Rừng lộc vừng cổ thụ dài gần 3 km bao bọc quanh làng Siêu Quần.
Từ hồi khai canh, lập đất, các bậc cao niên của làng đã trồng cây lộc vừng tổ trên đất chùa trong thôn và khi đắp đê ngăn mặn. Thấy cây này có những đặc tính hợp với đất ở vùng này, họ đã quyết định chọn cây lộc vừng trồng đại trà trên những con đê nhằm giữ đất, chắn sóng.
Làng Siêu Quần có 320 ha rừng thì cây lộc vừng chiếm đến 70% diện tích. Quanh làng có hàng nghìn cây lộc vừng cổ thụ, trải dài gần 3km, tạo thành một vành đai vững chắc chắn bão cho người dân trong thôn.
Cây sanh nghìn tuổi ở Nghệ An
Cây sanh ở bản Kẻ Mui (xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) mới được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là cây thứ 3 ở Nghệ An được công nhận là cây di sản sau cây lộc vừng ở đảo Ngư và cây sa mu ở vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông).
|
Cây sanh này được công nhận là cây di sản Việt Nam.
|
Cây sanh này có tuổi đời đến nghìn năm, được đánh giá là cây tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Cây cao 27m, tán rộng khoảng 35m. Gốc cây ôm lấy một tảng đá lớn rộng khoảng 5m, dài hơn7 m. Phía trên là khối đá nhỏ hơn có đường kính hơn 2m, cao khoảng 3m. Cả hai khối đá này được rễ cây sanh bao bọc xung quanh trông như hình một “mâm xôi, con gà”, thân cây thì được ví như "phượng múa rồng bay".
Cây được một thương lái vô tình phát hiện cách đây hơn chục năm. Sau đó, nhiều người săn cây cảnh đã tìm đến để mua với giá hàng tỷ đồng nhưng người dân ở đây không bán. Thậm chí, có người còn muốn mua cả mảnh đất để sở hữu cây sanh, nhưng chủ nhân cũng không chịu mà xem đó là báu vật của làng.
"Báu vật" cổ thụ ở Quảng Ngãi
Ở thôn A Mé (xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ) có hai cây sao xanh tuổi đời hàng trăm năm, đường kính từ 1,5 - 2m, với 5, 6 người ôm, lá rất xanh tốt. Thời gian qua, bọn lâm tặc liên tục đến gạ gẫm dân làng để mua nhưng dân làng không bán với bất kỳ giá nào, vì đó là biểu tượng hiên ngang của người Hrê ở đây.
|
Cây sao xanh này được người dân A Mé coi là báu vật.
|
Còn ở thôn Trà Ót (xã Trà Tân, huyện Trà Bồng) có cây chò cổ thụ được người dân luôn nỗ lực bảo vệ. Từ hồi kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, cây chò này là ngã ba giao lưu buôn bán, là điểm dừng chân của thương lái người Kinh và bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng; đồng thời cũng là điểm dừng chân của bộ đội. Sau giải phóng, nhiều gia đình ngoài Bắc khi đến Trà Tân tìm mộ liệt sĩ đã lấy mốc là cây chò để đi về các hướng tìm mộ.
Cây dã hương 600 tuổi ở Nam Định
Cây dã hương 600 tuổi ở thôn Dương Phạm (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), là một trong số 2 "cụ" cây dã hương nằm trong sách đỏ của thế giới còn tồn tại đến nay (cùng với cây dã hương 700 tuổi ở huyện Tân Yên, Bắc Giang).
|
Cây dã hương cổ thụ có tên trong Sách đỏ thế giới ở thôn Dương Phạm.
|
Cây dã hương ở thôn Dương Phạm thu hút sự chú ý không chỉ của giới khoa học mà xung quanh “đại lão mộc tinh” này còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ, khó lý giải. Theo Nông nghiệp Việt Nam, cây cổ thụ này giống như Thành hoàng làng vậy. Thời chiến, cả khu di tích miếu Vua Bà và cây dã hương như một pháo đài để bộ đội ta chống giặc. Đến thời bình, dân trong thôn có công to việc nhỏ đều đến gốc cây. Từ chuyện đặt móng xây nhà, đưa con đi thi đại học, đám cưới đám hỏi… đều nhờ cây phán hộ. Người dân thôn Dương Phạm xem cây dã hương như là một “báu vật” của làng, họ ngày đêm ra sức bảo vệ và gìn giữ.
Tháng 8/2012, những người thuộc Tổ chức Guiness Việt Nam về chơi đã đo đường kính lớn nhất của cây là 16 mét. Kích thước tuy nhỏ hơn cây dã hương ở Bắc Giang, song cây dã hương thôn Dương Phạm có dáng vẻ uy nghi, kỳ thú rất đẹp mắt.
|