Dù còn nhiều việc cần làm để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, song thời gian qua, địa phương đã thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản gắn liền với khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế địa phương.
Hạ Long từ góc nhìn trên cao. (ảnh chụp từ thủy phi cơ vừa được đưa vào phục vụ tuyến du lịch Hà Nội - Hạ Long). Ảnh: Mạnh Hưng
Vịnh Hạ Long - điểm đến của di sản
Vịnh Hạ Long được biết đến như một danh thắng nổi tiếng với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ như một dải ngọc được rải đều trên bờ biển Đông Bắc tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, kỳ vĩ. Với diện tích 1.553km2 và gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ, vùng kỳ quan danh thắng này ngay từ thời điểm đó (năm 1962) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng danh thắng này là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Di sản Danh thắng Vịnh Hạ Long ngày càng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ nhất năm 1994.
Thời điểm bấy giờ, Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị toàn cầu về thẩm mỹ. Niềm vinh dự, tự hào được nhân đôi, khi năm 2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng di sản Thế giới tại ô-xtrây-li-a đã ghi danh Vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai với giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo.
Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mang những giá trị đặc biệt về thiên nhiên, thẩm mỹ và giá trị về địa chất, địa mạo đã tạo nên một giá trị riêng cho thắng cảnh thiên nhiên có một không hai trên thế giới.
Năm 2011, Tổ chức New Seven Wonders (7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới) một lần nữa khẳng định giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long khi ghi danh danh thắng này vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Lúc bấy giờ, Giám đốc tổ chức New Seven Wonders, ông Jean Paul De La Fuente khi đến thăm Vịnh Hạ Long đã bày tỏ: “Hiếm khi trong đời, tôi được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên biển thú vị như ở Vịnh Hạ Long. Tôi rất may mắn khi được khám phá di sản, danh thắng đặc biệt này”.
Đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long
Ngay từ khi được Nhà nước công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia, công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của danh thắng Vịnh Hạ Long đã được chính quyền và người dân địa phương ý thức gìn giữ, bảo vệ. Cũng vì thế, cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động của thời gian và nhu cầu sinh sống của người dân, nhưng Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long vẫn gần như được bảo tồn nguyên trạng.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO khi đến thăm Vịnh Hạ Long chứng kiến công tác gìn giữ và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới của địa phương đã để lại cảm tưởng:“Cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội đến thăm Vịnh Hạ Long. Nơi không chỉ là di sản thế giới mà còn là một trong những kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Nơi đây rất đẹp, rất ấn tượng. Nó vượt qua cả trí tưởng tượng của con người. Đặc biệt cảm ơn các bạn vì đã bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản này”.
Khách du lịch trong nước và quốc tế thích thú với những khám phá thiên nhiên tại Vịnh Hạ Long. Ảnh: Trọng Hải
Di sản Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh thiên nhiên, đồng thời còn là nơi sinh sống của nhân dân bản địa. Chính vì thế, có những thời điểm, môi trường sinh thái và cảnh quan nơi đây đã đứng trước nguy cơ chịu sự tác động của con người khi mà sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện du lịch, vận tải trong khu vực vịnh. Những vấn đề này đã được UNESCO tỏ rõ sự quan ngại trong công tác bảo tồn trong các kỳ họp gần đây.
Vấn đề này cũng đặt ra yêu cầu về những cơ chế mới trong quản lý và bảo tồn. Tuy nhiên, Ban quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long cũng chỉ là một đơn vị quản lý về mặt chuyên môn chứ chưa thực sự được cấp các thẩm quyền và những cơ chế chính sách đặc thù để có thể nâng cao hiệu quả trong quản lý.
Điều này cũng được đề cập đến trong nghị quyết 38COM 7B.72 tại kỳ họp 38 mới diễn ra hồi tháng 6 năm nay tại Đô-ha (Ca-ta): “Yêu cầu quốc gia thành viên thực hiện tất cả các khuyến nghị của Đoàn giám sát IUCN năm 2013, đặc biệt là tăng cường năng lực quản lý của BQL Vịnh Hạ Long bằng cách trao thêm quyền chủ động, độc lập và ra quyết định cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hằng ngày và thực thi vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý Di sản”.
