quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Các làng nghề và mô hình "Mỗi buôn làng một sản phẩm" (OTOP) trên dãy Trường Sơn (Phần 1)

Thứ Sáu, 08/08/2014 | 03:24:00 PM

(VACNE) - Tiếp sau Hội thảo khoa học "Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 6"; chuyên đề: Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng" diễn ra tại Đà Nẵng (26-27/7/2014), các nhà khoa học VACNE đang khẩn trương chuẩn bị báo cáo, tham luận cho Hội thảo lần thứ 7 với cùng chuyên đề, dự kiến tiến hành vào quý IV năm nay tại Nha Trang. Sau các bài về cộng đồng sinh thái, VACNE đăng tiếp báo cáo về OTOP. Kính đề nghị các nhà khoa học, quản lý gửi đăng các bài viết của mình.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các làng nghề ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển và có vai trò quan trọng, lâu dài trong suốt quá trình lịch sử của đất nước cho đến tận ngày nay.Theo thống kê của Tổng cục Môi trường tháng 7/2012, tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước là 3.355 làng, trong đó có 1.318 làng đã được các địa phương chính thức công nhận là làng nghề. Với mong muốn phát huy tri thức bản địa, một biểu hiện của văn hóa môi trường truyền thống, phục vụ sinh kế cộng đồng theo mô hình OTOP “ Mỗi buôn làng Một sản phẩm”, chúng tôi thử đưa ra các nhận xét liên quan đến làng nghề ở khu vực Trường Sơn như là những nghiên cứu điển hình thực tế đã được kiểm chứng, từ đó đề xuất một số việc nên làm cho vấn đề này.


I. OTOP LÀ GÌ ?

OTOP là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “One Town/Tambon One Product”, có xuất xứ từ quận Oita Nhật Bản vào cuối những năm 70 của Thế kỷ XX. Nghĩa đen của OTOP là mỗi thị trấn, mỗi địa phương, mỗi làng ( Village, do đó đôi khi còn gọi là OVOP ) cho ra một sản phẩm riêng, đặc trưng cho thế mạnh của mình, vừa để phục vụ sinh kế cộng đồng, vừa góp phần phát triển kimh tế của đất nước.

Theo TSKH Trần Công Khánh, những sản phẩm nói ở đây phần lớn được làm ra từ nguồn nguyên liệu ở địa phương, được chế tác bằng các kỹ năng, kỹ sảo tích lũy trong dân địa phương từ đời này qua đời khác. Các sản phẩm đó thường rất đặc trưng cho từng nơi như đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, thuốc men, đồ gốm, đồ gia dụng, thực phẩm,…Các sản phẩm này vừa phục vụ tiêu dùng, vừa bán cho khách du lịch mà bản thân các sản phẩm đó cũng là nguồn hấp dẫn khách, vừa có thể phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo TSKH Trần Công Khánh, hiện nay OTOP đã được phát triển khá thành công ở Thái Lan với trên 36.000 mô hình, ở Đài Loan với trên 100 trung tâm và ở một số nước châu Á khác, nơi có nhiều tiềm năng về mặt này. Ở nước ta, những năm gần đây đã xuất hiện những mô hình OTOP đầu tiên như sản phẩm “Sapa – napro” của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc cổ truyền CREDEP ( năm 2007 ) hay việc triển khai đề án xây dựng OTOP ở Quảng Ninh do PGS.TS Trần Văn Ơn tư vấn thực hiện.

II. PHÂN LOẠI LÀNG NGHỀ KHU VỰC TRƯỜNG SƠN

1. Tiêu chí phân loại

Trong cuốn “Làng nghề Việt Nam và môi trường”, NXB Khoa học và Kỹ thuật, H.,2012, GS.TS.NGND Đặng Kim Chi và các cộng sự đã đưa ra 7 yếu tố như là những tiêu chí phân loại làng nghề truyền thống như sau (ở đây không xét các loại làng nghề khác vì không gần với quan niệm OTOP mà chúng tôi muốn thảo luận):

- Đã hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời ở nước ta

- Sản xuất tập trung, tạo thành các làng nghề, phố nghề

- Có nhiều thế hệ nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề

- Kỹ thuật và công nghệ khá ổn định

- Sử dụng nguyên liệu tại chỗ, trong nước hoặc chủ yếu là trong nước

- Sản xuất các sản phẩm tiêu biểu và độc đáo Việt Nam, có giá trị và chất lượng cao, vừa là hàng hóa vừa là văn hóa nghệ thuật, có thể được đánh giá như những di sản của dân tộc, mang bản sắc Việt Nam

- Là nghề nghiệp nuôi sống một bộ phận dân cư của cộng đồng, đóng góp vào kinh tế của đất nước.

Theo chúng tôi, một cách khái quát nhất, có thể thấy rằng làng nghề truyền thống với 7 yếu tố vừa trình bày, rất gần với vấn đề sinh kế cộng đồng trên cơ sở tri thức bản địa dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học của địa phương mà Hội thảo Trường Sơn 6 ở Đà Nẵng đã đề cập. Chúng cũng khá phù hợp với mô hình OTOP mà chúng ta đang bàn. Rộng hon, có thể coi đây như những biểu hiện của văn hóa môi trường truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại Thông tư số 116/2006/TT-BTNMT (có tài liệu viết là TT- BNN PTNT ), quy định, để được công nhận là làng nghề truyền thống, đối tượng được xét trước hết phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo các điều kiện sau:

- Làng nghề phải có tại địa phương từ trên 50 năm

- Nghề tạo ra các sản phẩm mang bản sắc dân tộc

- Nghề phải gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng.

Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, 7 yếu tố và 3 điều kiện vừa trình bày là khá thống nhất với nhau,vì vậy, trong những phần trình bày tiếp theo,chúng tôi xin phép sử dụng kết quả nghiên cứu trong cuốn sách “Làng nghề Việt Nam và môi trường” nói trên.

2. Kết quả phân loại

Nếu tính dải Trường Sơn bắt đầu từ Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và kết thúc ở cực Nam Đông Nam bộ như quan niệm của VACNE (xem Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, NXB Tài nguyên và Môi trường, H., 2012), thì theo phân loại của GS. TS. NGND Đặng Kim Chi và đồng nghiệp, ta có kết quả sau:

1. Thanh Hóa có 127 làng nghề , trong đó có 45 là “thủ công mỹ nghệ”

2. Nghệ An -         25     -------”----------           10       -------”----------

3. Hà Tĩnh            16     -------”----------           11       -------”----------

4. Quảng Bình      14     -------”----------             9       -------”----------

5. Quảng Trị         12    -------”----------              2       -------”----------

6. Th Th Huế        13    -------”----------              4       -------”----------

7. Đà Nẵng           10    -------”----------              6       -------”----------

8. Quảng Nam      18    -------”----------              5       -------”----------

9. Quảng Ngãi        9    -------”----------              3       -------”----------

10. Bình Định        30   -------”----------            15       -------”----------

11. Phú Yên            6    -------”----------               5    -------”----------

12. Khánh Hòa      14   -------”----------               4    -------”----------

13. Lâm Đồng         3   -------”----------                2    -------”----------

14. Ninh Thuận       4 -------”----------                 1    -------”----------

15. Bình Thuận      13 -------”----------                 8    -------”----------

16. Đồng Nai           7 -------”----------                  3    -------”----------

Tổng cộng trong số 321 làng nghề truyền thống ở khu vực nghiên cứu, có 133 làng nghề thủ công mỹ nghệ, còn lại là thuộc các làng nghề dệt may, chế biến thực phẩm, dược liệu, tái chế phế liệu, khai thác đá, vật liệu xây dựng và nghề khác.

3. Nhận xét về kết quả phân loại “làng nghề truyền thống” theo OTOP

Trước hết, rất bất ngờ là các tỉnh Tây Nguyên, ngoại trừ Lâm Đồng, không có làng nghề truyền thống nào được công nhận. Một vùng rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên, rất nổi tiếng về các loài cây, con có khả năng điều trị, chữa bệnh, thậm chí đã thành danh, cả nước biết đến, nhưng không có nơi nào được đánh giá, được công nhận là làng nghề truyền thống. Chắc chắn rằng nếu theo quan điểm của OTOP, điều này có lẽ sẽ khác, sẽ phù hợp hơn.

Cũng theo quan điểm OTOP, phần lớn các làng nghề “thủ công mỹ nghệ”, chiếm tới hơn 1/3 tổng số làng nghề, có thể rất gần với mô hình “Mỗi buôn làng Một sản phẩm”. Đây là các đối tượng nên được chú trọng tìm hiểu, nhất là khi các làng nghề này có mặt ở tất cả 16 tỉnh và thành phố trong khu vực.

Làng nghề “tái chế phế liệu” chắc chắn không thuộc đối tượng nghiên cứu của chúng ta, còn trong số các làng nghề thuộc các loại còn lại, chỉ cần chú trọng một số làng nghề thêu thùa và chế biến dược liệu.

Cuối cùng có lẽ cũng nên nhận xét là, có thể do các quy định rất chặt chẽ của việc công nhận làng nghề truyền thống, đồng thời do chưa có điều kiện cập nhật các số liệu gần đây, nên số liệu đã nêu trên là thiên nhỏ. Đơn cử ví dụ. Theo thông tin trên mạng, Phú Yên hiện có ít nhất 18 làng nghề với 7 làng đã được công nhận theo Thông tư 116 nói trên. Vậy mà số liệu đã dẫn chỉ đưa ra con số chung là 6.

Tóm lại, việc nhận xét, đánh giá sơ bộ các làng nghề theo quan điểm OTOP có thể dựa chủ yếu vào số lượng các làng nghề thủ công mỹ nghệ, một số các làng nghề thuộc các ngành thêu thùa ,chế biến dược liệu. Các đối tượng “ chưa thành danh” , nhưng hàm chứa các yếu tố phù hợp với OTOP – “ Mỗi buôn làng Một sản phẩm” có thể chiếm tỷ lên không nhỏ, cấn được chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu.Con số 36.000 mô hình OTOP của Thái Lan rất đáng để chúng ta suy ngẫm về việc này. 

Theo chúng tôi, việc tìm kiếm các đối tượng “chưa thành danh” về mặt địa lý, nên chú ý các tỉnh Tây Nguyên và dải ven biển miền Trung, bao gồm các đảo, còn về mặt nghề nghiệp, nên chú trọng nghề chế biến dược liệu, thực phẩm.


(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Sinh và Phùng Quang Chính, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Lượt xem: 3917

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE