(TN&MT) – TS. Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, cộng đồng địa phương đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cứu câu Táu – Cây di sản trước cửa đền Thiên Cổ ở xã Trưng Vương, TP.Việt Trì. Đặc biệt, cấm xe tải và hạn chế xe con lưu hành trên đường dân sinh sát gốc Cây Di sản.
Cây táu ở Đền Thiên cổ - chứng tích nghề giáo thời Hùng Vương (xã Trưng Vương, TP Việt Trì) nay đã 2.100 năm tuổi và được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam ngày 28/5/2012. Theo ngọc phả để lại, đây là nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và vợ là Thục nương Nguyễn Thị Thục, người có công dạy hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18. Khi hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang mất, nhân dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại đó.
Hai cây Táu - cây di sản trước cửa đền Thiên cổ cách đây 4 năm. Ảnh: VACNE
Tương truyền rằng, cây táu quý được cổ nhân trồng từ thời đó. Cũng theo ngọc phả trước cửa đền có hai cây táu là Cây táu hoa trắng (dân địa phương gọi là cây bạc) và cây táu hoa vàng (cây vàng). Khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị gãy. Bỗng một thời gian sau, từ gốc cây cũ mọc lên những chồi biếc và cứ thế cây táu hoa vàng vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ trên lưng cây mẹ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi cách mặt đất 0,2m là 4,5m, đường kính tán cây là 30m.
Dân làng không ai biết cây táu được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng bóng cây rất mát, rễ táu dài, uốn lượn như hình con rồng bò bám hết mặt đường. Vua quan ngày xưa đi qua Đền Thiên Cổ đều phải xuống ngựa, còn nhân dân thì ngả mũ. Đặc biệt, khi đi qua nơi này, tuyệt đối không ai được phép nói bậy. Cây Di sản này là chứng tích của cả một thời kỳ lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của vùng đất Tổ; gắn với các giá trị văn hóa, tâm linh hoặc sự kiện lịch sử nổi bật trên vùng đất Vua Hùng đã đóng đô.
Hiện nay, Cây Táu hoa trắng (táu bạc) hơn 2.100 năm đang bị sâu bệnh xâm hại, kiệt sức và đã được các chuyên gia nước ngoài, cùng Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) và tỉnh Phú Thọ tới khảo sát và đề xuất các giải pháp cứu cây. Cùng với việc bổ sung phân bón hữu cơ, loại bỏ những cây thực bì ký sinh và phụ sinh trên cành ngọn; cắt bớt cành khô, trám kín những lỗ mục trên thân ngăn nước đọng; sử dụng các chế phẩm hạn chế nấm gây thối rễ…các chuyên gia còn khuyến cáo: cấm xe tải và hạn chế xe con lưu hành trên đường dân sinh sát gốc Cây Di sản.
Biển cấm xe tải đi qua khu vực Cây Di sản. Ảnh: VACNE
Địa phương đã đầu tư nhiều tiền của và công sức, chuyển dịch đoạn đường này ra xa gốc cây hơn theo đề nghị của VACNE, tới nay lại cấm xe tải đi qua sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất của địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con cùng đồng lòng với quyết tâm cứu Cây Di sản.