Về vấn đề này, bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: “Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy định về quản lý Di sản thế giới tại Việt Nam để quản lý hiệu quả Di sản. Đồng thời cũng cần rà soát các quy định tại Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh, bổ sung và làm rõ hơn những điều khoản liên quan đến quản lý Di sản thiên nhiên. Đồng thời cần có những rà soát mô hình quản lý Di sản thế giới ở Việt Nam, xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, bộ, ngành Trung ương, làm cơ sở cho các đơn vị quản lý trực tiếp Di sản cụ thể hóa thực hiện. Có như vậy, công tác quản lý mới thực sự hiệu quả”.
Phát huy tiềm năng "dải ngọc xanh" vùng Đông Bắc
Vùng đất Quảng Ninh nổi danh với những vỉa vàng đen (than khoáng sản) và giờ đây với Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh lại có thêm một "dải ngọc xanh" mang lại giá trị lớn từ ngành "công nghiệp không khói". Khi đặt chân đến Hạ Long, nhiều du khách đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ và nên thơ của thiên nhiên, của cảnh quan di sản thiên nhiên thế giới đặc biệt này.
Anh Trần Thiện Duy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Quốc tế Minh Dương (MinhDuongTravel) chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên đưa các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan Vịnh Hạ Long. Chất lượng dịch vụ ở đây khá tốt và ngày càng được nâng cao. Hầu hết các du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đều tỏ ra hài lòng khi được đến tham quan và bày tỏ mong muốn được quay lại Vịnh Hạ Long sau khi kết thúc tour".
Tại Vịnh Hạ Long, hình thức du lịch được coi là truyền thống trên vịnh là bằng du thuyền. Với loại hình du lịch này, tính từ khi được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới cho đến nay đã đón gần 30 triệu lượt khách. Trong đó có quá nửa là số lượt khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long, đem lại doanh thu từ phí tham quan hơn 1.250 tỷ đồng. Đến nay, bình quân hằng năm Hạ Long đón từ 2,5 đến 2,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,4 triệu lượt khách quốc tế.
Mới đây nhất, loại hình du lịch tham quan Vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ vừa được đưa vào hoạt động với 1 đến 3 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày (Hà Nội - Hạ Long) và 5 đến 10 chuyến bay ngắm cảnh trên vịnh đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế mang lại một sự khám phá mới cho du khách khi đến thăm Di sản danh thắng này.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đang xúc tiến triển khai dự án cáp treo từ Bãi Cháy xuyên qua Vịnh Cửa Lục, chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đồi Ba Đèo sẽ giúp du khách có thêm một cách thức khám phá thiên nhiên kỳ thú của Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh việc mở thêm và nâng cao chất lượng những loại hình dịch vụ du lịch, các hoạt động quảng bá như Carnaval Hạ Long; những tuyến đường đến với Hạ Long ngày càng thuận lợi với các tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng. Mới đây nhất (13-9), tuyến cao tốc nối liền Hải Phòng - Hạ Long cũng vừa được khởi công.
Đến cuối năm 2016, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, thời gian đi từ Hải Phòng đến Hạ Long được rút ngắn xuống còn 15 phút. Và để đi từ Hà Nội đến Hạ Long theo tuyến đường này chỉ mất 1 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện nay. Cùng với các tuyến đường nội bộ nối liền các tuyến điểm du lịch của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, Vịnh Hạ Long sẽ là trung tâm kết nối du lịch trên địa bàn Đông Bắc. Từ đây, Vịnh Hạ Long sẽ trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng mang lại nguồn lực mới cho du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Các danh hiệu Vịnh Hạ Long đã được tôn vinh
- Năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia.
- Ngày 17-12-1994, tại kỳ họp thứ 18, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị toàn cầu về thẩm mỹ.
- Ngày 2-12-2000, UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai với giá trị về địa chất, địa mạo.
- Tháng 8-2009, Vịnh Hạ Long được Nhà nước xếp hạng là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt.
- Ngày 11-11-2011, Vịnh Hạ Long được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
|