du khách gần xa đến thư giãn, trải nghiệm trái cây sạch. Do đó, tại đây chúng tôi trồng cây theo hướng tự nhiên, du khách đến đây có thể hái trái cây và thưởng thức tại vườn, đặc biệt là sầu riêng chín tại chỗ. Cây chủ lực ở đây là sầu riêng với khoảng 1.000 gốc trồng thuộc 3 loại: Ri6, Musang King và sầu riêng Thái”. Vườn sinh thái Quang Phúc không thu phí vé vào vườn, du khách đến đây có thể tự do trải nghiệm tham quan vườn, hái trái và thưởng thức tại chỗ. Giá trái cây được tính bằng giá thị trường bán bên ngoài. Theo đó, khi đến đây du khách có thể mang thức ăn, trải nghiệm không gian dã ngoại tự do, thoáng mát. Điểm vườn chỉ phục vụ bánh dân gian và một số món ăn đồng quê khi có đặt trước.
Khi đến Thốt Nốt, cù lao Tân Lộc, là điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây nổi tiếng với nhiều đặc sản trái cây: “ổi mặc áo”, “xoài bao màng”, “mận trùm màng”… Sở dĩ có những tên gọi kỳ lạ này vì trái cây tại cù lao Tân Lộc thường được trồng theo tiêu chuẩn sạch, cả vườn thường được phủ màng hoặc bao bọc từng trái. Trái cây vì thế thường ngon ngọt, an toàn. Một trong những điểm vườn quen thuộc với nhiều du khách là vườn ổi cô Ðiệp (khu vực Tân An, phường Tân Lộc), nổi tiếng với vườn ổi trồng hữu cơ. Bà Lê Hồng Điệp, chủ vườn ổi cô Ðiệp, cho biết: “Vườn có diện tích khoảng 7.000m2, trồng chủ lực là cây ổi thuộc giống ổi lê vàng, giòn và ngọt. Vườn này tôi trồng đến nay đã hơn 17 năm, trái được bao bọc từ nhỏ, bao qua hai lớp màng. Trái có quanh năm nhưng thường cũng không đủ bán bởi du khách gần xa biết tiếng ổi sạch xứ cù lao và đặt mua”. Không chỉ tham quan vườn cây, tự tay bẻ ổi, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn độc đáo làm từ ổi tại đây, như: bánh xèo nhân ổi, gỏi ổi, nước lên men ổi… Bên cạnh vườn cô Điệp, cù lao Tân Lộc còn có nhiều nhà vườn khác như: vườn nho thân gỗ thầy Thống, vườn chôm chôm Tư Bi, vườn dừa Tân Lộc… thích hợp để du khách trải nghiệm “hòn đảo ngọt” của Cần Thơ.
Cù lao Tân Lộc được đánh giá giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, trong Quyết định Ðiều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND thành phố có xác định cù lao Tân Lộc là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía Tây của thành phố. Cù lao Tân Lộc có định hướng cụ thể với Đề án Phát triển du lịch Tân Lộc (đề án). Theo đó, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đưa Tân Lộc trở thành một trong những điểm đến trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng hấp dẫn của Cần Thơ. Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc được xác định cụ thể như sau: hình thành khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin về du lịch cù lao; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam của cù lao. Trong đó, tại khu vực đầu phía Bắc của cù lao phát triển theo mô hình sinh thái, dân dã của làng quê sông nước, còn khu vực phía Nam của cù lao phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao.
Du lịch sinh thái là một trong những thế mạnh của Thốt Nốt, bởi bên cạnh vườn trái cây, nơi đây còn nhiều không gian điểm đến lý tưởng về thiên nhiên như: vườn cò Bằng Lăng (phường Thuận An), các làng bè, điểm nuôi cá tự nhiên trên cù lao Tân Lộc… thích hợp để tạo nên những trải nghiệm đa dạng về sông nước miệt vườn Nam Bộ.
Bài, ảnh: Ái Lam