quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Cải thiện môi trường của các hệ sinh thái nhạy cảm là giải pháp duy nhất đảm bảo cho việc phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học

Thứ Năm, 09/03/2023 | 03:00:00 PM

(VACNE) - GS.TSKH. Nguyễn Văn Trương, Phó Chủ tịch Hội, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, người đã khởi xướng và xây dựng hàng loạt “Làng sinh thái” trên các hệ sinh thái nhạy cảm ở các vùng mienf của đất nước. Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội, VACNE xin trích đăng bài báo này như 1 việc tri ân cố Giáo sư – Anh hùng

GS.TSKH. Nguyễn Văn Trương phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Trung năm 2004

I. Quan hệ song hành môi trường và đa dạng sinh học

Ngày nay người ta nói và viết nhiều về môi trường và đa dạng sinh học, thường coi như đó là hai vấn đề độc lập. Làm như thế thì rõ ràng chưa thấy hết nguy cơ hủy hoại môi trường. Cần khẳng định rằng, môi trường nào sinh vật nấy để cho con người thấy rõ là môi trường bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và suy thoái nguồn tài nguyên sinh vật, nguồn thức ăn nuôi sống con người. Sinh vật, bất kỳ ở bậc cao hay bậc thấp đều cần phải có không khí để thở, có đất, nước để sống mà tất cả các thứ đó đều nằm trong môi trường và chi phối bởi môi trường. Khi người ta nói rừng nhiệt đới phong phú về đa dạng sinh học thì lại quên nói đến môi trường sống của các loài động thực vật sống trong rừng ấy. Các loài cây tùy theo yêu cầu ánh sáng, độ ẩm, không khí, độ tán che, độ chua của lớp đất mặt mà chọn môi trường sống và phát triển. Rồi người ta chặt đi cây gỗ cao chạy theo lợi nhuận quên rằng sự mất mát của tầng tán cây bị chặt kéo theo sự thay đổi môi trường làm cho những loài cây ở lớp d¬ới nghèo dần và có loài sẽ mất hẳn. Đất nghèo dần, lớp đất màu mỡ bị nước cuốn trôi trở nên khô cằn không thể sản xuất đủ lương thực thực phẩm nuôi sống con người nữa, thậm chí các gia súc cũng thiếu thức ăn. Cuộc sống nghèo đói, thiếu đất màu mỡ, thiếu nước để canh tác và sinh hoạt nên người dân phải bỏ đi tìm nơi khác để sống. Thế mới biết môi trường nghèo kiệt dẫn đến đời sống nghèo khổ và không ổn định, phải du canh và du cư, có khi du cư đến nơi rất xa. Vậy phải làm sao cho các cơ quan khoa học và các cấp chính quyền thấy được mối quan hệ "môi răng" giữa môi trường và đời sống, lối sống của bà con các dân tộc ở vùng rừng núi đất dốc.

II. Nắm vững quy luật diễn thế theo hai chiều của đa dạng sinh học và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho các dân tộc ở miền núi đất dốc.

Nhà nước đã có kế hoạch xóa đói giảm nghèo cho các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có chương trình định canh, định cư. Chắc chắn nội dung chương trình định canh định cư là trợ giúp cho người dân ở đây giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác trên đất dốc. Đã có khá nhiều tài liệu phổ biến những kỹ thuật canh tác trên đất dốc mà thực chất là các biện pháp hạn chế suy thoái môi trường sống cho các cây trồng và vật nuôi. Hơn thế nữa còn cần những giải pháp để duy trì và nâng cao các tính năng của môi trường đáp ứng đòi hỏi cao của cây trồng có giá trị thực phẩm và năng suất cao. Cần phải chú trọng các giải pháp kỹ thuật thiết thực và đồng bộ đảm bảo cho môi trường có tiềm năng sinh học cao và đặc biệt duy trì được tiềm năng đó lâu dài cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc dựa trên sự phát triển bền vững của sản xuất lương thực thực phẩm. Do đó giải pháp xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho sự phát triển miền núi là cải thiện môi trường để bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học. Hiện nay còn tình trạng phá thảm thực vật tự nhiên đã tồn tại lâu đời trên đất dốc có tác dụng cải thiện môi trường cho nhiều loài cây tự nhiên phát triển. Thay vào đó là trồng cây nông nghiệp nhưng khi phá thảm thực vật tự nhiên đó thay thế bằng thảm thực vật nông nghiệp thì lại chú trọng thu thập các sản phẩm làm suy thoái môi trường và dẫn đến sự nghèo kiệt của thảm thực vật về chủng loại và giá trị kinh tế. Hiện nay ta chỉ còn khoảng 1 triệu ha rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học được các nhà nghiên cứu thực vật xếp vào loại giầu nhất nhì trên thế giới. Sau khi bị chặt phá để lấy gỗ người ta lại khai thác các lâm sản quý khác để sử dụng và bán ra thị trường. Có người đã nói ở nước ta "đi vào rừng đạp lên cây thuốc". Đó là một nhận định có phần phóng đại nhưng cũng chứng tỏ rằng riêng các tài nguyên lâm sản ngoài cây gỗ rất phong phú và đa dạng. Điều người ta ít lưu ý là mỗi loài cây trong rừng nhiệt đới của chúng ta đều tìm thấy một môi trường thích hợp mà hàng trăm loài khác ở các lớp không gian đã tạo nên cho nó và chung sống với nó. Nếu ta triệt phá một loài cây có giá trị kinh tế để sử dụng thu lợi thì cũng đồng thời chúng ta đã làm ảnh hưởng đến môi trường chung của toàn thể các loài cây và làm suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học. Nếu khảo sát những khu rừng nghèo kiệt mà diện tích đã tăng lên ở khắp nơi, khoảng 3 triệu ha, thì chúng ta phải đau xót vì môi trường sống cho các loài cây đã suy thoái đến mức các loài cây có giá trị không thể tồn tại, thay vào đó là một vài loài thích nghi được với môi trường suy thoái khô hạn đất nghèo và đó là những loài cây mà các nhà lâm học đặt cho cái tên không đẹp là những loài cây "xâm chiếm". Cần phải thấy rõ mối quan hệ hữu cơ sinh vật và môi trường, sự phong phú các chức năng của môi trường kéo theo như hình với bóng sự phong phú và đa dạng sinh học và quan trọng hơn nữa là giá trị kinh tế của đa dạng sinh học rừng nhiệt đới nguyên sinh. Những giá trị này đang giảm sút rất mạnh thậm chí không còn nữa, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân bản địa. Sự suy thoái môi trường không chỉ làm giảm sút số lượng và chất lượng đa dạng sinh học tự nhiên mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của bà con các dân tộc ở miền núi nơi mà họ sống dựa vào sự phong phú của đa dạng sinh học của rừng. Ở đây xin nêu lên mối quan hệ đa dạng sinh học cây trồng vật nuôi với môi trường. Bà con các dân tộc đều nhận biết rằng môi trường sống tốt cho cây trồng mà rừng tạo nên là lớp đất mặt dày có độ phì nhiêu cao nên trồng được nhiều loài cây lương thực, thực phẩm, đa dạng sinh học cây thuần dưỡng có năng suất cao nên đã chặt phá rừng để sử dụng môi trường tốt cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng rồi mưa to, đất dốc, lớp đất phủ bề mặt bị rửa trôi. Sản xuất nông nghiệp mà quên đi nhiệm vụ song hành rất quan trọng là bảo vệ môi trường. Nhìn thấy các thảm thực vật nghèo ở các trảng cỏ, tổng sinh khối thấp và nghèo về số loài, đang lan rộng trên nhiều vùng thì ta không khỏi băn khoăn về tác động làm suy thoái môi trường do chúng ta gây nên. Câu hỏi là những người quan tâm đến môi trường và đa dạng sinh học là phải làm gì và hành động ra sao?

III. Cải thiện môi trường của các hệ sinh thái nhạy cảm kém bền vững để làm giàu đa dạng sinh học, nâng cao đời sống và phát triển bền vững cho các cộng đồng dân cư.

Ở nước ta diện tích đất đai thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp không rộng, ở đồng bằng bắc Bộ bình quân mỗi đầu người 500m2 và nam Bộ con số đó có thể lên gấp đôi. Tuy nhiên diện tích các hệ sinh thái kém bền vững thì lại rất rộng, gồm có đất úng ngập nước, bãi cát, đồi núi trọc và khi ta đến các hệ sinh thái đó thì ta thấy sự nghèo nàn của thảm thực vật. Trên đồi trọc chỉ còn có cây sim, cây mua, cây gai, cỏ tranh trong đó không còn một sinh vật nào sống được, vì môi trường đã bị suy thoái, đất cằn khô kiệt. Trước đây trên những đồi ấy là rừng nhiệt đới giàu các loài thực động vật vì môi trường sống của chúng được đảm bảo. Đến vùng hoang mạc cát trải dài trên mấy trăm cây số dọc bờ biển chúng ta cũng chỉ thấy cây tự nhiên mọc thưa thớt, phần lớn là cây lá cứng bóng và cây có gai. Sự nghèo về số loài cây tự nhiên với tổng sinh khối nhỏ là do môi trường khắc nghiệt khô nóng, lộng gió, giữ nước kém. Nơi nào nước ngọt ở lớp đất không sâu lắm có thể khơi giếng đào ao trữ nước thì bà con nông dân đến ở và trồng cây, tạo bóng mát cải thiện môi trường, trồng cây lương thực, thực phẩm.

Giải pháp duy nhất để cải thiện đời sống của bà con đang phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt là tìm ra giải pháp cải thiện môi trường một cách có hiệu quả, với năng lực và đồng vốn của bà con có được cộng với sự hỗ trợ của nhà nước hoặc một cơ quan tài trợ khác. Vấn đề trực tiếp ở đây là sự nhận biết sâu sắc về quan hệ môi trường và đa dạng sinh học. Nếu không nắm vững quy luật đó thì tác động của đầu tư kinh phí và sức người cũng ít có hiệu quả thậm chí không có hiệu quả. Cải thiện môi trường đồi trọc và trên đất cát đòi hỏi sự hiểu biết về cây trồng với môi trường và sự lựa chọn trong đa dạng sinh học tự nhiên những loài cây nào thích nghi với môi trường đã được cải thiện bằng các biện pháp cơ học. Khi các cây trồng được cải thiện, môi trường đã phát huy tác dụng của chúng, môi trường được cải thiện thì có thể trồng được nhiều loài cây với chất lượng và năng suất cao. Tóm lại thành công trong việc xây dựng làng sinh thái khởi đầu bằng cải thiện môi trường. Môi trường được cải thiện dần thì đa dạng sinh học nông nghiệp, thủy sản sẽ tăng dần. Sự song hành môi trường và đa dạng sinh học là quy luật chặt chẽ, nghiêm khắc nếu người biết vận dụng sẽ tạo ra cuộc sống tốt đẹp, còn không sẽ hứng chịu sự tàn phá của đói nghèo và bất an.

Lượt xem: 1668

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE